Lý do giá xăng vẫn giảm dù tăng thuế môi trường từ 1/1/2019 Từ 1/1/2019, cứ mua một lít xăng, người tiêu dùng sẽ phải trả 4.000 đồng thuế bảo vệ môi trường... Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ mới đây đã yêu cầu các cơ quan liên quan sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu để bù đắp mức tăng giá do áp dụng biểu thuế bảo vệ môi trường mới. | Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 1/1/2019, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng lên mức kịch trần. Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng tăng từ mức áp dụng hiện hành là 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít (tăng 1.000 đồng/lít), với dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít (tăng 500 đồng/lít); dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít (tăng 1.100 đồng/lít); dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên 1.000 đồng/lít (tăng 700 đồng/lít). Hai nguyên nhân chính Như vậy, từ 1/1/2019, về lý thuyết, giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ tăng tương ứng các mức thuế tăng thêm. Tuy nhiên, để không tăng giá xăng dầu tại thời điểm trên, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ mới đây đã yêu cầu các cơ quan liên quan sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu để bù đắp mức tăng giá do áp dụng biểu thuế bảo vệ môi trường mới. Ông cũng đề nghị liên bộ Công Thương-Tài chính tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo Nghị định số 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Tiếp đó, liên bộ đã giảm mạnh trích quỹ bình ổn để giá xăng dầu không tăng trong bối cảnh tăng thuế môi trường. Ngoài ra, xu hướng giảm mạnh của giá xăng dầu thế giới cũng giúp giá xăng dầu trong nước không tăng trong đợt điều chỉnh đầu năm 2019. Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới từ ngày 21/12 đến ngày 31/12/2018 là 53,358 USD/thùng xăng RON92; 55,485 USD/thùng xăng RON95; 62,760 USD/thùng dầu diesel… tương ứng giảm bình quân guân 5 USD/thùng mỗi loại so với kỳ điều hành trước đó. Như vậy, nhờ sử dụng công cụ quỹ bình ổn cùng với đà giảm của xăng dầu thế giới, nhà điều hành đã hãm được ảnh hưởng tiêu cực đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước do thuế bảo vệ môi trường tăng lên. Cụ thể, trong đợt điều chỉnh giá xăng dầu từ ngày 1/1/2019, xăng E5RON92 giảm 515 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 538 đồng/lít; dầu diesel 0.05S giảm 1.092 đồng/lít; dầu hỏa giảm 818 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S giảm 733 đồng/kg. Tuy nhiên, về dài hạn, trong trường hợp giá xăng dầu thế giới quay đầu tăng lên, ảnh hưởng của việc tăng thuế môi trường có thể sẽ thể hiện rõ nét hơn. Vì sao điều chỉnh sớm 5 ngày? Ở một góc độ khác, theo chu kỳ tính giá bán lẻ của Nghị định 83, đến ngày 5/1 mới điều chỉnh giá xăng dầu, song Bộ Công Thương quyết định điều chỉnh sớm hơn 5 ngày, tức vào ngày 1/1/2019. Trong khi đó, giá xăng dầu từ 1/1 - 5/1/2019 vẫn phải áp dụng mức giá của ngày 21/12/2018, đây là mức giá bán chưa cộng thuế bảo vệ môi trường tăng thêm. Vì vậy, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính - Công Thương về việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu cho phù hợp với việc tăng thuế bảo vệ môi trường. Theo Petrolimex, nếu không điều chỉnh giá xăng dầu từ 1/1/2019 - tức cùng thời điểm tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, thì doanh nghiệp này có thể phát sinh lỗ, đặc biệt với mặt hàng xăng và dầu mazut. "Thuế bảo vệ môi trường tăng, nhưng doanh nghiệp phải giữ ổn định giá bán, song vẫn phải nộp thuế tăng thêm, gây nguy cơ bất ổn thị trường trong kỳ nghỉ lễ, vì các doanh nghiệp hạn chế bán ra để giảm lỗ. Lượng xăng dầu xuất bán bình quân 1 ngày của Petrolimex khoảng 25.000 lít, tương ứng với thuế bảo vệ môi trường phải nộp tăng thêm là 18,5 tỉ đồng/ngày", Petrolimex cho biết. Bạch Dương vneconomy
|