Thứ Bảy, 11/05/2019 15:00

See’s Candies: Thương vụ bước ngoặt trong tư duy đầu tư của ngài Buffett

Ắt hẳn khi nhìn vào khối tài sản đồ sộ và thương hiệu của Warren Buffett ngày nay, ít ai nghĩ rằng cách đây gần 50 năm, ông từng lâm vào tình cảnh khó khăn ghê gớm – gần như tất cả cổ phiếu trong danh mục của ông đều giảm mạnh…

I. “May mắn luôn đến với người sẵn sàng”

Những năm đầu thập niên 1970, sau khi giải thể quỹ hợp danh Buffett Partnership Ltd., cá nhân Buffett sở hữu 18% cổ phần của Berkshire Hathaway – công ty dệt may đang đi xuống, 20% cổ phần Diversified Retailing Co. (DRC) – công ty bán lẻ chưa bao giờ sinh lời, và 2% cổ phần của Blue Chip Stamps – nhà sản xuất tem phiếu đang bị “căn bệnh” lạm phát tiêu diệt sau thời gian dài thịnh vượng.

Các cổ đông bắt đầu hoảng sợ vì khủng hoảng giá dầu và lạm phát đang ăn mòn tài sản của họ. Cổ phiếu Blue Chip giảm mạnh từ 25 USD xuống còn 13 USD trong một thời gian ngắn. Berkshire và DRC cũng chẳng khá khẩm hơn khi giảm mạnh xuống còn lần lượt 16USD/cp và 12USD/cp.

Ấy vậy mà, Buffett chưa bao giờ mất niềm tin vào khả năng đầu tư của bản thân. Ông nói với các cổ đông rằng sẽ duy trì tài sản ròng của bản thân vào các cổ phiếu này trong một khoảng thời gian rất dài. Sau này ngẫm lại, Munger phải thú thực lúc đó Buffett là “một nhà thu mua không hề nao núng”, tựa như ngài Rockefeller những ngày đầu lập nghiệp…

Vào cuối năm 1971, sau khi Tổng thống Nixon tuyên bố bỏ chế độ bản vị vàng, giá dầu lập tức tăng với tốc độ tên lửa. Giá mọi thứ tăng vọt hàng ngày do lạm phát, phương pháp bán lẻ truyền thống bằng tem phiếu (stamp) để chiêu dụ khách hàng vào các siêu thị qua những dịch vụ cộng thêm/hàng hóa miễn phí tặng kèm không còn hấp dẫn nữa. Người ta chỉ muốn giá thấp nhất và các nhà bán lẻ bắt đầu áp dụng mô hình chiết khấu (discount) giống Costco Wholesale hiện nay.

Tuy nhiên, sự may mắn đã đến với Buffett khi một ngày nọ, ông nhận được cuộc gọi từ Bill Ramsey – Chủ tịch của Blue Chip, Ramsey, nói rằng có một công ty kẹo địa phương tại Los Angeles, có tên là See’s Candies, đang muốn rao bán công ty.

Nghe tin này, Buffett như mở cờ trong bụng. Từ lâu, ông đã dành thời gian nghiên cứu các công ty bánh kẹo. Ông nắm trong tay hồ sơ của Fanny Farmer. Ông đang tìm kiếm công ty sản xuất ra loại bánh xốp kem Necco Waffers. Song, mấy công ty dạng này có giá rất đắt đỏ - chưa bao giờ ông mua được một cổ phiếu nào. Buffett nài Ramsey gấp: “Hãy giúp tôi gọi ngay Charlie (Munger) nào!”

Sau chuyện này, độc giả mới thấy được tầm quan trọng của việc rèn luyện thường xuyên (constant practice) kỹ năng phân tích sẽ có lợi cho ta như thế nào – đặc biệt là những lúc cơ hội tuyệt vời dâng đến cho ta một cách đầy may mắn.

II. Bước ngoặt trong tư duy đầu tư

See's Candies được sáng lập bởi một người Canada vào năm 1921. Ở thời điểm Buffett mua lại, công ty đã có hơn 50 năm lịch sử, với sản phẩm là các loại bánh bơ, chocolate, kem và các loại hạt hảo hạng khác. Chất lượng của See’s được đánh giá là tốt hơn cả “chất lượng tốt nhất” lúc bấy giờ.

Munger nói với Warren rằng: “Tên tuổi 50 năm của See’s định rõ rằng không ai có thể đến gần California. Chúng ta có thể mua được nó với một cái giá rất phải chăng. Không thể cạnh tranh với thương hiệu này nếu không tung ra hết vốn liếng. Và người quản lý, Chuck Huggins – xem kìa, ông ấy thật tuyệt vời; và chúng ta có thể giữ ông ấy lại”.

Nếu độc giả để ý kỹ các nhận xét của ngài Munger, thì rõ ràng ông là một trong những người tiên phong sử dụng bộ tiêu chí 4M mà sau này ngài Phil Town đã tổng hợp lại bao gồm: Ngành nghề dễ hiểu, lợi thế cạnh tranh, ban lãnh đạo và mức giá phải chăng. Và từ đó mới thấy, tư duy đột phá của Munger đã ảnh hưởng quan trọng đến ngài Buffett như thế nào ở thương vụ này.

Sau khi trực tiếp đi thăm nhà máy, gặp ban lãnh đạo và nghe lời khen của vợ – Susie Buffett – rằng bà “phát cuồng” vì các sản phẩm của See’s (độc giả thấy kể từ thuở này, ngài Buffett đã ứng dụng nghệ thuật “scuttlebutt” của ngài Phillip Fisher thường xuyên như thế nào khi rất siêng năng tìm hiểu thực tế và hỏi ý kiến của người tiêu dùng là vợ ông), Buffett cùng Munger đã quyết bỏ ra 25 triệu USD để mua lại See’s Candies.

Tại mức giá trên, hai người đã trả mức định giá 11.4x P/E, hơn 2 lần P/B cho một công ty tuyệt vời sinh lợi 20% ROE, gần như không có nợ vay, và tăng trưởng lợi nhuận 12%/năm bền vững. Mặc dù Ed Anderson, người bạn của hai ông, cho rằng mức giá này đắt quá – âu cũng bởi vì Buffett chưa bao giờ trả quá 10x P/E và cao hơn book value trước đây (nhìn lại mức định giá của VIC, MSN, VNM, SAB ở Việt Nam hiện tại, chúng ta mới thấy “nực cười” ra sao so với sự cẩn trọng của các nhà đầu tư ngày ấy), Buffett và Munger tin rằng See’s Candies sở hữu một quyền lực vô hạn về giá cả - họ có thể dễ dàng tăng giá một ít mỗi năm trên mỗi cân kẹo bán ra, vừa bảo vệ họ khỏi lạm phát (inflation-protected), vừa có thể tăng trưởng được qua thời gian dài.

Giây phút mà Buffett, Munger và Rick Guerin ký hợp đồng và cùng nhau bước vào HĐQT công ty cũng là lúc Buffett tự đưa bản thân vào ngành bánh kẹo với một sự hứng khởi (passion) mà ông chưa bao giờ có lúc ông mua các món hời vốn lưu động như Dempster Mills và Berkshire Hathaway. Kể từ đây, tư duy của ông thay đổi hoàn toàn. Ông chú trọng hơn đến thương hiệu, con hào kinh tế “moat” bền vững, ban lãnh đạo tận tâm và hơn hết, ông sẵn sàng trả giá cao hơn cho các tài sản sinh lợi chất lượng.

III. See’s Candies ngày nay

Tính đến năm 2014, hơn 40 năm kể từ ngày ngài Buffett mua lại công ty này, See’s đã tăng lợi nhuận trước thuế hơn 20 lần - lên mức 82 triệu USD nhờ việc tăng giá bán một ít mỗi năm. Nhờ dòng tiền kinh doanh “sạch và khổng lồ” từ See’s, Buffett đã đầu tư được hàng loạt doanh nghiệp “tuyệt vời” khác như GEICO, Washington Post, Coca Cola, American Express, Gillette và gần đây là Apple. Cách đây vài năm, Buffett thú nhận rằng See’s đã đem lại cho ông tổng cộng 1.65 tỷ USD dòng tiền, gấp 66 lần số vốn ban đầu sau hơn 40 năm nắm giữ (!)

Ở mỗi kỳ đại hội Berkshire ngày nay, nếu tinh ý một chút, quý độc giả sẽ thấy ngay trên bàn của ngài Buffett và Munger, luôn có một hộp kẹo bơ đậu phộng của See’s Candies nằm “bệ vệ” giữa hai người. Chúng tôi nghĩ rằng ông không chỉ để hộp kẹo này ở đấy nhằm quảng cáo đơn thuần, mà có lẽ ông còn muốn trưng bày nó như một kỷ niệm đáng nhớ - một bước ngoặt đã thay đổi tư duy của ông vĩnh viễn, giúp ông trở thành bậc huyền thoại đầu tư giá trị mà mọi người hằng nể phục.                     

Hà Hùng Anh – Golden Newsletter Vietnam

(Trích dẫn và nghiên cứu thêm từ cuốn “The Snowball: Warren Buffett and the business of life”)

FILI

Các tin tức khác

>   Biển xanh, cát trắng và cổ phiếu (25/04/2019)

>   Trader vụt mất cơ hội sinh lời 6,000% chỉ vì tiếng khóc của đứa trẻ (18/04/2019)

>   Kraft Heinz đã khiến nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett "mất mặt" như thế nào? (18/04/2019)

>   Phúc XO và chuyên gia chứng khoán có gì giống nhau? (17/04/2019)

>   Chuyện cân bằng lợi ích giữa cổ đông và nhân viên (18/04/2019)

>   Điều thú vị từ đầu tư chứng khoán (23/04/2019)

>   Dùng hệ số P/E quyết định đầu tư (03/04/2019)

>   Tỷ lệ vàng lợi nhuận/rủi ro (02/04/2019)

>   Đầu tư chứng khoán - đừng “đẽo cày giữa đường” (19/03/2019)

>   Arlan Hamilton – người đầu tư vào những gì người khác bỏ qua (15/04/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật