Ngài Peter Lynch và những khoản đầu tư ngành bán lẻ “mười gang”
Ngài Peter Lynch đã đúc kết phương pháp chọn lựa cổ phiếu trong cuộc đời của ông: Không có gì khác ngoài nghệ thuật, khoa học và sự cần cù (art, science & legwork). Nó chưa hề thay đổi suốt 20 năm trong nghề của ông.
Chúng tôi muốn giới thiệu với độc giả một vài những chiếc “túi mười gang” (khoản đầu tư tăng trên 10 lần) của ngài Peter Lynch trong ngành bán lẻ. Ông đã mày mò đi thăm nhiều cửa hàng, nghe ngóng, nghiên cứu trước khi những chuỗi cửa hàng này nổi tiếng toàn thế giới như hiện nay. Các khoản đầu tư của ông cho ta nhiều bài học và tạo ra niềm cảm hứng vô tận rằng: Trong đầu tư, nếu ta chịu khó “lật nhiều viên đá”, thì thành quả sẽ vô cùng xứng đáng!
I. Những ngày đầu ở Fidelity Magellan
Kể về những ngày đầu khi tiếp quản quỹ Fidelity Magellan vào năm 1977, ngài Peter Lynch đã thú nhận rằng lúc ấy thoạt nhìn quỹ ông rất “thê thảm”: Hàng loạt khách hàng rút vốn, quỹ mẹ Fidelity đóng cửa không thu hút người mới nữa, để lại ông với vỏn vẹn 18 triệu USD tài sản ròng và khoản lỗ khấu trừ thuế hơn 50 triệu USD...
Ấy vậy mà ông thấy đó lại là cái may không ngờ! Chẳng ai buồn nhắc đến thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ vang dội một thời nữa. Thành thử hàng loạt các công ty bán lẻ, nhà hàng, dịch vụ nhỏ đang tăng trưởng nhanh, có ban lãnh đạo tuyệt vời, bảng cân đối kế toán ít rủi ro, được bày bán cho ông với giá cả quá hấp dẫn so với tiềm năng của chúng:
Taco Bell:
Với sự ưa thích những công ty dễ hiểu mà ông đã từng trải nghiệm, Taco Bell – chuỗi bán sản phẩm bánh Taco (Mexico) vẫn còn tồn tại đến ngày nay thuộc Yum! Brands – là một trong những chiếc túi 10 gang đầu tiên của Lynch.
Ông kể lại: “Một nhà hàng đã từng thành công ở một vùng sẽ có nhiều khả năng để nhân rộng ra các vùng khác thành công. Tôi đã nhìn thấy Taco Bell mở hàng loạt ở California, sau đó tiến dần về hướng Đông mà vẫn giữ được tăng trưởng lợi nhuận 20-30% mỗi năm”.
Sau giai đoạn thị trường giá xuống năm 1972, Taco Bell giảm mạnh xuống 1 USD/cổ phiếu, bất chấp kết quả kinh doanh của công ty vẫn tốt. Sau đó vài năm, cổ phiếu Taco Bell bật mạnh lên 40 USD khi Pepsi mua lại, giúp ngài Lynch kiếm hàng chục lần số vốn của ông!
Home Depot:
Tương tự như Taco Bell, ngài Peter Lynch đã đi thăm chuỗi cửa hàng bán dụng cụ sửa nhà, nội thất ở thành phố Atlanta tên là Home Depot. Ông cảm thấy vô cùng ấn tượng với dịch vụ khách hàng, sự đa dạng của các mặt hàng như đinh ốc, máy khoan, gạch, đá với giá rẻ, chất lượng và các nhân viên rất am hiểu nhu cầu khách hàng.
Cổ phiếu Home Depot lúc bây giờ (1978) có giá là 25 cents sau khi điều chỉnh chia tách. 15 năm sau, nó có giá 65 USD/cổ phiếu, một chiếc túi “260-gang” khổng lồ nhất mà chính Lynch cũng bỏ lỡ khi ông tự thú rằng mình đã bán nó quá sớm.
Pic “N” Save, Stop & Shop:
Gần chạm năm 1980, Peter Lynch nhận ra nhu cầu sử dụng thực phẩm tiêu dùng lớn của thế hệ Baby Boomers, đang ở độ tuổi thiếu niên. Ông bắt đầu mua vào hàng loạt các cổ phiếu cửa hàng tiện lợi có giá sản phẩm rẻ mạt nhờ họ thu mua chiết khấu, trong đó nổi bật nhất là Pic “N” Save (nhà bán lẻ chiết khấu), Stop & Shop (cửa hàng tiện lợi), Shop & Go (cửa hàng tiện lợi).
Mặc dù đến đầu những năm 2000, các cửa hàng này hầu hết đã đóng cửa do nhu cầu sụt giảm, ngài Peter Lynch đã kiếm lời hàng chục lần khi những cổ phiếu này tăng mạnh vào thập niên 1980.
Dunkin’ Donuts:
Dunkin’ Donuts, chuỗi bánh rán nhúng sữa chuyên bán đồ ăn sáng hoặc ăn nhẹ tối, là một trong những chuỗi nhà hàng thành công nhất mà ngài Peter Lynch thường tự hào mỗi khi nhắc về.
Trong khi chuỗi này vẫn còn là một ẩn số với phố Wall, thậm chí có cái tên nghe thật nực cười (!), ngài Peter Lynch đã ưa thích cà phê và các món ăn sáng của chuỗi này kể từ lúc nó mới mở 8 cửa hàng gần nhà ông, và bắt đầu mua vào mạnh mẽ cho quỹ Fidelity Magellan kể từ khi tiếp quản.
Ngành nghề đơn giản, sản phẩm đa dạng, độc đáo, ngon miệng, ít đối thủ cạnh tranh và khả năng phủ rộng thương hiệu đã giúp cổ phiếu Dunkin’ Donuts tăng giá 25 lần kể từ khi niêm yết vào năm 1977 đến 1986.
Sau này khi liệt kê lại 50 khoản đầu tư đã góp phần giúp quỹ Fidelity Magellan của ông kiếm hàng tỷ USD, trong đó ông luôn tự hào kể về cổ phiếu “bánh rán nhúng sữa” có cái tên nực cười này đã tăng “bằng lần” như thế nào!
II. Những công ty dịch vụ bán lẻ “tuyệt vời”
Vào giai đoạn giữa thời kỳ sự nghiệp (1980-1987), ngài Peter Lynch bắt đầu chuyển sang các công ty tài chính, công ty chu kỳ như ô tô nhiều hơn.
Song, trong giai đoạn này, ông vẫn luôn tích cực tích lũy thêm khá nhiều các công ty dịch vụ bán lẻ thị trường ngách với ngành nghề độc đáo, vốn hóa nhỏ, ít người chú ý đến, song lại là những “chiếc túi mười gang” tuyệt vời:
Service Corporation International (SCI):
Lần đầu khi nghe đến cái tên “Service Corporation International” chán ngắt từ một người bạn chuyên viên phân tích chung quỹ Fidelity, ngài Peter Lynch đã vô cùng hào hứng vì ông biết rằng nếu có một lĩnh vực mà phố Wall tẩy chay, thì không có lĩnh vực nào bằng ngành nghề kinh doanh “cái chết” đầy tang thương...
Trong rất nhiều năm trước đó, SCI đã đi mua các khu đất nghĩa trang với giá rẻ mạt từ những gia đình địa phương khắp quốc gia. Họ sở hữu gần 500 văn phòng dịch vụ tang lễ, 120 nghĩa trang, 70 cửa hàng hoa, và hàng loạt các cơ sở sản xuất đồ dùng tang lễ.
Tuy nhiên, điều mà Lynch thích nhất chính là mô hình tạo tiền rất tốt của công ty này. Họ thực hiện bán các khoản đặt chỗ trước nếu khách hàng muốn lo trước cho cái chết của họ hay người thân. Cho đến năm 1986, khi hàng loạt các phân tích bắt đầu quan tâm đến SCI, cổ phiếu này đã tăng hơn 20 lần, trở thành một trong những khoản thành công nhất của quỹ Fidelity Magellan.
La Quinta Motor Inn:
Ý tưởng đầu tư chuỗi nhà nghỉ La Quinta đến với Peter Lynch, cũng tình cờ mà lại mang tính “nghệ thuật” vô cùng. Trong quá trình trao đổi với giám đốc của chuỗi nhà nghỉ United Inn cạnh tranh, Peter Lynch chợt nghe vị giám đốc của chuỗi này khen đối thủ La Quinta từ Texas rằng “họ rất tuyệt, họ đã đánh bại chúng tôi ở Houston & Dallas!”.
Sau đó, ngài Lynch lập tức vào nghỉ thử 3 lần ở các phòng của La Quinta, và ông biết rằng hãng này sẽ thắng lớn vì thị trường đang rất thiếu một phòng nghỉ vừa chất lượng vừa có giá rẻ. Ông phát hiện rằng thay vì đầu tư vào nhà hàng, hồ bơi tốn kém, ban lãnh đạo La Quinta chọn vị trí gần trung tâm, tiện ích và xây chuỗi nhà nghỉ với số lượng phòng nhỏ nhưng đạt kế hoạch phủ rộng. Nhờ đó, giá phòng của họ luôn thấp hơn đối thủ 30%.
Ông tiến hành mua rất mạnh cổ phiếu La Quinta, bất chấp một thành viên HĐQT bán ra. Sau đó vài năm, khoản này đã tăng lên 10-15 lần.
Các chuỗi nhà hàng mà ông bỏ lỡ:
Đối với mảng nhà hàng, sau nhiều năm kinh nghiệm, ngài Lynch đã đúc kết rằng một chuỗi nhà hàng thành công, phải tăng trưởng và mở rộng qua một thời gian dài! Những chuỗi cố gắng mở quá nhanh trong thời gian ngắn (chắng hạn như 100 cửa hàng/năm trở lên), đặc biệt bằng vốn vay, sẽ tự đưa họ vào “thòng lọng”.
Ông ưa thích con số tăng trưởng “same-store sales” hàng quý, một bảng cân đối kế toán không vay nợ, và tốc độ mở cửa hàng không quá nóng. Đến nay, ông vẫn tiếc nuối vì bản thân không sinh ra sớm hơn vào giai đoạn những năm 1960 để mua cổ phiếu của các chuỗi nhà hàng tuyệt vời như KFC, Pizza Hut, Dairy Queen, Wendy’s hay Mc-Donald’s. Những chuỗi này đã tăng hàng ngàn lần vốn hóa kể từ khi IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng).
III. Các khoản bán lẻ mà ông sai lầm
Sau giai đoạn nghỉ hưu ở quỹ Magellan (những năm 1990), dù là một huyền thoại trong việc đầu tư mảng bán lẻ, ngài Peter Lynch cũng thừa nhận sai lầm ở một vài khoản đầu tư do quá lạc quan - một điều rất bình thường trên TTCK:
General Host, Sunbelt, Calloway’s:
Vì đánh giá thấp sức mạnh cạnh tranh của Home Depot, ông đã mua vào các hãng dụng cụ làm vườn như General Host, Sunbelt, Calloway’s. Lượng khách vì giá rẻ đã tìm đến Home Depot, dẫn đến 3 hãng này đều sụt giảm mạnh về lợi nhuận, cổ phiếu giảm hơn 30-50%.
The Body Shop:
Tự tin rằng chuỗi bán các mỹ phẩm chăm sóc da Body Shop của Anh sẽ tăng trưởng 30% CAGR, ông sẵn sàng trả P/E 40 lần cho hãng này, rồi sau đó hối hận vì không kiên nhẫn chờ đợi hơn. Ông đã vi phạm chính nguyên tắc PEG ratio của bản thân. Cổ phiếu Body Shop giảm hơn 50% còn 20 lần P/E, trong khi lợi nhuận tăng trưởng chậm. Tuy nhiên, nếu kiên nhẫn, sau này một thập kỷ, hãng mỹ phẩm L’Oreal đã mua lại chuỗi này với giá rất cao.
Super-Cuts:
Khoản đầu tư vào chuỗi cắt tóc Super-Cuts là một sai lầm khác của ngài Lynch. Mặc dù không ưa thích dịch vụ của công ty này (một lá cờ đỏ đầu tiên), ông vẫn mua cổ phiếu vì ấn tượng với mô hình kinh doanh sinh lợi cao của nó. Song sau đó vài năm, Super-Cuts đã mở rộng quá nhanh và thua lỗ, không đem lại mức sinh lời thỏa đáng.
IV. Kết luận
Nếu quý độc giả tinh ý, sẽ thấy rằng trước khi mua một cổ phiếu bán lẻ nào, ngài Peter Lynch đều biến bản thân thành khách hàng và nghiên cứu sản phẩm của công ty đó nhiệt thành! Nếu ông ưa thích chuỗi bán lẻ như một khách hàng một cách không thiên vị, và công ty này ít nợ vay, tăng trưởng đều đặn, ông sẽ đầu tư và nắm giữ dài hạn.
Dù có một số quan điểm phản biện rằng do ngài Peter Lynch khá may mắn khi ông tiếp quản quỹ vào giai đoạn suy thoái những năm 1970 với hàng loạt các cổ phiếu rẻ mạt. Ngoài ra, các hãng bán lẻ cũng tăng trưởng rất nhanh do phù hợp với tháp dân số Baby Boomers của Mỹ (đến nay họ đã đóng cửa gần hết!), song chúng tôi cho rằng việc ông thành công thực sự có sự góp phần của may mắn, nhưng phần lớn vẫn là sự cần cù, chăm chỉ nghiên cứu, khảo sát và đức kiên nhẫn nắm giữ qua nhiều năm của ông (*)
Đó là đức tính mà những nhà đầu tư cá nhân nóng vội nhất thiết phải học hỏi vậy!
* (Lược dịch, trích dẫn và bình luận thêm từ cuốn Beating the Street, 1993, của ngài Peter Lynch)
Hà Hùng Anh (Đại diện The Golden Newsletter Vietnam)
FILI
|