Dầu tiếp tục tăng nhờ lạc quan về thương mại Mỹ - Trung
Các hợp đồng dầu thô tương lai tiếp tục tăng vào ngày thứ Hai (07/01), nhờ vào sự lạc quan về các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như động thái cắt giảm sản lượng từ các nhà sản xuất dầu chủ chốt. Dẫu vậy, các hợp đồng dầu đã rút khỏi mức đỉnh trong phiên khi Goldman Sachs hạ dự báo giá dầu do lo ngại về nhu cầu năng lượng và khả năng nguồn cung dư thừa, MarketWatch đưa tin.
Wall Street Journal đưa tin Ả-rập Xê-út có kế hoạch cắt giảm kim ngạch xuất khẩu dầu thô 800,000 thùng/ngày từ mức 7.9 triệu thùng/ngày trong tháng 11/2018, một động thái nhằm nâng giá dầu lên hơn 80 USD/thùng, trích từ nhận định của các quan chức Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Thông tin này đưa ra sau báo cáo việc làm lạc quan công bố hôm thứ Sáu tuần trước (04/01) đã làm dịu nỗi lo về suy thoái, qua đó giúp nâng cao triển vọng nhu cầu năng lượng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2 trên sàn Nymex tiến 56 xu (tương đương 1.2%) lên 48.52 USD/thùng, thấp hơn mức đỉnh trong phiên là 49.79 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 3 trên sàn Luân Đôn cộng 27 xu (tương đương 0.5%) lên 57.33 USD/thùng, cũng xóa phần lớn đà tăng đầu phiên, vốn giúp giá dầu chạm đỉnh trong phiên là 58.93 USD/thùng.
Sự lạc quan về nhu cầu dầu đã được thúc đẩy khi các quan chức cấp cao từ Trung Quốc bất ngờ tham dự các cuộc đàm phán về thương mại giữa Bắc Kinh và Washington, trong một nỗ lực nhằm giải quyết bất đồng thương mại kéo dài vốn đã làm tăng sự không chắc chắn trên các thị trường toàn cầu. Theo hãng tin Bloomberg, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Lưu Hạc, một cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, là một trong số những người tham dự, và sự lạc quan đến từ một quan chức cấp cao tham dự hơn là các quan chức cấp thấp hơn.
Giá dầu thô đã lao dốc 40% trong quý 4/2018 từ mức đỉnh 4 năm đạt được hồi đầu tháng 10/2018, chịu sức ép từ tình trạng dư cung và e ngại rằng nhu cầu năng lượng suy yếu.
Gần đây, giá dầu đã được hỗ trợ khi các cuộc thăm dò riêng biệt cho biết sản lượng dầu thô trong tháng 12/2018 từ các nhà sản xuất chủ chốt ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2017.
Cam kết cắt giảm sản lượng của OPEC cùng các đồng minh đã có hiệu lực từ đầu tháng này. Trước đó, OPEC cùng với một số nhà sản xuất ngoài OPEC, dẫn đầu bởi Nga, đã đồng ý hồi đầu tháng 12/2018 sẽ cắt giảm 1.2 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2019.
Các chuyên gia phân tích hàng hóa tại Commerzbank nhận định: “Nếu mức độ tuân thủ thỏa thuận của các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC cũng cao tương tự như thỏa thuận cách đây 2 năm, thì thị trường dầu có khả năng sẽ lại cân bằng trong nửa đầu năm nay”.
Tuy nhiên, cũng trong ngày thứ Hai, Goldman Sachs đã hạ triển vọng giá dầu WTI và dầu Brent. Theo đó, Ngân hàng này dự báo giá dầu WTI giảm từ 64.50 USD xuống 55.50 USD/thùng, còn giá dầu Brent sụt từ 70 USD xuống 62.50 USD/thùng.
Trong một lưu ý, các nhà phân tích tại Goldman Sachs đã chỉ ra rằng “mức dự trữ cao từ đầu năm, nhịp tăng trưởng ổn định của sản lượng dầu đá phiến trong năm 2018 giữa lúc chi phí lạm phát ít được chú ý, dự báo tăng trưởng nhu cầu thấp hơn kỳ vọng trước đó… và sự gia tăng năng suất sản xuất chi phí thấp” đã làm giảm triển vọng giá dầu.
Dữ liệu từ Mỹ trong ngày thứ Hai cũng cho biết các công ty dịch vụ Mỹ đã tăng trưởng trong tháng 12/2018 với tốc độ chậm nhất kể từ giữa mùa hè năm trước, với chỉ số phi sản xuất giảm từ 60.7 xuống 57.6. Dữ liệu kinh tế ảm đạm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng nhu cầu năng lượng.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng xăng giao tháng 2 lùi 0.5% xuống 1.341 USD/gallon. Trong khi đó, hợp đồng dầu sưởi giao tháng 2 tiến 0.5% lên 1.778 USD/gallon.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 2 sụt 3.2% xuống 2.944 USD/MMBtu.
An Trần
Fili
|