Tài phiệt John Law và bong bóng Mississippi Company tại Pháp, 1720 (kỳ 1)
Tác phẩm huyền thoại Extraordinary Popular Delusions and the Madness of Crowds (Những ảo vọng và sự điên rồ phổ biến của đám đông) của ngài Charles Mackay viết năm 1852 đã giúp ta “khai sáng” nên những sự thật điên rồ về tâm lý đám đông thuở ấy ở Âu châu. Chính những nhà đầu cơ tài chính huyền thoại sau này như ngài Bernard Baruch, Jesse Livermore hay George Soros đều nói cuốn sách này thuộc hạng “gối đầu giường” của họ, và khuyến nghị rằng đây là những bài học quý giá mà bất cứ người nào tham gia thị trường tài chính đều nên đọc.
Không mất thời gian của quý độc giả thêm nữa, chúng tôi xin bắt đầu câu chuyện về một trong những bong bóng chứng khoán đầu tiên trong lịch sử, với sự khởi xướng của một thanh niên nghèo, tù tội, nhưng đã vượt lên nhờ bỏ xứ, trang bị cho bản thân kiến thức tài chính, mối quan hệ chính trường, rồi cũng từ đó lưu danh sử sách nhờ phá hoại cả một nền kinh tế đồ sộ: Tên hắn ta là John Law…
Xuất thân của John Law
John Law sinh ra ở thủ phủ Edinburg, Scotland, vào năm 1671. Sinh ra trong một gia đình trí thức, cha của John Law là một thương nhân và là một ông chủ nhà băng giàu có. Từ thuở thiếu niên, tầm 14-18 tuổi, John Law đã phụ cha việc kế toán trong ngân hàng, và thể hiện tài thiên bẩm trong các con số và toán học.
Tưởng chừng tương lai rất tươi sáng, khi vừa chớm trưởng thành, John Law lại chọn một con đường tương đối lệch lạc. Có vẻ ngoài ưa nhìn, trẻ tuổi, thuộc giới quý tộc, song bản chất John Law là một kẻ không biết tự kiểm soát. Hắn ta sớm sa vào các thói ăn chơi xa xỉ, bài bạc. Lạ lùng thay, với tài tính toán sẵn có, đi đến sòng bài nào, hắn cũng thắng các khoản lớn, nổi danh ở Scotland và được rất nhiều cô đào theo đuổi.
Chín năm sống trong lối sa đọa ấy, cuối cùng cũng đem đến tai họa cho hắn. Không chỉ mất hết tiền của gia đình vào bài bạc, hắn còn dan díu với một quý cô tên Elizabeth Villiers. Và chồng của cô này là ông Wilson, vì tức quá hóa rồ, đã thách đấu súng tay đôi (duel) với John Law. Law chấp nhận ngay và chẳng may bắn chết gã Wilson xấu số ngay lập tức. Hắn bị bắt vào hôm sau và bị kết án tử hình. Song chẳng hiểu bằng cách nào, Law đã nhờ sự trợ giúp của người thân và bạn bè để trốn thoát khỏi ngục tù thành công trước khi bị hành hình.
Cảnh sát Scotland truy nã hắn khắp nơi, song vì đất Scotland xa quá, lại chẳng ai để ý, nên hắn đã đi bộ khắp châu Âu sống lang bạt trong 3 năm mà không bị bắt hay nhớ đến. Cũng đáng nể thay, nghèo khổ vậy, đi đến đâu, hắn lại học về tài chính – ngân hàng đến đấy như một đam mê từ trong máu! Hắn trú một thời gian dài ở Amsterdam, cái nôi của thị trường chứng khoán và tài chính, (như câu chuyện lịch sử chúng tôi đã kể về công ty cổ phần đầu tiên East India Company). Ban ngày, hắn học tập về nguyên lý tài chính; ban đêm, hắn lui tới các sòng bài để kiếm tiền trang trải.
Hắn xuất bản nghiên cứu để thành lập nên một thứ gọi là “Ngân hàng đất đai” (Land bank) - nơi mà các tín phiếu phát hành bởi ngân hàng này sẽ được thế chấp bởi toàn bộ bất động sản của quốc gia với trị giá thấp hơn (60%, 70% giá trị đất chẳng hạn) và được tính lãi tương ứng. Hắn tin rằng với sự hữu hạn của vàng bạc, một quốc gia không thể nào thịnh vượng lên nổi nếu không phát hành tiền giấy (paper currency) để cấp vốn đầu tư. Đây có thể nói là tầm nhìn đã giúp John Law trở thành công thần của nước Pháp và kêu gọi được rất nhiều sự đầu tư của Chính phủ.
Chẳng ai tin vào dự án của hắn vì tầm nhìn của hắn quá cao so với giới chức bảo thủ hiện tại của Âu châu. Vì thế, sau đó ròng rã 14 năm, hắn cứ đi hết nước này sang nước khác để bài bạc: Hà Lan, Đức, Hungary, rồi Venice… Đến khi hắn dừng chân ở Paris, một sự may mắn đến lạ đã gặp hắn.
Với tính cách vui vẻ, thông minh lanh lợi cùng kinh nghiệm gần 20 năm phiêu lưu lang bạt khắp châu Âu, John Law đã gây được ấn tượng với Phillipe II, Công tước vùng Orleans của Pháp (*). Law nắm bắt thời cơ tuyệt vời này, ngày ngày thuyết phục gã Công tước về tầm nhìn tài chính mà hắn đã nghiên cứu hàng chục năm, đồng thời xin Công tước làm tiền bối để đầu tư cho hắn nếu sau này có điều kiện.
Và mọi thứ đã đi đúng như ý của John Law, năm 1715, vua Louis XIV của Pháp băng hà, để lại ngai vàng cho người con trai mới 7 tuổi. Theo chế độ quân chủ chuyên chế, vị Công tước vùng Orleans đã được Hội đồng nhiếp chính bầu lên để tiếp quản Chính phủ bằng chức “quan nhiếp chính” (the regent) – gần như trở thành “vị vua không chính thức” của Pháp.
Chưa bao giờ tình thế lại thuận lợi cho John Law như vậy. Hắn ta giờ đây đã may mắn có được mối quan hệ thân thiết với người quyền lực nhất nước Pháp – một mối quan hệ đã vẽ đường cho sự giàu có tột độ của hắn chỉ vài năm sau đó…
Công thần hay kẻ thù của nước Pháp?
Tuy nhiên, John Law không phải chỉ việc ngồi không và hưởng lợi một cách dễ dàng được!
Thời gian dài trị vì và sự xa hoa của vua Louis XIV đã để lại cho nước Pháp khối nợ công khổng lồ nhất trong lịch sử và sự phẫn nộ ai oán của dân chúng. Công tước vùng Orleans (Phillipe II) nhận thấy tình hình tài chính của đất nước đang ở trong trạng thái bờ vực, và John Law đã tư vấn và giúp đỡ tích cực.
Lúc bấy giờ, nước Pháp nợ công đến 3 tỷ livres (!), trong khi doanh thu thuế hàng năm 145 triệu livres, chi tiêu công 142 triệu livres, như vậy chỉ còn lại vỏn vẹn 3 triệu livres để trả nợ cho hơn 3 tỷ livres nợ công (tương ứng mất xấp xỉ 1,000 năm mới có thể trả hết)!
Trong hoang mang, việc đầu tiên của vị quan nhiếp chính Phillipe II là tìm ra cách để giải quyết khối nợ khổng lồ kể trên. Trước tình thế đó, Công tước vùng St. Simon đã tư vấn ngài quan nhiếp chính rằng nên công bố tình trạng phá sản của quốc gia (national bankruptcy) để giảm bớt gánh nặng nợ. Phillipe II nghĩ kỹ lại và không thể để việc này xảy ra ngay khi ông vừa trị vì được, nên lời tư vấn đó sớm bị bác bỏ. Hơn thế nữa, trong sự lầm than và nghèo khổ, dân chúng Pháp nổi loạn khắp nơi – chém giết những thương nhân và quan nhân địa phương cậy thế vua Louis XIV để hành hạ nhân dân trong quá khứ.
Trước bối cảnh đó, nhận ra bản thân đang ở trong một đất nước sắp “chìm xuồng”, nhưng vì quá thân với ngài quan nhiếp chính, John Law biết rằng hắn phải làm điều gì đó. Chuẩn bị vài tháng, đứng trước đại hội đồng, Law đã trình bày vô cùng thuyết phục về 2 luận điểm giúp nước Pháp thoát khỏi tình trạng hiện tại: (1) Tiền kim loại như vàng, bạc là không hề đủ đáp ứng nhu cầu thương mại của quốc gia. Hắn dẫn chứng về Anh Quốc và Hà Lan như là hai nước đã rất thành công trong việc phát triển tiền giấy; (2) Trước sự yếu thế của nước Pháp trong mắt các quốc gia khác, Law tin rằng cần phải thành lập ra một ngân hàng – dựa trên ý tưởng “land bank” của hắn ngày trước – để quản lý doanh thu thuế, và có quyền phát hành tín phiếu dựa trên số doanh thu này và tất cả các bất động sản của quốc gia. Đây là dạng ngân hàng trung ương đầu tiên mà Law đã nghĩ ra để thúc đẩy tín dụng của Pháp (*).
Với lý lẽ quá thuyết phục, tháng 5/1716, một văn bản chính thức của Hoàng gia được phát hành, trong đó nêu rõ quyền của Law được thành lập và điều hành Ngân hàng Quốc gia với vốn điều lệ 6 triệu livres, quản lý doanh thu thuế của quốc gia và được phát hành tín phiếu dựa trên bất động sản. Để thuyết phục hơn, trong một tờ thông cáo, Law tuyên bố rằng “Một gã chủ ngân hàng xứng đáng chết (deserved death) nếu hắn phát hành tín phiếu nhiều hơn số mà hắn có thể chi trả!”
Được dân cư tín nhiệm, ý tưởng của Law đã thành công vang dội và hắn đi trên con đường giàu có nhanh chóng tột độ. Tiền, vàng bạc trong cư dân đổ vào mua các tín phiếu (tiền giấy) của Ngân hàng Quốc gia. Các chủ nợ công của Pháp cũng trở nên “dễ dàng” hơn trong thời gian trả nợ và lãi suất. Và chỉ trong vài tháng, tiền giấy của Ngân hàng Law thành lập đắt giá hơn cả những kim loại quý thời ấy.
Trước sự thành công bất ngờ của John Law, ngài quan nhiếp chính dần tin rằng tiền giấy có thể thay thế hoàn toàn kim loại và có thể làm nguồn tài chính quan trọng cho đất nước. Say trong sự thành công nhanh chóng ấy, cả Law và Phillipe II đã quên đi cái nguyên lý cẩn trọng “gã chủ ngân hàng xứng đáng chết nếu hắn phát hành nhiều hơn số hắn có khả năng chi trả”, vị quan nhiếp chính trên đã cho phép Ngân hàng này phát hành số tín phiếu lên đến 1 tỷ livres (!), trong khi ai cũng biết rằng số thanh khoản có thể chi trả được cao nhất của ngân hàng cũng chỉ có thể đạt 60 triệu livres.
Nhận ra mình đang ở trong một chính quyền chuyên chế, song Law không nhìn trước được ngày sụp đổ của chế độ tiền giấy được phát hành tràn lan mà không có một nền tảng nào. Hắn tiếp tục xin đặc ân từ vị quan nhiếp chính – người mà hắn biết không thể từ chối gì từ hắn nữa - để lập nên công ty thương mại Mississippi Company (*) – dựa trên ý tưởng của East India Company – được độc quyền khai thác tuyến hàng hải sang châu Mỹ, châu Á thông qua con sông Mississippi và Lousiana ở bờ Tây, đồng thời được độc quyền bán thuốc lá, tinh chế quặng vàng bạc và nhiều loại hàng hóa khác.
Trong khi đó, Quốc hội (parliament) của Pháp ngày càng lo ngại về tình trạng phát hành tiền giấy tràn lan của Chính phủ quan nhiếp chính. Nhiều lần đưa văn bản can ngăn nhưng không được, Quốc hội đành phải dùng biện pháp mạnh: Tháng 8/1718, họ đưa ra Nghị định cấm John Law – một “kẻ ngoại quốc” – được điều hành Ngân hàng Quốc gia, can thiệp vào tình hình tài chính của đất nước. Quốc hội cho rằng Law là kẻ đứng sau mọi tội ác và các “kế hoạch ma quỷ”, cần bị hành hình và treo cổ tại tòa Palais De Justice.
John Law, trước tình trạng nguy kịch, đành phải trốn chui trốn nhủi tại tòa biệt thự của quan nhiếp chính Phillipe II. Giờ đây, rảnh việc quốc gia, hắn tập trung vào dự án cá nhân Mississippi Company – thứ công ty mà cổ phiếu của nó tăng phi mã bất chấp sự đe dọa của Quốc hội Pháp, và trở thành cơn sốt chứng khoán thuộc hạng đầu tiên trong lịch sử của nhân loại…
Cơn sốt mang tên Mississippi Company và sự điên rồ của đám đông nước Pháp
Bước ngoặt cuộc đời của John Law thực sự nằm ở dự án Mississipi này chứ không phải Ngân hàng Quốc gia trên.
Công ty này, dưới sự phát triển kinh doanh đầy thịnh vượng nhờ lợi thế độc quyền mà hắn xin xỏ được từ Chính quyền quan nhiếp chính, đã phát hành thêm 50 ngàn cổ phiếu mới – mỗi cổ phiếu hắn hứa hẹn sẽ trả cổ tức tiền mặt hằng năm lên tới 200 livres trên mỗi tờ cổ phiếu 500 livres mệnh giá, tức lợi suất cổ tức lên đến 40% một năm!
Sự hào hứng của đám đông, vốn đã khởi nguồn từ vài năm trước đó, không thể nào cưỡng lại nổi mức sinh lời kinh ngạc kể trên. Ít nhất có đến 300 ngàn người đăng ký mua 50 ngàn cổ phiếu của Mississippi Co. tại thời điểm phát hành, và tòa biệt thự của Law tại Rue de Quincapoix gần như sáng đèn và đông nghịt người từ sáng đến tối liên tục cả tháng. Số lượng cổ phiếu ít ỏi như vậy vẫn không thể nào thỏa mãn được hết đám đông, và sự mất kiên nhẫn gần như đã biến tướng thành “sự điên loạn” (frenzy).
Sau vài tuần, những cổ phiếu Mississippi cũ tăng giá chóng mặt hơn 10 lần so với giá gốc, lên mức 5,000 livres/cp. Cả giới quý tộc, nam nữ, hay người nghèo khổ đều thuê các phòng trọ, ngồi chầu chực gần biệt thự của Law để mua bán giao dịch cổ phiếu của hắn. Giá nhà thuê nơi đây tăng gấp 10-20 lần so với một năm trước. Những chủ quán ăn tại đây giờ cho thuê những chiếc bàn để ghi lệnh mua bán giao dịch cổ phiếu, kiếm được 200 đồng livres mỗi ngày (khoảng 1,000 USD hiện nay).
Có một gã bị gù lưng, cũng kiếm được khá chỉ bằng việc đứng đó và đưa lưng mình ra cho những gã viết lệnh mua bán giao dịch “thuê”(!) Sự đông đúc và điên rồ nơi đây đã thu hút vô số những kẻ trộm cắp, lừa đảo từ tứ phương đổ đến. Cứ ban tối, một đội cảnh sát tuần tra phải ra dẹp loạn ngoài đường phố.
Law, cảm thấy hơi bất tiện với căn biệt thự nhỏ của hắn, đã quyết định mua lại khu khách sạn và vườn địa đàng Hotel de Soissons rộng đến 28,000 m2 làm nơi giao dịch cổ phiếu mới. Vùng Rue de Quincapoix bị bỏ hoang, đám đông cuồng loạn đổ xô sang khu vực Soissons mới, lập nên ít nhất 500 lều trại để ăn ngủ, mua bán xung quanh tòa biệt thự của Law.
Marshall Villars, một tướng quân đã nghỉ hưu, mỗi ngày đi ngang qua đây đều cảm thấy bất bình trước sự điên rồ của đám đông. Ông bảo xe ngựa dừng lại, thuyết giảng nửa giờ về hành vi đáng kinh tởm của những cá nhân này. Những tiếng cười, chửi rủa vang lên, khinh rẻ vị tướng già. Cho đến khi có vài vật thể bay vào hướng của đầu và người ông, Villars mới thôi và không bao giờ muốn khuyên bảo những kẻ như vậy nữa…
Chúng ta có thể tìm được nhiều mẩu chuyện tương tự, dù có phần phóng đại, nhưng cũng đáng để lưu giữ về sự phi lý trí của loài người thuở ấy. Một hôm, một vị công tước muốn tìm các nữ công tước để dự đám cưới con gái ông, than thở trước công tước D’Angerson, rằng ông không biết tìm họ ở đâu cả. Người kia trả lời nhanh chóng: “Tôi sẽ bảo ông chỗ mà tất cả nữ công tước của Pháp đang ở, đó chính là biệt thự của John Law – tôi cá là ông tìm thấy tất cả bọn họ ở phòng riêng của ông ấy!”
Giá cổ phiếu Mississippi đôi khi tăng 50%, 100% trong vòng vài giờ, một vài người thức dậy trong nghèo khó, đã đi ngủ trong sự giàu sang nhờ vào cổ phiếu Mississippi. Một người chủ tương đối khá giả, đang trên giường bệnh, nhờ người hầu cận (servant) bán 250 cp tại mức giá 8,000 livres/cp. Người hầu cận lên đường đi, khi đến vườn Soissons, nhận ra cổ phiếu Mississippi đã tăng lên 10,000 livres/cp – tương ứng khoảng cách giữa hai giá nhân với số cổ phiếu là 500,000 livres (tương ứng 2.5 triệu USD ngày nay), đã lấy phần chênh lệch cho riêng ông ta, trả phần còn lại cho người chủ rồi trốn biệt vào hôm sau sang quốc gia khác!
Một người khác tên André, vốn chẳng hề có học hành hay nhân cách, nhờ vào sự đầu cơ cổ phiếu Mississippi nhiều lần thành công, đã trở nên giàu có đáng kinh ngạc trong thời gian ngắn. Vì xấu hổ với xuất thân như vậy, gã này muốn con gái cưới vào gia đình quý tộc D’Oyse. Gã trai trẻ D’Oyse chần chừ, song bảo rằng nếu André trả hắn ta 10,000 livres “đặt cọc”, và 20,000 livres mỗi năm tiếp theo, thì hắn sẽ cưới con gái của ông. Công tước St. Simon nghe câu chuyện trên như một trò đùa, mới nói rằng “giờ đây người ta có khái niệm thật mới về hôn nhân hạnh phúc!” Sự thất bại của bong bóng Mississippi một năm sau đã phá tan tành tham vọng vượt giai cấp của André.
Chưa bao giờ sự suy đồi đạo đức trong công chúng Pháp lại lên mức đỉnh điểm như vậy. Giới trung lưu là thành phần chứng kiến sự thay đổi này nhiều nhất khi họ vừa không hẳn là trong sạch như giới quý tộc phía trên, hay sẵn sàng làm tội ác như tầng lớp phía dưới. Sự yêu thích đánh bạc (love of gambling) bằng hình thức chứng khoán đã lan tỏa ra khắp xã hội, bất chấp mọi tầng lớp và mọi khoảng cách địa lý.
Dòng người từ khắp châu Âu cũng đổ về Paris, Pháp – lên đến gần 300,000 người trong thời kỳ thịnh vượng này. Ngành công nghiệp dệt may của đất nước chưa bao giờ có nhiều đơn hàng hơn. Bánh mì, thịt, rau củ được bán với giá chưa bao giờ cao hơn. Nhà cửa, biệt thự mới được xây dựng khắp nơi, khắp chốn. Một sự giàu sang trong ảo tưởng đã tràn đến vùng đất mà cách đây vài năm tưởng chừng như phá sản, lấp lánh trong đôi mắt của toàn quốc gia, đến mức không ai thấy được một bóng mây đen (dark cloud) phủ quanh, đang chuẩn bị cho một cơn bão đến trước mắt họ…
*Lược dịch, trích dẫn và bình luận thêm từ tác phẩm huyền thoại “Extraordinary Popular Delusions and the Madness of Crowds”, 1852, Charles Mackay
Hà Hùng Anh – Golden Newsletter Vietnam
FILI
|