Dầu WTI vọt hơn 8.5%, tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2016 Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu vọt khoảng 8% vào ngày thứ Tư (26/12), chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp, sau khi khép phiên trước Giáng sinh tại mức thấp nhất kể từ tháng 7/2017, MarketWatch đưa tin. Thị trường chứng khoán khởi sắc, trong đó Dow Jones bứt phá hơn 600 điểm khi các hợp đồng dầu khép phiên, cùng với những nhận định về nguồn cung toàn cầu được cải thiện ổn định từ quan chức năng lượng hàng đầu của Nga đã hỗ trợ giá dầu khi các thị trường bắt đầu hồi phục. Cụ thể, vào ngày thứ Ba (25/12), Bộ trưởng Năng lượng Nga, Alexander Novak, cho biết rằng giá dầu sẽ trở nên ổn định hơn trong nửa đầu năm 2019. “Tôi nghĩ rằng trong nửa đầu năm 2019, nhờ những nỗ lực chung từ các nước OPEC và ngoài OPEC hồi tháng 12 này, tình hình sẽ ổn định hơn, cân bằng hơn”, ông Novak nói trong một cuộc phỏng vấn trên kênh Rossiya-24 TV, Reuters đưa tin. “Đó là những yếu tố cơ bản: sự sụt giảm nhu cầu trong mùa đông và, dĩ nhiên, kinh tế vĩ mô khi chúng ta đã chứng kiến đà giảm tốc trong hoạt động kinh tế toàn cầu vào cuối năm nay và sắc đỏ trên thị trường chứng khoán”, ông Novak cho biết. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2 trên sàn Nymex vọt 4.69 USD (tương đương 8.6%) lên 46.22 USD/thùng, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 30/11/2016, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy. Hợp đồng này đã khép phiên ngày thứ Hai (24/12) tại mức thấp nhất kể từ ngày 21/07/2017 và vẫn sụt 9.25% từ đầu tháng đến nay. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 2 trên sàn Luân Đôn cộng 4 USD (tương đương 7.9%) lên 54.47 USD/thùng, cũng ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 30/11/2016, mặc dù vẫn giảm hơn 7% trong tháng 12. Tuy nhiên, cả hợp đồng dầu WTI và dầu Brent đều đã bước vào thị trường con gấu, thường được xác định khi giảm ít nhất 20% từ mức đỉnh gần đó. Dầu WTI lao dốc 39% từ mức đỉnh ngày 03/10/2018, còn dầu Brent sụt 37% từ mức đỉnh tháng 10 gần đây. Cho đến nay, những nỗ lực từ Ả-rập Xê-út, nhà lãnh đạo thực tế của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), để kìm hãm sản lượng bắt đầu vào đầu năm tới bằng cách giảm 322,000 thùng/ngày – nhiều hơn mức cắt giảm thông báo trước đó là 250,000 thùng/ngày trong 6 tháng bắt đầu từ tháng 1/2019 – đã không thể xoa dịu nỗi lo ngại về nguồn cung vào cuối năm 2018. Sự gia tăng sản lượng dầu thô tại Mỹ, đáng chú ý là từ các nhà sản xuất dầu đá phiến, cũng góp phần làm tăng lo ngại về tình trạng dư cung toàn cầu. Dẫu vậy, một số nhà phân tích nghĩ rằng đà lao dốc của giá dầu sẽ bắt đầu làm thay đổi quyết định của các nhà sản xuất dầu đá phiến. Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng xăng giao tháng 1 tiến 6.5% lên 1.3304 USD/gallon, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2018. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 1 cộng 4.3% lên 1.7336 USD/gallon, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 28/08/2017. Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 1 tăng 2.19% lên 3.5430 USD/MMBtu. An Trần Fili
|