Thứ Sáu, 07/12/2018 10:30

Bài dự thi: SẮC MÀU CHỨNG KHOÁN

Những cuộc đi săn không hồi kết!

Tôi cảm thấy thật vui sướng khi đang được trải nghiệm đúng vào giai đoạn thăng trầm của thị trường chứng khoán. Cái cung bậc cảm xúc mà trước đó tôi chỉ được trải nghiệm qua sách vở, có lẽ nó còn dữ dội hơn 1 cuộc tình đầy lãng mạn hay hụt hẫng trong giây phút chia tay bạn tình.

Tôi năm nay 23 tuổi và cũng thật ngớ ngẩn khi tôi vừa từ bỏ trường Đại học Giao thông Vận tải để theo đuổi ngành đầu tư tài chính, nhưng tôi biết rằng nó thật sự hấp dẫn tôi hơn là gật gù ở trường.

Chứng khoán hấp dẫn bởi cảm xúc và nó cũng là thứ giúp bạn kiếm tiền hoặc lấy đi tất cả của bạn. Câu nói của một nhà khoa học đại tài Isaac Newton đã khiến tôi vô cùng ấn tượng: "Tôi có thể tính toán sự chuyển động của thiên thể nhưng không thể đo lường sự điên cuồng của con người”.

Tôi chơi chứng khoán được hơn 1 năm và sau hơn 1 năm trải nghiệm tôi đã rút ra cho mình được sự hiểu biết, tính kỷ luật, sự nhẫn nại và một chút đau thương.

Nếu bạn hỏi tôi nhìn nhận thị trường chứng khoán như thế nào thì tôi xin trả lời ngay rằng đó chính là một con sóng. Nó nhẹ nhàng gợn sóng khi trời yên biển lặng và cồn cào dữ dội khi bão bùng mưa giông. Để sống với con sóng đó chỉ có hai cách, thứ nhất là làm một tảng đá trơ trơ cho dù sóng mạnh thế nào và thứ hai là làm một miếng phao trôi nổi trên con sóng đó không bao giờ có thể chết chìm.

Ở đây tôi đang nói tới hai phong cách tài chính được coi là huyền thoại: Đầu tư và đầu cơ. Dù bạn sử dụng phong cách nào đi chăng nữa thì nguyên tắc đầu tiên là phải có nguyên tắc và nguyên tắc thứ hai là bạn luôn bảo toàn vốn.

Đầu cơ được hiểu là tìm kiếm những doanh nghiệp tiềm năng, tỷ lệ tăng trưởng đều và không ngừng phát triển.

Đầu tư là tìm kiếm những doanh nghiệp dưới giá trị, bị thị trường đánh giá thấp hoặc đang bị lãng quên nhưng với dòng tiền tốt, làm ăn ổn định, đội ngũ ban lãnh đạo chính trực có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai để đầu tư... và phần còn lại là chờ đợi.

Mỗi người hãy chọn cho mình một phong cách đầu tư phù hợp. Phù hợp ở đây là tính cách, khả năng chịu đựng, cách bản thân thân đánh giá doanh nghiệp và cách đánh giá thị trường của mỗi người. Nhưng điều bạn luôn nhắc bản thân là phải tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc mình đặt ra.

Riêng với cá nhân tôi, việc thay vì dự báo thị trường thì tôi hứng thú với đánh giá doanh nghiệp hơn.

Tôi nghĩ việc dự báo thị trường là điều không thể bởi sự thay đổi của thị trường dựa trên quyết định chủ yếu của con người. Ta có thể thấy rõ nhất ở Mỹ, khi Trump lên làm tổng thống, ông đã làm thay cục diện toàn bộ kinh tế thế giới khiến kinh tế trở nên bấp bênh không ổn định.

Việc nữa là sự tăng lãi suất của Fed khiến kinh tế nhiều nước trở nên kém hấp dẫn hơn trong đó có Việt Nam, trong khi thị trường Việt Nam mới bắt đầu phát triển và đang có tiềm năng vô cùng to lớn với giới đầu tư. Nhưng các bạn có thể thấy, giờ thì sao nào, Việt Nam giờ có khác gì “miếng thịt xông khói” đã hết hương vị đến bầy chó sói cũng phải dửng dưng?!.

Làm sao người ta có thể đem một miếng bánh ngon lành ra khoe cho mọi người tranh nhau. Nếu thực sự bạn nhìn thấy một công ty tốt thì điều cần làm là chôn nó đi và khi một người nhận ra điều đó thì cứ bình tĩnh nhưng khi đám đông nhận ra miếng béo bở đó khiến nó trở nên vượt ra ngoài khuôn khổ của giá trị tương lai thì bạn nên “đào” lên và “thanh lý” nó đi.

Khi một công ty tốt được đưa ra, tôi tự hỏi nếu nó thực sự tốt vậy thì ai sẽ đem bán nó, có phải người ta cố tình làm vậy để lôi kéo những cảm xúc tham lam và người hưởng lợi duy nhất là các nhà mô giới và công ty chứng khoán? Điều bạn nên tính ngay bây giờ là lợi nhuận bạn sẽ đạt được so với chi phí bạn sẽ bỏ ra một năm khi mù quáng chạy theo lời khuyên hão huyền.

Trải qua thị trường chứng khoán hơn 1 năm, tôi có vài nguyên tắc đầu tư muốn chia sẻ:

Thứ nhất, không đầu tư vào doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ trên 30% vốn. Còn nếu đầu tư vào doanh nghiệp Nhà nước thì báo cáo tài chính doanh nghiệp đó phải thật rõ ràng, sản phẩm độc quyền và có cổ đông chiến lược.

Thứ hai, tìm kiếm các doanh nghiệp ít nợ hoặc có tỷ lệ nợ/tiền mặt bằng 1. Tôi tin một điều rằng, tương lai của doanh nghiệp là điều vô cùng hấp dẫn nhưng đó chỉ là tương lai còn hiện tại thì ta đang thấy một đống nợ mà doanh nghiệp gồng gánh. Chỉ một chút tác động xấu hay một vài “làn khói” bất thường của ngân hàng cũng thổi bay doanh nghiệp đó.

Thứ ba là tìm kiếm doanh nghiệp có báo cáo tài chính rõ ràng mà bạn có thể giải thích cho một đứa trẻ 10 tuổi hiểu được. Hãy tìm hiểu kỹ những khoản mục bất thường, một vài giao dịch không rõ ràng, doanh thu đến từ một nguồn vô lý nào đó...

Thứ tư là cách sắp xếp, bổ nhiệm ban lãnh đạo, sự ổn định trong bộ máy lãnh đạo, tránh dư thừa quá nhiều. Nếu trong 2 năm mà ban lãnh đạo vẫn thay đổi thì vấn đề sắp được sáng tỏ rồi đó.

Thứ năm là sản phẩm, thương hiệu đó là những giá trị vô hình làm nên sức hấp dẫn của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp tốt sẽ cho ra những sản phẩm chất lượng, được người tiêu dùng tin tưởng và đặc biệt phải có một số giấy chứng nhận an toàn vệ sinh cho một số sản phẩm tiêu dùng.

Đặc biệt tôi luôn ưu tiên hàng đầu với doanh nghiệp tốn ít chi phí vốn nhất, bởi dòng tiền tạo ra có thể làm nhiều việc hữu ích hơn hoặc cổ tức tốt cũng là đền đáp xứng đáng cho nhà đầu tư.

Để có được những kinh nghiệm này, tôi cũng trải qua vài sai lầm trong chứng khoán:

Thứ nhất là đừng mua công ty mới chia tách cổ phiếu, đó là điều nguy hiểm nhất. Việc chia tách cổ phiếu một công ty đang phát triển chỉ làm giá cổ phiếu sụt giảm. Khi EPS trở nên nhỏ dần thì doanh nghiệp đó trở nên ít hấp dẫn. Những nhà đầu tư không tìm hiểu kỹ mà nhảy vào lúc mới chia tách xong thì việc cần làm nhanh nhất của người đó lúc này là tìm cách nhảy ra thật nhanh. Đó là kinh nghiệm khi tôi mua BMP hồi đầu năm.

Thứ hai là mua doanh nghiệp đang giảm mà không biết lý do vì sao doanh nghiệp giảm và báo cáo tài chính cụ thể như thế nào. Đó là khi tôi mua TDG, doanh nghiệp đó rớt từ 10 xuống 6.3. Tưởng mình sẽ tìm được một món hời nhưng sau khi tìm hiểu kỹ thì tôi đã bán sau 5 ngày và giờ nó tiếp tục giảm. Tôi nghĩ mình đã quyết định đúng.

Thứ ba, mua doanh nghiệp nợ quá khả năng chi trả và một vài khoản thôn tính doanh nghiệp khác bằng vốn vay. Thật đáng buồn là tôi nhận ra điều đó khi thua lỗ 30%. Tôi mua KDC vào hồi đầu năm và khi nhận ra bản báo cáo đầy rẫy nợ và hàng trăm tỷ tiền thuế.

Thứ tư, mua doanh nghiệp xuất khẩu thép với một loạt bê bối về chống phá giá, bị áp thuế ở mức cao và có đống nợ. Bạn biết đó, một doanh nghiệp với tồn kho hàng nghìn tỷ, việc không bán được hàng khiến tồn kho tăng cao hoặc giá bán giảm khiến tỷ lệ lợi nhuận thấp là một kết cục vô cùng tồi tệ. Khoản chi phí quản lý, chi phí tồn kho tăng cao và đống nợ đang đón bạn thì vấn đề không đơn giản dù đó là hàng ít hao mòn nhất.

Thứ năm là mua doanh nghiệp với khoản phải thu hơn nghìn tỷ và tồi tệ hơn là doanh nghiệp đó không ngừng phát hành cổ phiếu với mục đích thâu tóm một vài công ty chỉ để tăng tài sản. Đó là khi tôi mua BCG.

Thứ sáu là mua công ty với kế hoạch vô cùng hấp dẫn trong tương lai, đó là FLC với kế hoạch tham gia hàng không. Tôi bị cuốn hút bởi ý tưởng đó vì phong cách trễ giờ của Vietjet và giá vé khá cao của Vietnam Airline thì việc FLC đầu tư vào sẽ có sự thay đổi vô cùng lớn cho ngành hàng không. Nhưng tôi cũng học được một điều, hàng không là sự đầu tư không an toàn. Bạn thấy đó, 3 con hổ cùng trong một chiếc lồng thì cạnh tranh giá cả khiến lợi nhuận chỉ ở mức khá khiêm tốn.

Tôi cũng có vài điều trong cách tìm kiếm ngành mà mình cần tránh khi đầu tư:

Thứ nhất là bách hóa, với hạn sử dụng trong 1 ngày thì những lợi nhuận chỉ đủ đề bù đắp cho mặt hàng buộc phải bỏ đi.

Thứ hai là dệt may, thời trang cũng có hạn sử dụng, chắc trong khoảng 1 tháng. Việc tồn khó quá nhiều cũng là thảm họa của doanh nghiệp. Nên những doanh nghiệp dệt may cần quản lý hàng tồn kho tốt và liên tục thay đổi phong cách cho hợp xu hướng.

Thứ ba là hàng không, như tôi đã nói, hàng không cạnh tranh về giá quá khốc liệt, nó chỉ hấp dẫn khi là doanh nghiệp độc quyền.

Bạn có thể thấy thị trường chứng khoán như một miếng bánh mà ai cũng muốn xâu xé, họ chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, chà đạp lên nhau mà giành lấy nó. Chính vì thế để tồn tại được điều quan trọng nhà đầu tư phải tách mình ra khỏi đám đông, làm chủ được cảm xúc, có sự kiên định với lựa chọn của bản thân và chăm chỉ tìm kiếm những doanh nghiệp tốt thì thành công sẽ theo chân bạn.

Điều thú vị tôi muốn chỉ cho những nhà đầu cơ là săn tìm cổ phiếu vào cuối năm và bán vào đầu năm, đây gọi là hiệu ứng tháng Giêng.

Dù điều này nói ra nghe có vẻ quá lỗi thời nhưng một nguyên lý bất di bất dịch là sự tân trang của 1 số quỹ và sự lợi dụng thuế của 1 số công ty. Điều đó khiến các quỹ hoặc các công ty bán cổ phiếu đang giảm dù cổ phiếu đó có thể tốt trong tương lai. Nhưng tại sao nó được gọi là hiệu ứng tháng Giêng bởi các quỹ hay các công ty sẽ mua lại nó trong tháng Giêng khiến nó tăng cao, lúc đó bắt buộc nhà đầu tư phải bán trong tháng Giêng còn sang tháng 2 thì có thể may mắn sẽ không mỉm cười với bạn bởi lúc đó cổ phiếu đó có thể là tệ thật.

Ngân hàng, một ngành vô cùng rủi ro thế mà số đông lại chạy theo 1 cách điên cuồng. Việc ban lãnh đạo bỏ tiền để cứu vớt sự tụt giảm không phanh là điều vô cùng ngớ ngẩn! Chỉ nhìn vào số nợ xấu mà các ngân hàng đang gánh thì cũng đủ cho thấy sự u ám trong tương lai của nó. Việc liên tục tăng lãi suất tiền gửi với mục đích duy nhất là ngân hàng đang rất cần tiền. Số tiền ngân hàng đem cho vay hàng trăm nghìn tỷ vào những doanh nghiệp vô cùng rủi ro khiến lưu chuyển dòng tiền của ngân hàng ngày càng kém, dẫn tới rủi ro vô cùng lớn

Trong tình trạng hiện tại, nhà đầu tư nên cẩn thận với ngành xuất khẩu bởi chiến tranh thương mại dẫn tới thị trường vô cùng bất ổn, đặc biệt là một số ngành rủi ro về tồn kho cao với hạn sử dụng ngắn. Những chính sách thắt chặt tiền tệ của một số nước khiến tiêu dùng hạn chế hơn làm doanh thu xuất khẩu có thể giảm đáng kể.

Là một nhà đầu tư cá nhân, tôi thường đánh giá doanh nghiệp thông qua BCTC với các tiêu chí: Tỷ lệ nợ so với tiền mặt, EPS, chi phí vốn/doanh thu, chi phí vốn mà doanh nghiệp bỏ ra càng ít càng tốt, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận ròng, kiểm định những sự bất hợp lý trong báo cáo, hệ thống ban lãnh đạo ổn định, sản phẩm hấp dẫn không, đơn vị kiểm toán và tới doanh nghiệp tìm hiểu đánh giá của người lao động về doanh nghiệp như thế nào...

Tôi có lời khuyên chân thành với những nhà đầu tư cá nhân. Nếu bạn không dành toàn thời gian cho việc đầu tư nghiên cứu thì hãy tìm đến nhà tư vấn chuyên nghiệp, đáng tin cậy, có danh tiếng. Khi đó bạn sẽ được ngủ ngon giấc, không thì bạn hãy gửi tiền vào một quỹ chỉ số. Tôi tin rằng đầu tư chứng khoán cũng như làm bất cứ công việc nào, bạn phải dành toàn bộ thời gian, tâm trí, đam mê cho nó vì nếu không thất bại cũng sẽ theo đến chân bạn thôi.

Trước khi đầu tư vào một doanh nghiệp, tôi hi vọng nhà đầu tư sẽ tìm hiểu thật kỹ, luôn tỉnh táo, sáng suốt. Mục tiêu là hãy bảo toàn vốn và hạn chế rủi ro tới mức thấp nhất.

Chúc bạn “đi săn” vui vẻ!

Đoàn Tư Tuyền

fili

Các tin tức khác

>   Hành trình của một tay ngang (11/12/2018)

>   “Bẫy” giá trị sổ sách (13/12/2018)

>   "Chơi" chứng khoán - môn thể thao trí tuệ (10/12/2018)

>   Nên làm gì khi thị trường chứng khoán tăng mạnh? (04/12/2018)

>   Thế hệ 9x và quan điểm về đầu tư chứng khoán (04/12/2018)

>   Kịch bản của các “tay to” và bài học kinh nghiệm (06/12/2018)

>   TTCK: Nơi những bài học chóng quên (05/12/2018)

>   Startup trên thị trường chứng khoán (03/12/2018)

>   Chứng khoán và nụ cười bà tôi (30/11/2018)

>   Tôi đã trưởng thành từ thị trường chứng khoán như thế! (23/11/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật