Dầu WTI đảo chiều lao dốc 3.5%, giảm phiên thứ 4 trong 5 phiên Các hợp đồng dầu thô tương lai giảm mạnh vào ngày thứ Năm (27/12), đảo chiều sau ghi ghi nhận phiên tăng mạnh nhất trong hơn 2 năm, qua đó làm bật lên sự biến động của các tài sản có rủi ro, MarketWatch đưa tin. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2 trên sàn Nymex lùi 1.61 USD (tương đương 3.5%) xuống 44.61 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 2 trên sàn Luân Đôn mất 2.31 USD (tương đương 4.2%) còn 52.16 USD/thùng. Cả 2 hợp đồng dầu WTI và dầu Brent đều đã giảm 4 phiên trong 5 phiên vừa qua, và là phiên giảm thứ 7 trong 9 phiên. Dầu WTI hướng tới đà lao dốc 12.4% trong tháng qua, đánh dấu tháng 12 tồi tệ nhất kể từ năm 2014, vốn đã giảm 19.5%, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy. Dầu Brent đã mất 11.2% từ đầu tháng đến nay, cũng sẽ ghi nhận tháng 12 giảm mạnh nhất kể từ năm 2015. Giá dầu và thị trường chứng khoán đã trồi sụt liên tục gần đây, thường biến động mạnh trong phiên. Dầu thô đã xuống đáy 17 tháng hôm thứ Hai (24/12) khi các chỉ số chứng khoán Mỹ ghi nhận phiên giao dịch trước Giáng sinh tồi tệ nhất trong lịch sử. Dầu đã phục hồi mạnh mẽ vào ngày thứ Tư (26/12), vọt 8% để ghi nhận phiên tăng mạnh nhất trong hơn 2 năm, khi chứng khoán cũng nhảy vọt. Tương tự, dầu thô giảm khi các chỉ số chứng khoán đảo chiều suy yếu trong ngày thứ Năm (27/12), khi nhà đầu tư vật lộn với những lo ngại ngày càng tăng rằng sự kém hấp dẫn của các tài sản có rủi ro từ đầu đến chứng khoán đang báo hiệu đà giảm tốc lan rộng trong nền kinh tế, cho thấy môi trường tiêu cực đối với nhu cầu dầu. Các chuyên gia phân tích tại JBC Energy cho biết những động thái trên thị trường chứng khoán dường như là yếu tố chi phối. Những chiến lược gia ở đây nói rằng “nỗi lo về thị trường con gấu trên chứng khoán vẫn còn đó, với vấn đề Chính phủ Mỹ đóng cửa không giúp thêm được gì”. Nhìn chung, thị trường dầu thô đang suy yếu vì nhiều nhà đầu tư băn khoăn rằng những nỗ lực để loại bỏ tình trạng dư cung gần đây vẫn chưa đủ, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt kinh tế do Mỹ áp đặt lên Iran, một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới và là một thành viên thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Ả-rập Xê-út và các nhà sản xuất dầu chủ chốt khác đã tăng sản lượng khi nguồn cung toàn cầu thắt chặt trước các lệnh trừng phạt Iran, nhưng khi các lệnh trừng phạt này có hiệu lực hồi đầu tháng 11/2018, Mỹ lại miễn trừ cho 8 quốc gia, bao gồm Trung Quốc, cho phép những nước này tạm thời tiếp tục nhập khẩu dầu thô từ Iran. Dữ liệu gần đây cho thấy rằng các dấu hiệu về nhu cầu gia tăng đối với dầu thô và các sản phẩm phụ từ dầu thô, nhưng đã bị lu mờ bởi nỗi lo về sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu, Phil Flynn, Chuyên gia phân tích thị trường tại Price Futures Group, chia sẻ. Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng xăng giao tháng 2 lùi 2% xuống 1.3040 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 2 mất 3.2% còn 1.6735 USD/gallon. Trong khi đó, hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 1, vốn hết hạn vào cuối phiên ngày thứ Năm, tăng 2.8% lên 3.6420 USD/MMBtu. Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 2 cũng cộng 2.5% lên 3.546 USD/MMBtu. An Trần Fili
|