Đầu tư chứng khoán - đừng “đẽo cày giữa đường”
Từ trung tuần tháng 4/2018 trở đi, sau khi chỉ số VN-Index vượt đỉnh 1,200 điểm và bắt đầu đi xuống, nhiều nhà đầu tư thất bại thảm hại; một số nhân viên môi giới của các công ty chứng khoán cũng phải bỏ nghề vì áp lực doanh số cùng với sự phàn nàn, kêu ca, trách móc của nhà đầu tư.
Nhưng bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư vẫn gặt hái thành quả, tuy không nhiều nhưng ngoài bảo toàn được vốn vẫn có lãi. Cũng đúng thôi, có người mất ắt có người được. Vấn đề đặt ra là ai mất, ai được?
Qua những phàn nàn, tâm sự của một số nhà đầu tư, có thể thấy phần nhiều những nhà đầu tư thua lỗ là những người thiếu bản lĩnh, thiếu tính quyết đoán mà chủ yếu mua - bán (đầu tư) theo phong trào.
Nhớ lại chuyện ngụ ngôn "Đẽo cày giữa đường" thì họ là những người đẽo cày. Hễ thấy ai nói hay, nói có lý lẽ thì nghe và làm ngay. Trong phân tích chứng khoán, có hàng chục chỉ báo (indicator) để theo dõi, mỗi chỉ báo phản ảnh một khía cạnh khác nhau. Có thể nói về mặt lý thuyết, các chỉ báo đều có ý nghĩa riêng. Nhưng điều quan trọng là trong hàng chục chỉ báo đó, ta chọn theo những chỉ báo nào. Thầy xem ngày cũng phải thừa nhận không có ngày nào toàn sao tốt hoặc toàn sao xấu, mà căn cứ con người cụ thể để chọn ngày cho hợp. Chứng khoán cũng vậy, nếu đối chiếu tất cả chỉ báo thì ngay một mã cụ thể cũng không biết nên mua hay nên bán, theo chỉ báo này thì nên mua tiếp, theo chỉ báo kia thì nên bán. Tất nhiên, không nên chỉ xem một, hai chỉ báo mà nên kết hợp nhiều chỉ báo. Nhưng khi kết hợp nhiều chỉ báo, mỗi chỉ báo cho một xu hướng khác nhau, thậm chí ngược nhau, làm cho nhà đầu tư rơi vào thiên la địa võng, không biết đường nào theo, thôi đành đầu tư theo phong trào vậy.
Anh thợ đẽo cày cũng vậy, cày ruộng miền xuôi khác cày ruộng miền ngược, cày theo trâu khác cày theo ngựa, thợ cày thấp lùn không thể cầm được cày cao… tức là phải tùy thuộc vào tình hình cụ thể xác định nhu cầu rồi hãy sản xuất. Cẩn thận hơn phải tự mình đi tìm hiểu.
Thực tế, trong khi chỉ số VN-Index đi xuống vẫn còn một số mã đi lên và ngược lại, nhiều mã có biên độ dao động trong một ngày không phải nhỏ. Nhà đầu tư theo phong trào phần lớn nghe nhau hành động, thấy bảo mã nào tốt là mua không cần để ý mua giá mua bao nhiêu. Cùng một mã chứng khoán, cùng một thời điểm khi giá đi xuống, có người bảo xuống 7% là cắt lỗ đi, nhưng cũng chính thời điểm đó có người bảo đáy đấy mua tiếp đi, có người lại bảo các chỉ báo chưa rõ ràng hãy từ từ v.v… Nếu nhà đầu tư không có bản lĩnh, không có tính toán riêng thì không biết nghe ai và rơi vào tình trạng đẽo cày giữa đường.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 100% GDP (tổng sản phẩm quốc nội), 3% dân số đầu tư chứng khoán (gấp 1.5 lần hiện nay), nghĩa là có trên 3 triệu nhà đầu tư chứng khoán. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư có kinh nghiệm gặt hái. Họ là ai? Với họ, lý thuyết là đường lối, thực tế diễn ra hàng ngày hàng giờ mới là quan trọng. Nếu học nhiều cũng không nên áp dụng quá nhiều các chỉ báo. Trong truyện kiếm hiệp, có người dùng đao, người dùng côn, người dùng kiếm, người dùng gậy,… có người biết dùng tất cả. Chắc gì dùng đao sẽ thắng dùng gậy, người biết dùng tất cả sẽ chiến thắng. Có người cả đời chỉ luyện một môn võ với một loại vũ khí nhưng lại là người chiến thắng.
Tóm lại, nhà đầu tư phải có chính kiến, có bản lĩnh, không đầu tư theo phong trào, cũng không nên áp dụng quá nhiều chỉ báo vì sẽ bị loãng, bị phân vân không quyết đáp kịp thời. Ai quen dùng bộ chỉ báo nào, qua thời gian đầu tư chứng khoán đã thất bại cũng như thắng lợi, tự mình rút ra được bài học đắng cay, ngọt bùi mà áp dụng cho thời gian tới. Đó là bài học từ câu chuyện ngụ ngôn “Đẽo cày giữa đường" mà ra.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Trọng Nguyễn
FILI
|