Thứ Sáu, 08/03/2019 11:38

Chứng khoán châu Á đỏ lửa, Shanghai giảm gần 3% sau dữ liệu thương mại Trung Quốc

Chứng khoán Trung Quốc dẫn đầu đà lao dốc trên thị trường chứng khoán châu Á trong ngày thứ Sáu (08/03), nối tiếp đà giảm của thị trường chứng khoán Mỹ đêm qua, khi nhà đầu tư chật vật với nỗi lo mới về nền kinh tế toàn cầu.

Tính tới lúc 11h30 ngày thứ Sáu (08/03 – giờ Việt Nam), chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc sụt 90.2 điểm (tương đương 2.9%) sau khi Trung Quốc công bố dữ liệu thương mại giảm quá mạnh so với dự báo.

Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 11h30 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC

Kim ngạch xuất khẩu (tính bằng đồng USD) giảm 20.7% trong tháng 2/2019, so với cùng kỳ năm trước, lao dốc mạnh hơn nhiều so với dự báo giảm 4.8% của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2019 đã tăng trưởng 9.1% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch nhập khẩu (tính bằng đồng USD) giảm 5.2% trong tháng 2/2019 so với cùng kỳ năm trước, cũng sụt mạnh hơn dự báo giảm 1.4% của các chuyên gia kinh tế. Hồi tháng 1/2019, kim ngạch nhập khẩu đã giảm 1.5% so với cùng kỳ năm trước.

Cán cân thương mại tháng 2/2019 của Trung Quốc cũng giảm mạnh hơn dự báo xuống mức 4.12 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 26.38 tỷ USD của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters. Con số tháng 1/2019 là 39.16 tỷ USD.

Trên thị trường Hồng Kông, chỉ số Hang Seng sụt 432.21 điểm (tương đương 1.5%).

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 411.73 điểm (tương đương 1.92%), trong bối cảnh cổ phiếu của ông lớn Fast Retailing, Softbank và Fanuc đồng loạt nhuốm sắc đỏ.

Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm ngày càng mạnh, lao dốc 23.33 điểm (tương đương 1.08%) khi cổ phiếu của công ty Hyundai Motor rớt hơn 2%.

Trong khi đó, chỉ số ASX 200 của Australia hạ 56.20 điểm (tương đương 0.9%), trong đó các lĩnh vực rơi vào trạng thái trái chiều. Chỉ số tài chính – vốn chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chung – hạ 1.6% khi nhóm cổ phiếu ngân hàng suy yếu.

“Tâm lý chắc chắn đã xoay chiều khi về cuối tuần và nhà đầu tư đang nhận thấy nhiều dự báo giảm tốc. Các ngân hàng trung ương dường như đang chuẩn bị cho một giai đoạn khó khăn trong vài quý tới với ngày càng nhiều quan điểm ‘bồ câu’ được đưa ra từ nhiều thống đốc”, các chuyên viên phân tích từ Rakuten Securities Australia cho biết trong một báo cáo buổi sáng.

Ngân hàng Trung ương châu Âu hạ dự báo tăng trưởng

Đêm qua, chứng khoán Mỹ giảm mạnh, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 và thông báo về vòng kích thích mới để hỗ trợ các ngân hàng trong khu vực, qua đó làm dấy lên lo ngại về nền kinh tế toàn cầu.

Cụ thể, chỉ số Dow Jones sụt 200.23 điểm xuống 25,473.23 điểm, khi cổ phiếu Caterpillar và Walgreens Boots Alliance có thành quả yếu kém. Chỉ số S&P 500 mất 0.8% còn 2,748.93 điểm, dẫn đầu là đà sụt giảm của lĩnh vực tài chính và hàng tiêu dùng không thiết yếu. Chỉ số Nasdaq Composite lùi 1.1% xuống 7,421.46 điểm. Cả 3 chỉ số chính đã đồng loạt giảm 4 phiên liên tiếp.

ECB cũng cho biết chương trình kích thích hoạt động tái tài trợ dài hạn (TLTRO-III) có mục tiêu mới sẽ bắt đầu vào tháng 9/2019 và kéo dài đến tháng 3/2021. TLTRO là các khoản vay do ECB cung cấp cho các ngân hàng châu Âu với lãi suất thấp, nhằm giúp các ngân hàng này có thể dễ dàng cho người tiêu dùng vay tiền, qua đó có thể giúp kích thích nền kinh tế. Đây là mũi tiêm kích thích thứ 3 từ ECB kể từ năm 2014.

Chủ tịch ECB, Mario Draghi, cho biết NHTW đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 từ 1.7% xuống 1.1%.

“Sự tiếp diễn của các bất ổn liên quan tới các yếu tố địa chính trị, mối đe dọa từ chủ nghĩa bảo hộ thương mại và sự dễ tổn thương từ các thị trường mới nổi dường như đang gây ảnh hưởng tới cái nhìn về kinh tế”, ông Draghi nói với các phóng viên trong ngày thứ Năm (07/03).

Tuyên bố của ECB được đưa ra giữa lúc nhà đầu tư cứ hồi hộp lo sợ về khả năng giảm tốc kinh tế trên toàn cầu. Trong ngày thứ Tư (06/03), Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) cho biết sự không chắc chắn về các đợt nâng lãi suất trong tương lai ngày càng tăng, trong khi tăng trưởng GDP quý 4/2018 của Australia chỉ là 0.2%. Trong khi đó, ở Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã báo hiệu sẽ “kiên nhẫn” trong việc nâng lãi suất.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

Fili

Các tin tức khác

>   Sau tuyên bố của ECB, lợi suất trái phiếu đồng loạt suy giảm trên toàn cầu (08/03/2019)

>   Mark Mobius: Chứng khoán Việt Nam là nơi đáng đầu tư nhất trên thế giới tại thời điểm này (08/03/2019)

>   Lo sợ về tăng trưởng toàn cầu, chứng khoán Trung Quốc rớt mạnh hơn 2% (08/03/2019)

>   Sắc đỏ ùa về chứng khoán châu Á đầu phiên (08/03/2019)

>   Dow Jones rớt 200 điểm, đánh dấu 4 phiên giảm liên tiếp (08/03/2019)

>   Dow Jones giảm 250 điểm, S&P 500 và Nasdaq rớt ngưỡng trung bình động 200 ngày (07/03/2019)

>   Chứng khoán châu Á trái chiều, chờ tin thương mại Mỹ-Trung (07/03/2019)

>   Chứng khoán châu Á trái chiều, chờ tin thương mại Mỹ-Trung (07/03/2019)

>   Chứng khoán châu Á nhuốm sắc đỏ, Trung Quốc trồi sụt liên hồi (07/03/2019)

>   Chứng khoán Trung Quốc trở về sắc đỏ sau chuỗi tăng liên tiếp (07/03/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật