Thứ Sáu, 08/03/2019 10:54

Sau tuyên bố của ECB, lợi suất trái phiếu đồng loạt suy giảm trên toàn cầu

Nhà đầu tư Mỹ đang đổ xô mua trái phiếu Chính phủ và né xa sự biến động trên các thị trường cổ phiếu trong ngày thứ Năm (07/03) sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ dự báo GDP, làm dấy lên nỗi lo sợ rằng đà giảm tốc bên ngoài có thể gây chấn động tới nền kinh tế Mỹ.

Các nhà quản lý quỹ tìm kiếm sự an toàn ở nơi trái phiếu Chính phủ sau khi ECB hạ dự báo GDP năm 2019 từ 1.7% xuống 1.1%, qua đó khiến lợi suất trái phiếu đồng loạt suy giảm. Ở châu Âu, lợi suất trái phiếu Chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm giảm từ mức 13 điểm cơ bản xuống còn 6.5 điểm cơ bản, còn lợi suất trái phiếu Italy có lúc giảm tới 19 điểm cơ bản.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm – vốn thường dịch chuyển cùng hướng với trái phiếu Chính phủ Đức – giảm 4 điểm cơ bản.

Thế nhưng, điều mà ECB khiến nhà đầu tư bất ngờ nhất là quyết định đưa ra vòng kích thích mới và lùi thời điểm nâng lãi suất trong tương lai “ít nhất là cho tới cuối năm 2019”. Ngoài ra, họ còn hạ dự báo lạm phát xuống 1.2%, dưới mức mục tiêu gần 2%.

Chủ tịch ECB Mario Draghi không cố gắng “tô vẽ” cho tình hình hiện tại, nói với các phóng viên vào sáng ngày thứ Năm (07/03) rằng “đà suy yếu của dữ liệu kinh tế thể hiện sự giảm mạnh về tăng trưởng kinh tế và đà giảm tốc này sẽ kéo dài tới năm nay”.

Chứng khoán Mỹ – vốn có thành quả cao hơn các thị trường nước ngoài trong nhiều năm qua – cũng suy yếu sau thông tin từ ECB. Cả Dow Jones và S&P 500 đều rớt hơn 1% sau khi ECB hạ dự báo tăng trưởng, khiến chứng khoán Mỹ chuẩn bị ghi nhận tuần giao dịch tồi tệ nhất năm 2019.

“Đối với chúng tôi thì cũng chẳng có gì ngạc nhiên cả, cuối cùng thì ECB cũng thừa nhận nền kinh tế của họ đang xanh xao đến nhường nào”, Andrew Brenner của National Alliance cho hay. “Các nhà đầu tư cổ phiếu cuối cùng cũng nhận ra một sự thật là lý do mà Fed giữ nguyên lãi suất xuất phát từ triển vọng u ám của các nền kinh tế trên toàn cầu”.

Không như những khu vực khác, châu Âu đã sử dụng chính sách tiền tệ nới lỏng của ECB là trụ cột để thúc đẩy tăng trưởng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Ngược lại, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất trong một vài năm qua, khi nền kinh tế Mỹ hồi sinh sau cuộc suy thoái gần đây nhất. Fed đã nâng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm cơ bản trong tháng 12/2018 và bắt đầu giảm quy mô của bảng cân đối kế toán, bao gồm chủ yếu là trái phiếu Mỹ và chứng khoán có đảm bảo bằng khoản thế chấp.

Tăng trưởng kinh tế Mỹ cho tới nay vẫn còn ít bị tác động bởi tình trạng bất ổn kinh tế ở Trung Quốc và châu Âu, ghi nhận mức tăng trưởng 2.6% trong quý 4/2018. Nhờ đó, các chuyên gia kinh tế Mỹ cảm thấy thở phào nhẹ nhõm phần nào, trước đó họ cho rằng Fed có thể giảm lãi suất trong tương lai nếu nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và Đức
Nguồn: Factset

“Tôi nghĩ điều lý thú là trái phiếu Chính phủ Mỹ đang dịch chuyển theo trái phiếu châu Âu. Ngay cả khi nỗi lo về chiến tranh thương mại dịu bớt, tăng trưởng toàn cầu đang dần trở thành yếu tố đáng lo ngại hơn”, Priya Misra, Trưởng bộ phận chiến lược lãi suất toàn cầu tại TD Securities, cho hay.

“Một loạt nghiệp vụ tái cấp vốn dài hạn theo mục tiêu hàng quý (TLTRO-III) sẽ được khởi động từ tháng 9/2019 và kết thúc vào tháng 3/2021, mỗi nghiệp vụ sẽ có thời gian đáo hạn là 2 năm”, ECB cho biết trong một tuyên bố.

TLTRO là các khoản cho vay do ECB cung cấp tới các ngân hàng châu Âu ở mức lãi suất thấp, tạo điều kiện thuận lợi để các ngân hàng này cho vay tới người tiêu dùng và nhờ đó sẽ kích thích nền kinh tế.

Một số chuyên gia như Tommaso Monacelli, Chuyên gia kinh tế và Giảng viên Đại học Bocconi, tranh luận rằng việc châu Âu liên tục cần hỗ trợ kiểu này là một dấu hiệu đáng ngại đối với nền kinh tế châu Âu.

“Nói tóm lại, quyết định về TLTRO III báo hiệu rất mạnh rằng ECB có dự báo rất ảm đạm về triển vọng kinh tế năm 2019-2020”, Monacelli viết trong một lá thư điện tử.

Đây là lần thứ ba mà ECB đưa ra chương trình kích thích dạng này.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi

Các tin tức khác

>   Mark Mobius: Chứng khoán Việt Nam là nơi đáng đầu tư nhất trên thế giới tại thời điểm này (08/03/2019)

>   Lo sợ về tăng trưởng toàn cầu, chứng khoán Trung Quốc rớt mạnh hơn 2% (08/03/2019)

>   Sắc đỏ ùa về chứng khoán châu Á đầu phiên (08/03/2019)

>   Dow Jones rớt 200 điểm, đánh dấu 4 phiên giảm liên tiếp (08/03/2019)

>   Dow Jones giảm 250 điểm, S&P 500 và Nasdaq rớt ngưỡng trung bình động 200 ngày (07/03/2019)

>   Chứng khoán châu Á trái chiều, chờ tin thương mại Mỹ-Trung (07/03/2019)

>   Chứng khoán châu Á trái chiều, chờ tin thương mại Mỹ-Trung (07/03/2019)

>   Chứng khoán châu Á nhuốm sắc đỏ, Trung Quốc trồi sụt liên hồi (07/03/2019)

>   Chứng khoán Trung Quốc trở về sắc đỏ sau chuỗi tăng liên tiếp (07/03/2019)

>   Chứng khoán Mỹ giảm 3 phiên liên tiếp (07/03/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật