Dầu WTI vọt hơn 5% lên cao nhất trong gần 4 tuần
Các hợp đồng dầu thô tương lai tăng mạnh vào ngày thứ Tư (09/01), trong đó dầu WTI tăng phiên thứ 8 liên tiếp lên mức đóng cửa cao nhất trong gần 4 tuần, nhờ sự lạc quan về các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, sự sụt giảm sản lượng tháng 12/2018 của các nhà sản xuất chủ chốt và sự suy yếu của dự trữ dầu thô tại Mỹ, MarketWatch đưa tin.
“Sự hỗ trợ đến từ việc Ả-rập Xê-út giảm kim ngạch xuất khẩu dầu thô còn lớn hơn cả thỏa thuận cắt giảm của OPEC+ và triển vọng Mỹ đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc”, James Williams, Chuyên gia kinh tế năng lượng tại WTRG Economics, nhận định. “Một thỏa thuận thương mại sẽ hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc và làm tăng nhu cầu dầu”.
Vào ngày thứ Tư, Financial Times đưa tin Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út, Khalid al-Falih, đã tuyên bố sẽ “ổn định” thị trường dầu mỏ và cho biết thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh đã bắt đầu cho thấy kết quả.
Theo đó, một cuộc thăm dò từ Platts vào ngày thứ Ba (08/01) cho thấy sản lượng dầu OPEC giảm 630,000 thùng/ngày xuống đáy 6 tháng là 32.43 triệu thùng trong tháng 12/2018.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2 trên sàn Nymex vọt 2.58 USD (tương đương 5.2%) lên 52.36 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 13/12/2018. Hiện dầu WTI đã leo ra khỏi thị trường con gấu, tăng 23% từ mức đáy 52 tuần là 42.53 USD/thùng đã ghi nhận vào ngày 24/12/2018, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 3 trên sàn Luân Đôn cộng 2.72 USD (tương đương 4.6%) lên 61.44 USD/thùng, cũng ghi nhận mức đóng cửa cao nhất kể từ giữa tháng 12/2018.
Phiên ngày thứ Tư (09/01) đã nới rộng chuỗi leo dốc cho cả dầu WTI và dầu Brent sang phiên thứ 8 liên tiếp, chuỗi tăng giá dài nhất trong 18 tháng.
Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã kết thúc vào ngày thứ Tư sau khi được kéo dài sang ngày thứ 3. Chứng khoán toàn cầu khởi sắc, trong đó chứng khoán Mỹ nhảy vọt, và hãng tin Bloomberg cho biết rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đang mong muốn hoàn thành một thỏa thuận với kỳ vọng thỏa thuận này sẽ thúc đẩy thị trường tài chính, vốn đã chao đảo một phần do lo ngại xung quanh cuộc chiến thương mại.
Các nhà phân tích tại Commerzbank cho biết sự lạc quan về thương mại cũng nhấc bổng dầu thô, lưu ý rằng đà sụt giảm của giá dầu vào cuối năm 2018 “không chỉ do tình trạng dư cung, mà còn do bán tháo trên thị trường chứng khoán. Đây là do lo ngại rằng xung đột thương mại sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Mỹ và Trung Quốc, cuối cùng làm giảm nhu cầu của 2 nước tiêu thụ dầu hàng đầu”.
Ngoài ra, góp phần vào tâm lý tích cực trên thị trường, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vào ngày thứ Tư cho biết nguồn cung dầu thô nội địa giảm 1.7 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 04/01/2018, cao hơn dự báo mất 1.4 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts, nhưng thấp hơn rất nhiều so với dự báo sụt 6.1 triệu thùng của Viện Xăng dầu Mỹ (API).
Dự trữ các sản phẩm xăng dầu cũng tăng hơn gấp đôi so với dự báo của thị trường. Cụ thể, báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ xăng vọt 8.1 triệu thùng trong tuần trước, còn dự trữ các sàn phẩm chưng cất leo dốc 10.6 triệu thùng. Cuộc thăm dò của Platts lại cho thấy dự báo nguồn cung xăng tăng 4.2 triệu thùng, còn dự trữ các sản phẩm chưng cất tăng 4.3 triệu thùng.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng xăng giao tháng 2 vọt 4.6% lên 1.425 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 2 cộng 2.9% lên 1.881 USD/gallon.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 3 tiến 0.6% lên 2.984 USD/MMBtu.
An Trần
FilI
|