Thứ Tư, 13/03/2019 13:35

Thị trường tăng nhờ sự lạc quan nhưng sẽ "chết" bởi sự thỏa mãn

Thị trường đang trong đà tăng trưởng khá hưng phấn trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, có vẻ như nhà đầu tư đã dần quên đi những bài học cay đắng trong quá khứ.

Câu nói của Sir John Templeton cho chúng ta sự cảnh báo quan trọng

Nhà đầu tư trở thành hiệp sĩ. John Templeton sinh ngày 29/11/1912 tại thị trấn Winchester thuộc bang Tennessee, Mỹ. Ông theo học tại Đại học Yale và tốt nghiệp cử nhân kinh tế vào năm 1934. Ông đạt được học bổng Rhodes Scholar của Đại học Oxford. Sau đó, ông lấy được bằng thạc sỹ ngành luật tại đây vào năm 1936.

Khi trở về Mỹ, John Templeton định cư tại thành phố New York. Ông làm thực tập sinh tại Fenner & Beane. Đây chính là công ty tiền thân của tập đoàn Merrill Lynch nổi tiếng ngày nay. Trong năm 1937, khi cuộc Đại suy thoái xảy ra, Templeton sáng lập ra công ty đầu tư Templeton, Dobbrow & Vance. Dưới sự lãnh đạo của ông, công ty đã gặt hái được nhiều thành công, tích lũy được tổng giá trị tài sản khoảng 300 triệu USD và mở rộng quy mô lên 8 quỹ.

Năm 1954, Templeton thành lập quỹ Templeton Growth Fund có trụ sở tại Nassau, Bahamas. Trong 25 năm tiếp theo, Templeton thành lập ra một số quỹ đầu tư thuộc nhóm lớn nhất và thành công nhất trên thế giới. Năm 1992, Templeton bán các quỹ của mình cho tập đoàn Franklin Group.

Năm 1999, tạp chí Money Magazine gọi ông là "Nhà đầu tư vĩ đại nhất thế kỷ". Với những thành tựu của mình, John Templeton đã được Nữ hoàng Elizabeth II phong tước hiệp sĩ. Đây chính là vinh dự to lớn nhất mà ông đạt được trong suốt cuộc đời.

Nhà đầu tư huyền thoại Sir John Templeton. Nguồn: John Templeton Foundation

Chu kỳ tâm lý thị trường luôn lặp lại. Câu nói nổi tiếng nhất của Sir John Templeton chính là: “Bull markets are born on pessimism, grow on skepticism, mature on optimism and die on euphoria”. Người viết tạm dịch như sau: “Thị trường giá lên sinh ra trong bi quan, lớn lên bằng sự hoài nghi, phát triển nhờ sự lạc quan và chết đi bởi sự hưng phấn, thỏa mãn”.

Khi tham gia vào thị trường, nhà đầu tư không còn là một cá nhân đơn lẻ mà dễ dàng bị tác động từ thị trường chung và tâm lý bầy đàn. Thị trường giá lên xuất hiện vào những lúc bất ngờ nhất và thường thì khi đó giao dịch khá ảm đạm, bi quan (pessimism). Các nhà đầu tư hầu như đều đang chán nản (discouragement) do ký ức từ đợt sụt giảm trước đó gây ra. Điều này lí giải cho việc có rất ít người ăn trọn được sóng tăng đầu tiên. Nhìn lại giai đoạn tích lũy của VN-Index trong tháng 01/2019, ta có thể thấy khối lượng giao dịch sụt giảm cùng những phiên giằng co liên tiếp. Giao dịch khá èo uột và các nhà đầu tư cũng không mặn mà với thị trường.

Tuy nhiên, đến tuần giao dịch đầu tiên sau Tết Nguyên Đán, thị trường đột ngột có những phiên tăng điểm mạnh liên tiếp. Khi đó, các nhà đầu tư lại hoài nghi (skepticism) đây có phải là những phiên bulltrap do “nhà cái” tạo ra hay không và vẫn chần chừ không tham gia.

Khi thị trường đã tăng mạnh nhiều phiên liên tiếp, mọi người mới bắt đầu chú ý. Sự lạc quan (optimism) lan tỏa và tâm lý hào hứng (exuberance) hiện diện khắp mọi nơi. Những khẩu hiệu kiểu như “Bán là thua, Mua là thắng”, “Làm giàu không khó”, “Đầu tư đẳng cấp là phải ăn bằng lần”… xuất hiện nhan nhản khắp các diễn đàn, room chat trên mạng.

Khi mọi quyết định đầu tư đều sinh ra lợi nhuận (do thị trường tăng nóng) thì đa số nhà đầu tư bắt đầu sinh ra hưng phấn, thỏa mãn (euphoria) và ảo tưởng về khả năng đầu tư thiên tài của mình. Đó chính là khởi đầu cho những cái chết trên thị trường chứng khoán. Đặc biệt, bi kịch sẽ đến nhanh hơn đối với những nhà đầu tư sử dụng margin ở mức cao.

Chu kỳ tâm lý thị trường. Nguồn: FXStreet

VN-Index đang ở giai đoạn nào?

Những ai đã sống sót đủ lâu, nếm trải đủ thăng trầm trên thị trường này thì chắc chắn sẽ không quên thời điểm hơn 10 năm về trước. Sau đợt điều chỉnh mạnh từ vùng đỉnh 1,200 điểm, VN-Index đã tạo đáy vào giữa tháng 06/2008 và có gần 3 tháng hồi phục.

Các chỉ báo cũng cho tín hiệu tích cực trở lại sau 6 tháng tụt dốc không phanh của thị trường. Chỉ báo MACD tạo phân kỳ dương với VN-Index và gia tăng liên tục. Đây là tín hiệu giúp nhà đầu tư khá lạc quan về sự hồi phục của chỉ số VN-Index cũng như thị trường chung.

Bên cạnh đó, dòng tiền ồ ạt quay trở lại và khối lượng giao dịch liên tục nằm trên mức trung bình 20 phiên. Tuy nhiên, khi sự hưng phấn bắt đầu tràn ngập thì MACD đảo chiều cho tín hiệu bán ở mức cao và khối lượng sụt giảm trở lại. Kể từ đó, dòng tiền rút khỏi thị trường và VN-Index tụt dốc về đáy lịch sử 235.5 điểm.

Quay trở lại với hiện tại, VN-Index đã có một khoảng thời gian tăng trưởng liên tục từ đầu năm 2019 đến nay. Nếu duy trì đến hết tháng 03/2019 thì thời gian cũng vừa tròn 3 tháng. Người viết cho rằng thị trường chưa rơi vào trạng thái nguy hiểm. Tuy nhiên, giới đầu tư cần lưu ý những tín hiệu sau đây:

Thứ nhất, MACD hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 10 tháng qua. Chỉ báo này đã cho bán trở lại nên khá rủi ro.

Thứ hai, Stochastic oscillator đã duy trì khá lâu trong vùng overbought. Nhà đầu tư cần cẩn trọng trong trường hợp có phân kỳ giá xuống hình thành trong vùng này.

Nguồn: VietstockUpdater

Thứ ba, khối lượng giao dịch cũng là một yếu tố không thể bỏ qua. Phân tích khối lượng giao dịch vẫn luôn được đánh giá cao bên cạnh việc phân tích chu kỳ, phân tích mẫu hình, sóng Elliott... Đây là dạng phân tích khá hiệu quả mà những người mới tìm hiểu về phân tích kỹ thuật cũng như các nhà phân tích chuyên nghiệp đều thường xuyên sử dụng.

Khối lượng chính là động lực tạo ra sự dịch chuyển của giá và thường thay đổi trước khi có sự thay đổi đáng kể của giá. Điều này là do sự thay đổi trong tương quan cung và cầu thường xuất hiện ở khối lượng trước khi có thay đổi về giá. Khối lượng giao dịch đang giảm dần trong các phiên gần đây. Nếu khối lượng rơi xuống dưới mức trung bình 20 phiên trong những tuần tới thì rủi ro điều chỉnh sẽ tăng lên.

Thứ tư là những tín hiệu cảnh báo từ thị trường thế giới. Tín hiệu xấu cũng đang xuất hiện trên chỉ số Dow Jones (DJIA). Vào đầu tháng 03/2019, DJIA cho thấy sự chững lại sau khi liên tục tăng điểm từ cuối tháng 12/2019. Chỉ số liên tục xuất hiện những mấu hình nến có bóng mờ dài cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang giằng co rất mạnh.

Mẫu hình nến Bearish Engulfing trong phiên giao dịch ngày 04/03/2019 có thể coi là một cảnh báo sớm cho đà sụt giảm trong tương lai của thị trường Mỹ. Vùng đỉnh lịch sử 26,000-27,000 điểm đang ở ngay bên trên DJIA. Điều này khiến cho giới đầu tư trở nên thận trọng hơn trong ngắn hạn.

Nói tóm lại, nhà đầu tư nên chuẩn bị tâm lý trước và “cầm sẵn dép guốc” để khi tín hiệu xấu đồng loạt xuất hiện thì có thể chủ động thoát hàng kịp thời nhằm bảo toàn lợi nhuận.

Nguồn: Tradingview

Lee Nguyễn

FiLi

Các tin tức khác

>   Những hiểu nhầm về cổ tức tiền mặt, cổ tức cổ phiếu, bán ưu đãi, phát hành riêng lẻ và ESOP (kỳ 2) (12/03/2019)

>   Những hiểu nhầm về cổ tức tiền mặt, cổ tức cổ phiếu, bán ưu đãi, phát hành riêng lẻ và ESOP (kỳ 1) (11/03/2019)

>   Ngài Peter Lynch và những khoản đầu tư ngành bán lẻ “mười gang” (15/03/2019)

>   Khi phụ nữ đầu tư chứng khoán… (14/03/2019)

>   “Hàng tuyển” năm 2019 (kỳ 2): Cổ phiếu UPCoM chất lượng (25/02/2019)

>   “Hàng tuyển” năm 2019 (kỳ 1): Cổ phiếu nào trên HOSE và HNX sẽ được gọi tên? (19/02/2019)

>   Warren Buffett bán bớt cổ phiếu Apple (15/02/2019)

>   Vì sao Warren Buffett không tin dự báo của chuyên gia? (13/02/2019)

>   Hốt bạc từ Brexit (Kỳ cuối): Ngày nắng đẹp ngập ánh hoàng kim! (15/02/2019)

>   Hốt bạc từ Brexit (Kỳ 8): Niềm tin sai lệch (14/02/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật