Chứng khoán Trung Quốc trở về sắc đỏ sau chuỗi tăng liên tiếp
Chứng khoán châu Á nhuốm sắc đỏ vào sáng ngày thứ Năm (07/03), sau 3 phiên giảm liên tiếp trên Phố Wall khi nhà đầu tư tìm kiếm thông tin về diễn biến đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Tính tới lúc 10h ngày thứ Năm (07/03 – giờ Việt Nam), thị trường chứng khoán Trung Quốc quay đầu giảm sau nhiều phiên liên tiếp. Cụ thể, chỉ số Shanghai Composite giảm 12.65 điểm (tương đương 0.41%).
Bên cạnh đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông hạ 123.88 điểm (tương đương 0.43%).
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 10h giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 156.31 điểm (tương đương 0.72%), khi cổ phiếu của ông lớn Fanuc sụt 3.43%, còn Topix hạ 0.77%. Cổ phiếu Renesas Electronics lao dốc 14.62% sau khi xuất hiện nguồn tin cho biết Công ty dự định ngừng một phần hoạt động sản xuất chip điện tử trong khoảng 2 tháng vì đà giảm tốc của nhu cầu từ Trung Quốc.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc hạ 0.06%.
Đi ngược với xu hướng chung của châu Á, chỉ số ASX 200 của Australia tăng 21.9 điểm (tương đương 0.35%) khi gần như tất cả lĩnh vực đều tăng. Chỉ số tài chính – vốn chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chung – tăng 0.1% khi cổ phiếu của Big4 ngân hàng rơi vào trạng thái trái chiều. Cổ phiếu ANZ giảm 0.83% và Westpac lùi nhẹ. Trong khi đó, Cổ phiếu Commonwealth Bank (Australia) tăng nhẹ và National Australia Bank tăng 0.82%.
Phố Wall giảm liền 3 phiên
Đêm qua, chứng khoán Mỹ lại chìm trong sắc đỏ, với các chỉ số chứng khoán chính ghi nhận phiên thứ 3 giảm liên tiếp, khi nhà đầu tư tạm nghỉ ngơi sau đà tăng mạnh năm nay. Phố Wall cũng tìm kiếm thêm dấu hiệu cho thấy một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được trong tương lai gần.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones sụt 133.17 điểm xuống 25,673.46 điểm khi cổ phiếu Walgreens Boots Alliance có thành quả yếu kém. Chỉ số S&P 500 lùi 0.65% xuống 2,771.45 điểm, dẫn đầu là đà sụt giảm của lĩnh vực năng lượng và y tế. Chỉ số Nasdaq Composite mất 0.9% còn 7,505.92 điểm, đánh dấu chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp đầu tiên trong năm 2019.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nỗ lực để tiến tới một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc với hy vọng thúc đẩy thị trường chứng khoán Mỹ trước khi ông tái tranh cử Tổng thống Mỹ trong năm 2020, dựa trên nguồn tin từ CNBC.
Tổng thống Mỹ ngày càng lo ngại việc Mỹ và Trung Quốc không tiến tới một thỏa thuận thương mại có thể đẩy thị trường lao dốc, Bloomberg News ghi nhận trước đó trong ngày thứ Tư (06/03). Ông Trump đã chú ý tới đà tăng của thị trường chứng khoán khi xuất hiện thông tin cả hai bên tiến gần hơn tới một thỏa thuận.
Ông Trump đã nhận thấy cổ phiếu Mỹ và châu Á leo dốc nhờ quyết định lùi hạn chót nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, dựa trên nguồn thông tin thận cận.
Việc tập trung vào thành quả của thị trường chứng khoán của ông Trump đã định hình những đánh giá về những chính sách kinh tế của ông. Quan chức Nhà Trắng cấp cao cần phải chú ý tới diễn biến trên thị trường khi được triệu gọi tới Phòng Bầu dục để trao đổi với ông Trump vì Tổng thống Mỹ thường hỏi: “Điều gì đang diễn ra trên thị trường?”.
Nhóm kinh tế của Tổng thống Mỹ đã nói với ông rằng việc tiến tới một thỏa thuận sẽ giải phóng đà tăng trên thị trường, dựa trên nguồn tin thân cận. Những người ủng hộ thỏa hiệp với Trung Quốc cũng nói với ông Trump rằng việc sớm tiến tới một thỏa thuận để lấy ưu thế trước bầu cử Tổng thống Mỹ là điều rất quan trọng bởi vì những lợi ích như Trung Quốc tăng cường mua đậu nành và các hàng hóa của Mỹ sẽ tạo ra tác động có độ trễ và cần có thời gian để thể hiện rõ trong nền kinh tế.
Trong ngày thứ Hai (04/03), CNBC dẫn nguồn tin cho biết Mỹ và Trung Quốc đang trong “giai đoạn cuối cùng” của đàm phán thương mại – có thể kết thúc vào cuối tháng này. Các nguồn tin cũng cho biết cả hai bên đang lên kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung tại Mar-a-Lago, khu nghỉ dưỡng sân golf của ông Trump, để khép lại các cuộc đàm phán.
Thậm hụt thương mại Mỹ tăng lên đỉnh 10 năm
Trong năm 2018, thâm hụt thương mại của Mỹ tăng lên đỉnh 10 năm tại 621 tỷ USD, đi ngược lại với cam kết thu hẹp thâm hụt của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi các đợt cắt giảm thuế làm tăng nhu cầu hàng nhập khẩu của người dân Mỹ, đồng thời đồng USD mạnh và các hàng rào thuế quan trả đũa từ những nước khác đè nặng lên kim ngạch xuất khẩu.
Trong ngày thứ Tư (06/03), dữ liệu từ Bộ Thương mại cho thấy thâm hụt về hàng hóa và dịch vụ tăng thêm 68.8 tỷ USD (tương đương 12.5%). Thậm hụt tháng 12/2018 tăng lên mức 59.8 tỷ USD so với cùng kỳ tháng trước, cũng là mức đỉnh 10 năm và cao hơn dự báo của các chuyên gia kinh tế. Thâm hụt thương mại với Trung Quốc cũng chạm mức kỷ lục 419.2 tỷ USD trong năm 2018.
Thị trường tiền tệ
Chỉ số đồng USD – đo lường diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – dao động ở mức 96.826 sau khi chạm mức 97 trong ngày hôm trước.
Đồng Yên Nhật được giao dịch ở mức 111.6 đổi 1 USD, còn đồng AUD được giao dịch ở mức 0.7038 USD.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|