Thứ Ba, 11/12/2018 10:00

Hành trình của một tay ngang

Nói về sắc màu, có lẽ cuộc đời tôi đã gắn liền với màu đỏ, đen và trắng. Màu đỏ của máu, đen của những tấm phim và trắng của chiếc áo blouse. Nhưng rồi bức tranh ấy lại xuất hiện những gam màu mới.

Có thể tôi vẫn đang làm bác sĩ nếu cuộc sống vẫn tiếp diễn như bình thường. Nhưng ngã rẽ xuất hiện. Qua những ca mổ cả ngày lẫn đêm, có khi phải đứng suốt nhiều tiếng đồng hồ trong phòng mổ với cái bụng trống rỗng, mắt hoa lên, tay chân bủn rủn, bệnh đau dạ dày làm cái đói thêm hành hạ tôi nhiều hơn. Cuối tháng nhận đồng lương ít ỏi của một viên chức Nhà nước, tôi càng tủi thân. Muốn có tiền phải đi làm thêm, trực thêm, để chí ít có cuộc sống đầy đủ, chứ chưa nói đến việc so sánh với bạn với bè.

Rồi một ngày tôi tự hỏi “ Mình đang làm việc vì điều gì?”. Đam mê ư? Không có. Tôi thấy mình chỉ làm tròn trách nhiệm. Sự tôn trọng ư? Không nhất thiết. Cống hiến cho xã hội ư? Lại càng không. Một bác sĩ mở phòng mạch hay làm thêm giờ không phải để cứu nhiều người hơn mà mục tiêu đầu tiên là tăng thu nhập. Vậy thì tôi cực khổ thi vào trường Y, 6 năm nhồi nhét kiến thức, thêm nhiều năm học chuyên khoa, nghiên cứu sinh, trực ngày trực đêm là vì điều gì? Tôi cảm thấy hoàn toàn trống rỗng. Tôi quyết định sẽ nghỉ việc. Nhưng rồi phải làm gì tiếp theo?

Từ khi còn là sinh viên, tôi đọc khá nhiều sách. Trong một cuốn sách, có những khái niệm gây ấn tượng và đi sâu vào tâm trí tôi như “dòng tiền tự do”, “thu nhập thụ động” hay “tự do tài chính”. Tức là chúng ta sở hữu những tài sản, công cụ tài chính tạo ra dòng tiền liên tục đều đặn, cho dù chúng ta không trực tiếp quản lý hay ngày nào cũng đi làm, dù thức hay ngủ thì đồng tiền vẫn làm việc cho chúng ta. Chúng ta vẫn có thể đi làm nhưng chúng ta được lựa chọn công việc mình yêu thích vì những tài sản này đã giúp ta tự do về thời gian và tiền bạc. Chính những khái niệm này đã dẫn dắt tôi đến với con đường chứng khoán, đầy chông gai nhưng vô cùng thú vị.

Tôi nghỉ việc một cách nhẹ nhàng nhưng không nói với gia đình rằng mình chuyển đổi sang lĩnh vực khác. Gia đình tôi là một gia đình theo tư tưởng truyền thống. Bố mẹ tôi đều làm bộ đội, rất tự hào về tôi, về công việc bác sĩ của tôi. Họ coi bác sĩ là nghề vô cùng cao quý, danh giá. Còn chứng khoán thì thậm chí ông bà chắc chưa bao giờ nghĩ tới. Nếu có, theo cách nhìn nhận của đa phần mọi người thì cũng liên quan đến những từ như: lên xuống, rủi ro, mạo hiểm, cờ bạc, phá sản,… Vì không muốn mọi người lo lắng, tôi chỉ nói mình nghỉ việc để có thời gian học lên chuyên ngành Y. Thực chất, tôi dành toàn bộ thời gian để tìm hiểu về chứng khoán, đầu tư, tài chính, kể cả kinh doanh, quản trị, marketing và tâm lý. Vì tôi nghĩ muốn đầu tư giỏi, cần hiểu cả những lĩnh vực liên quan. Giống như một hàng rào mắt cáo, mọi thứ đều bổ trợ và kết nối với nhau theo một cách nào đó.

Những viên gạch đầu tiên luôn là những viên gạch khó khăn nhất. Lúc đó, tôi thậm chí còn không phân biệt nổi doanh thu và lợi nhuận. Các khái niệm P/E, P/B, biên lợi nhuận gộp, ròng, các chỉ số tài chính quá mới mẻ với một tay ngang như tôi. Các bạn có tin được không, tôi tự mày mò tất cả. Không trường lớp, không thầy cô hướng dẫn, không bạn bè giúp đỡ (vì tôi đang giấu mọi người), tôi chỉ tự mình nghiên cứu từ sách vở và internet.

Có thể các bạn tự hỏi, điều gì giúp tôi làm được việc đó? Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi sở hữu một thứ. Không phải là trí tuệ mà chính là cảm hứng. Càng đọc tôi càng thấy say mê. Tôi không coi việc học là cực khổ mà cảm thấy một niềm hân hoan khó tả khi đi sâu vào tìm hiểu. Có khi tôi vùi mình trong phòng suốt một tuần chỉ để đọc sách, không bạn bè, không mạng xã hội. Một người bạn nhắn tin: “Mày đang chết dí ở chỗ nào vậy?”. Tôi còn bị hiểu nhầm là tự kỷ, trầm cảm, sống khép kín, thu mình… hay vài thứ đại loại vậy. Tôi cũng không quan tâm lắm vì khi đó thú vui duy nhất là đọc sách tài chính. Nó ám ảnh tôi đến nỗi cả khi ngủ, tôi còn suy nghĩ, tính toán và mơ về những con số trong báo cáo tài chính. Và đó là lúc tôi nhận ra con người mình đã thuộc về nó: chứng khoán.

Được một thời gian, tôi nghĩ mình nắm bắt được nhiều thứ và chắc cũng sắp giàu tới nơi rồi. Nhưng “không con đường nào trải toàn hoa hồng”. Ngay cả những tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm, IQ cao, được trang bị kiến thức đầy đủ với cả hội đồng phân tích còn phải trầy trật với chứng khoán. Thì tôi cũng biết một lúc nào đó khó khăn sẽ đến với mình nhưng tôi không hề nghĩ rằng nó lại xảy ra đau đớn như vậy. Khó khăn không đến từ màu sắc của bảng điện, mà đến từ màu sắc của doanh nghiệp. Một màu xám ảm đạm bao trùm tình hình doanh nghiệp, từ đó lan qua cổ phiếu tôi mua.

Nếu chịu lỗ, tôi mất luôn khoản tiền tiết kiệm trong một năm. “Học phí hơi cao đấy người thầy chứng khoán ơi!” Quan trọng hơn, tôi đã nghĩ mình đúng và nắm chắc phần thắng nhưng kết quả lại làm cái tôi trong tôi bị tổn thương nghiêm trọng. Tôi nghi ngờ bản thân. Sau này, ai sẽ còn tin tưởng giao tiền cho mình đầu tư trong khi ngay bây giờ, chính mình còn không tin tưởng mình? Mình sai ở đâu? Ở phương pháp đầu tư hay ở cách chọn công ty? Hay chỉ là nhất thời? Cần làm gì lúc này?... Những câu hỏi nhức nhối liên tục ùa về. Tôi đã đặt cược sự nghiệp, danh tiếng và sự bằng phẳng của cuộc sống để đổi lấy điều mình yêu thích. Nhưng có đúng đắn không và mình có nên quay lại không? Tôi phải một mình đối mặt với những điều ấy. Tôi bị stress và mất ngủ. Cơn đau dạ dày lại có dịp hành hạ tôi lần nữa…

…“Thời gian sẽ chữa lành mọi vết thương”. Tôi đã dần biết chấp nhận mình sai và kiến thức còn rất hạn hẹp. Bài học cho sự quá tự tin và vội vàng. Con đường làm giàu không bao giờ dễ dàng và nhanh chóng, nếu không chỉ là trò cờ bạc. Tôi tự nhủ, thật ra mình lại may mắn khi nhận thất bại sớm vì nó giúp bản thân nhìn nhận lại nhiều thứ. Nếu thành công quá sớm, đôi khi sự tự mãn sẽ làm tôi phải trả một cái giá đắt hơn rất nhiều sau này.

“Và con tim đã vui trở lại”. Tôi dần kiếm lại được khoản tiền mất đi nhờ những cổ phiếu khác trong danh mục, đồng thời tìm được một cổ phiếu ưng ý đầy hứa hẹn. Tôi gặp được những người cùng chung chí hướng, có góc nhìn phân tích sắc sảo để cùng nói lên quan điểm và chia sẻ thông tin. Tôi mở lòng hơn với bạn bè, người thân và được mọi người ủng hộ. Những điều này giúp tôi vững tin hơn vào con đường mình chọn. Kết quả còn ở tương lai mà tương lai là vô vàn các khả năng. Nhưng dù cho gam màu nào sẽ tiếp tục được tô lên bức tranh của mình, tôi vẫn muốn nói với các bạn một điều. Điều mà các bạn được nghe nhiều người nói ra nhưng trên thực tế, rất khó để thấy ai có được trong cuộc sống này. Điều mà có thể các bạn phải dành cả cuộc đời để tìm kiếm. Điều sẽ giúp bạn vượt qua mọi khó khăn, sẵn sàng chấp nhận những bước lùi để nhìn về phía trước. ĐAM MÊ.

Nguyễn Công Sơn

FILI

Các tin tức khác

>   “Bẫy” giá trị sổ sách (13/12/2018)

>   "Chơi" chứng khoán - môn thể thao trí tuệ (10/12/2018)

>   Nên làm gì khi thị trường chứng khoán tăng mạnh? (04/12/2018)

>   Thế hệ 9x và quan điểm về đầu tư chứng khoán (04/12/2018)

>   Kịch bản của các “tay to” và bài học kinh nghiệm (06/12/2018)

>   TTCK: Nơi những bài học chóng quên (05/12/2018)

>   Startup trên thị trường chứng khoán (03/12/2018)

>   Chứng khoán và nụ cười bà tôi (30/11/2018)

>   Tôi đã trưởng thành từ thị trường chứng khoán như thế! (23/11/2018)

>   Tôi đã bị đội lái “úp bô” như thế nào? (19/03/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật