Nỗi niềm một bóng hồng trên thị trường chứng khoán
Phái yếu ngày nay không còn là những cô nàng Lọ Lem bên xó bếp. Họ giờ đây đã và đang trở nên độc lập và mạnh mẽ hơn bao giờ hết ở mọi lĩnh vực, trong đó có cả đầu tư chứng khoán.
Thực tế, việc những bóng hồng đầu tư trên thị trường chứng khoán đã không còn là điều xa lạ từ lâu. Giờ đây, sự khác biệt chủ yếu nằm ở cách tiếp cận của những thế hệ khác nhau. Nhân ngày 08/03, người viết đã có dịp ngồi lại với một bóng hồng thuộc thế hệ chuyển giao của 8x và 9x.
Sau đây là câu chuyện của chị H (TPHCM), làm việc trong lĩnh vực tài chính.
Chị đã đến với chứng khoán như thế nào?
Chị H: Tôi tò mò với đầu tư chứng khoán và thử công việc mới – khác lạ so với chuyên ngành học đại học. Nhưng có hứng thú rất lớn với công việc. Việc đầu tư chứng khoán thời điểm này với mục tiêu lớn nhất là tìm hiểu cách giao dịch, tâm lý nhà đầu tư và tự tạo thói quen phải theo dõi diễn biến thị trường thường xuyên.
Chị có thể chia sẻ thương vụ đầu tiên của mình khi tham gia thị trường chứng khoán?
Số vốn đầu tiên khi mở tài khoản là 20 triệu đồng vào năm 2013. Mã đầu tiên mua là FDC, lỗ 4 triệu đồng. Xót đứt ruột nhưng không biết cách hành động, không dám cắt lỗ.
Lúc mới gia nhập thị trường, việc mua cổ phiếu phụ thuộc vào tư vấn của môi giới mà không có bất cứ chiến lược đầu tư nào. Chỉ đơn giản nghe tư vấn, và hỏi về cơ sở mua, lướt qua vài con số kinh doanh chính như doanh thu, lợi nhuận, cổ tức, các hợp đồng dự kiến ký kết… nhưng không hề hiểu bản chất sâu xa về ý nghĩa các con số, các vấn đề tiềm ẩn và thậm chí, còn chẳng hiểu rõ lĩnh vực ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp có dư địa tăng trưởng ra sao, vị thế như thế nào?
Khi mới tham gia thị trường, chị đầu tư theo phương pháp nào?
Không có phương pháp. Nghe theo môi giới, tự kiểm nghiệm đơn giản. Sau vài khoản đầu tư ban đầu thì hiểu biết hơn chút ít về các kỹ thuật giao dịch, về các thông tin đưa ra thị trường có chủ đích và sau đó, đầu tư theo tin đồn là chính.
Sau đó thì chị có thay đổi phương pháp đầu tư không? Vì sao?
Có thay đổi. Vì dù nghe nhiều tin đồn, áp dụng vào một vài mã, lãi rất lớn, gấp 3 tài sản lúc đó nhưng không chốt lời, vì lý do đơn giản: tin đồn là còn lên nữa, lòng tham không được kiểm soát, không có kỷ luật đầu tư. Kết quả, giá cổ phiếu giảm mạnh, chưa đến mức lỗ nặng cổ phiếu đó nhưng phần lãi ấn tượng thì “không còn thuộc về mình”.
Căng thẳng, hoang mang về cách đầu tư, tôi bắt đầu tạm ngưng việc trading. Mò mẫm tài liệu, ôn tập lại kiến thức cơ bản, và bắt đầu lại. Đi từ việc tập phân tích các cổ phiếu mình hiểu về ngành, về doanh nghiệp,… thử nghiệm những nhận định, thông tin mình so với diễn biến giá cổ phiếu. Sau đó mới mạnh dạn giải ngân.
Dĩ nhiên, cách làm này bỏ qua nhiều cơ hội thị trường – nhưng phải chấp nhận, bởi đây là giai đoạn học tập, thử nghiệm và hình thành tư duy đầu tư nào đúng đắn, phù hợp với mình.
Chị rút ra kết luận gì từ phương pháp mới?
Mọi diễn biến giá cổ phiếu phải đi từ chất lượng hoạt động của doanh nghiệp. Cần biết thêm đôi chút về kỹ thuật để xác định điểm mua bán thích hợp.
Chị có thể chia sẻ thương vụ đầu tư có lãi nhất từ trước đến nay?
Cổ phiếu KSB giúp lãi gần gấp 3 (giá chốt lời là 81,000 đồng/cp). Cổ phiếu HVG lãi gấp 2 (mua 4,000 đồng và bán 8,000 đồng/cp)
Còn thương vụ lỗ nhất thì sao?
Cổ phiếu SJF!
Đến thời điểm hiện tại chị có lãi không?
Không!
Chị có nghĩ rằng phụ nữ khi đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với phái mạnh không?
Có. Bởi nếu không phải nhà đầu tư lớn, khó tham gia được các cộng đồng nhà đầu tư – chủ yếu là nam, thường xuyên hẹn hò thể thao, ăn nhậu… giúp gia tăng kết nối và trao đổi thông tin. Chưa kể, phụ nữ cần lo toan rất nhiều việc trong gia đình, con cái nên thời gian tranh thủ để nghiên cứu, tìm hiểu thông tin toàn là sau giờ hành chính.
Theo quan điểm của chị, đâu là những rào cản khi tham gia thị trường chứng khoán?
Kiến thức non nớt về thị trường, bao gồm cả những vấn đề kỹ thuật và cơ bản.
Bản thân các doanh nghiệp cũng có những chiến lược truyền thông cho giá cổ phiếu, dẫn đến thông tin trên một vài tờ báo, thậm chí là báo cáo công ty chứng khoán (CTCK) có tính định hướng đối với nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư chưa có nền tảng vững chắc dễ bị dắt mũi.
Hơn nữa, nhà đầu tư khó tiếp cận thông tin chính thống với doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp không có bộ phận IR phản hồi nhanh, chuẩn, trong khi nhiều doanh nghiệp có bộ phận này chỉ để… cho vui.
Cuối cùng, cơ chế phản hồi thông tin, thắc mắc, khiếu kiện giữa nhà đầu tư với các cơ quan chức năng như Sở GDCK, UBCKNN chưa thực sự công khai, minh bạch, nhiều thông tin phản ánh không rõ có nhận được và sẽ xử lý tới đâu.
Là một nhà đầu tư cá nhân lâu năm, chị có nhận định gì về xu hướng thị trường trong thời gian tới không?
Với những nỗ lực của Chính phủ, cơ quan quản lý, thì TTCK đang được phát triển theo hướng tốt hơn, với các giải pháp hữu hiệu như nâng cao minh bạch, nâng cao quản trị công ty, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao hệ thống giao dịch… và nỗ lực trong việc nâng hạng thị trường. Hàng loạt các văn bản, quy định đã được ban hành, mới đây là phê duyệt đề án tái cơ cấu TTCK - tôi cho là rất tốt, xây dựng nền tảng bền vững cho thị trường.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, chứng khoán Việt đã nhạy cảm hơn với những biến động trên thế giới, nên sẽ chịu tác động từ những diễn biến này. Sắp tới, nhiều sự kiện thế giới cần chú ý như Fed, Brexit, căng thẳng thương mại… đối với các ngành thì các đợt rà soát chống bán phá giá, hay trong nước là khả năng tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các ngành. Và VN-Index tiến sát ngưỡng 1,000 cũng là mốc rất cần lưu ý. Nhiều cảnh báo sẽ có đợt điều chỉnh trong khoảng cuối tháng 3.
Trải qua bao thăng trầm trên “chứng trường”, chị có gửi gắm gì cho những nhà đầu tư cá nhân trên thị trường hiện nay?
Trong tài khoản, lãi là ảo (cho đến khi bạn thực sự chốt lời), lỗ là thực (với các cổ phiếu biến động không theo chất lượng hoạt động, vị thế doanh nghiệp… thì khi giảm, khó lên lại đỉnh cũ).
Vì vậy, để không mất tiền oan uổng, hãy xem đầu tư chứng khoán với một tâm thế rất nghiêm túc. Không thể mua đại, mua theo tin đồn. Nên đầu tư cho trí tuệ bản thân, đó mới là đầu tư bền vững và dài hạn.
Tham khảo và đọc thật nhiều báo cáo, tin tức báo chí,... đến cả những quyển sách học thuật để vừa tích lũy thông tin, kiến thức và thậm chí có thể tự phân biệt được đâu là thông tin định hướng, đâu là thông tin có thể sử dụng trong đầu tư.
Nếu được chọn lựa trở lại, chị vẫn đầu tư chứng khoán chứ?
Vẫn, nhưng sẽ tìm hướng đầu tư khôn ngoan hơn.
Cảm ơn chị!
Phương Châu
FILI
|