Lo sợ về tăng trưởng toàn cầu, chứng khoán Trung Quốc rớt mạnh hơn 2%
Chứng khoán châu Á lao dốc vào đầu phiên ngày thứ Sáu (08/03) sau phiên giảm điểm trên Phố Wall đêm qua, khi nhà đầu tư chật vật với những nỗi lo mới về tình hình kinh tế toàn cầu.
Tính tới lúc 9h07 ngày thứ Sáu (08/03), thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục rớt mạnh, trong đó Shanghai Composite rớt hơn 68.56 điểm (tương đương 2.21%), Shenzhen Component hạ 2.121% và Shenzhen Composite lao dốc 2.311%.
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 sụt 330.98 điểm (tương đương 1.54%), khi cổ phiếu Fast Retailing, Softbank và Fanuc đồng loạt nhuốm sắc đỏ. Chỉ số Topix hạ 1.29%.
Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 20.03 điểm (tương đương 0.92%) khi cổ phiếu của công ty Hyundai Motor rớt hơn 2%.
Trong khi đó, chỉ số ASX 200 của Australia hạ 53.20 điểm (tương đương 0.85%), trong đó các lĩnh vực rơi vào trạng thái trái chiều. Chỉ số tài chính – vốn chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chung – hạ 1.6% khi nhóm cổ phiếu ngân hàng suy yếu.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 9h07 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
“Tâm lý chắc chắn đã xoay chiều khi về cuối tuần và nhà đầu tư đang nhận thấy nhiều dự báo giảm tốc. Các ngân hàng trung ương dường như đang chuẩn bị cho một giai đoạn khó khăn trong vài quý tới với ngày càng nhiều quan điểm ‘bồ câu’ được đưa ra từ nhiều thống đốc”, các chuyên viên phân tích từ Rakuten Securities Australia cho biết trong một báo cáo buổi sáng.
Ngân hàng Trung ương châu Âu hạ dự báo tăng trưởng
Đêm qua, chứng khoán Mỹ giảm mạnh, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 và thông báo về vòng kích thích mới để hỗ trợ các ngân hàng trong khu vực, qua đó làm dấy lên lo ngại về nền kinh tế toàn cầu.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones sụt 200.23 điểm xuống 25,473.23 điểm, khi cổ phiếu Caterpillar và Walgreens Boots Alliance có thành quả yếu kém. Chỉ số S&P 500 mất 0.8% còn 2,748.93 điểm, dẫn đầu là đà sụt giảm của lĩnh vực tài chính và hàng tiêu dùng không thiết yếu. Chỉ số Nasdaq Composite lùi 1.1% xuống 7,421.46 điểm. Cả 3 chỉ số chính đã đồng loạt giảm 4 phiên liên tiếp.
ECB cũng cho biết chương trình kích thích hoạt động tái tài trợ dài hạn (TLTRO-III) có mục tiêu mới sẽ bắt đầu vào tháng 9/2019 và kéo dài đến tháng 3/2021. TLTRO là các khoản vay do ECB cung cấp cho các ngân hàng châu Âu với lãi suất thấp, nhằm giúp các ngân hàng này có thể dễ dàng cho người tiêu dùng vay tiền, qua đó có thể giúp kích thích nền kinh tế. Đây là mũi tiêm kích thích thứ 3 từ ECB kể từ năm 2014.
Chủ tịch ECB, Mario Draghi, cho biết NHTW đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 từ 1.7% xuống 1.1%.
“Sự tiếp diễn của các bất ổn liên quan tới các yếu tố địa chính trị, mối đe dọa từ chủ nghĩa bảo hộ thương mại và sự dễ tổn thương từ các thị trường mới nổi dường như đang gây ảnh hưởng tới cái nhìn về kinh tế”, ông Draghi nói với các phóng viên trong ngày thứ Năm (07/03).
Tuyên bố của ECB được đưa ra giữa lúc nhà đầu tư cứ hồi hộp lo sợ về khả năng giảm tốc kinh tế trên toàn cầu. Trong ngày thứ Tư (06/03), Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) cho biết sự không chắc chắn về các đợt nâng lãi suất trong tương lai ngày càng tăng, trong khi tăng trưởng GDP quý 4/2018 của Australia chỉ là 0.2%. Trong khi đó, ở Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã báo hiệu sẽ “kiên nhẫn” trong việc nâng lãi suất.
Thị trường tiền tệ
Chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – dao động ở mức 97.592 sau khi xuống dưới mốc 97 trong ngày hôm qua.
Đồng Yên Nhật – thường được xem là đồng tiền trú ẩn an toàn – được giao dịch 111.44 đổi 1 USD sau khi dao động ở mức 111.5 hôm qua. Đồng AUD được sang tay ở mức 0.7011 USD sau khi giảm từ mức 0.705 USD trong phiên trước.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|