Thứ Sáu, 23/11/2018 09:00

CUỘC THI VIẾT "SẮC MÀU CHỨNG KHOÁN"

Tôi đã trưởng thành từ thị trường chứng khoán như thế!

Thật buồn cười cho nhà đầu tư “gà mờ” là sau bận ấy mọi người gọi tôi là “đại gia cổ phiếu” vì ai cũng phân tích rồi chọn cổ phiếu bluechips thanh khoản cao và lợi nhuận nhiều, trong khi tôi cứ cổ phiếu nào giá rẻ là mua.

Công ty chứng khoán tuyển người có 3 chứng chỉ để… xin được giấy phép thành lập

Tôi vẫn còn nhớ hồi sinh viên tôi rất hay ra các quán internet ngồi hàng giờ mê mẩn chat trên Yahoo Mesenger và vào mạng xem đủ thứ thông tin từ diễn đàn, website,… Một lần tôi đọc được tin Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức đào tạo miễn phí kiến thức về chứng khoán. Mặc dù ở lớp chúng tôi cũng được học môn Thị trường chứng khoán nhưng chỉ là những kiến thức rất cơ bản. Tôi đã thích thú vô cùng với thông tin này và quyết định theo học.

Hồi đó thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất mới nên lúc bấy giờ Ủy ban Chứng khoán mới tổ chức đào tạo có 3 lớp là: Khóa cơ bản về chứng khoán, khóa phân tích chứng khoán và khóa về pháp luật chứng khoán. Học xong mấy lớp đó về tôi hào hứng lắm, tôi xin mẹ 30 triệu đồng để làm vốn kinh doanh nhưng bị từ chối dù tôi có năn nỉ và cam kết viết giấy “vay nợ mẹ” để có tiền làm vốn đầu tư chứng khoán.

Tôi ra trường, lúc đó thị trường chứng khoán đang bùng nổ nên dù học về ngân hàng nhưng tôi lại muốn vào làm ở công ty chứng khoán. Tính tôi thế, vốn thích cái gì mới mẻ mà chứng khoán thì quá mới, quá hấp dẫn. Vậy là nhờ có đủ 3 chứng chỉ về chứng khoán, sau khi ra trường tôi đã được nhận vào làm việc tại một công ty chứng khoán vừa mới thành lập. Do họ cần 3 chứng chỉ của tôi để xin được giấy phép thành lập công ty nên dù hôm đi phỏng vấn tôi trả lời vô cùng… “củ chuối”, nhưng họ vẫn nhận vào làm với mức lương 1.5 triệu đồng/tháng.

Tôi vẫn nhớ anh trưởng phòng bảo tôi phù hợp làm ở vị trí tư vấn chứng khoán nhưng do lúc đó yêu cầu người môi giới chứng khoán trên sàn phải có chứng chỉ hành nghề nên tôi được điều động làm broker nhập chứng khoán trong sàn giao dịch.

Ngày đó, muốn giao dịch được thì mỗi công ty chứng khoán phải cử người vào sàn ngồi. Mỗi công ty có vài máy tính được kết nối với máy chủ của sàn và chỉ những người được cấp thẻ mới có thể vào sàn để ngồi nhập lệnh được đọc bởi những nhân viên ngồi ở công ty. Sau khi kết thúc phiên giao dịch thì sàn đẩy file dữ liệu khớp lệnh của từng công ty về máy chủ của công ty chứng khoán và bắt đầu khớp xem nhà đầu tư nào mua được cổ phiếu gì. Lúc đó mới “lòi” ra những lệnh không được khớp và “lòi” ra lỗi giao dịch. Vì một người đọc và một người nghe rồi đánh lại trên máy tính nên cũng có nhiều lúc sai sót xảy ra vì nghe nhầm hoặc đọc nhầm các mã hơi giống nhau là chuyện đương nhiên. Để tránh nhầm lẫn, chúng tôi đã “phiên dịch” những mã chứng khoán để cả hai đều hiểu và tránh sai sót theo kiểu dân dã và gần gũi nhất. Tuy sáng tạo vậy nhưng cũng vẫn có nhầm lẫn và vì thế không ít lần tôi phải làm hồ sơ xin sửa lỗi giao dịch chỉ vì mua hoặc bán nhầm chứng khoán hiếm (là loại chứng khoán mà ít người chơi nên không phải công ty chứng khoán nào cũng có người sở hữu).

Mua nhầm thì còn dễ xử lý kiểu ai nhầm thì tự chịu trách nhiệm mua vào hoặc thương lượng với khách hàng nếu chấp nhận thì họ mua giúp. Thế nhưng bán nhầm chứng khoán hiếm thì thật là đau khổ. Chúng tôi phải làm hồ sơ lên sàn rồi nhờ tìm công ty và khách hàng có sở hữu chứng khoán ấy xin họ bán lại cổ phiếu cho mình. Sau đó trình hồ sơ lên sàn và Trung tâm lưu ký chứng khoán để họ chuyển thủ công mã chứng khoán đó sang. Nhờ những lần sửa lỗi đó, tôi đã hiểu cách thức vận hành của thị trường.

Nhà đầu tư “gà mờ”

Sau khi tôi được nhận vào làm tại công ty chứng khoán, mẹ tôi đã đồng ý chuyển 20 triệu đồng để làm vốn. Tôi nhớ mã chứng khoán đầu tiên tôi mua là VTC vì tôi thích xem chương trình truyền hình VTV (lúc đó tôi đang hiểu nhầm rằng VTC là mã chứng khoán của Đài truyền hình Việt Nam). Do thị trường đang bùng nổ, nhà nhà nói về chứng khoán, người người đầu tư chứng khoán nên dù bạn mua mã nào cũng có lãi, chỉ là lãi nhiều hay ít mà thôi. Vì thế nên chỉ sau vài hôm, tôi đã lãi với mã VTC, tôi thích lắm.

Mẹ tôi thấy trào lưu về chứng khoán nên cũng bắt đầu quan tâm hơn, vì thế năm 2007 khi mà thị trường bùng nổ đỉnh điểm, mẹ đã chuyển thêm tiền cho tôi đầu tư. Nhờ có số tiền này, tôi đã đầu tư đủ các mã chứng khoán theo cảm nhận của mình mà chẳng cần phân tích.

Sau chuỗi những ngày tăng điểm liên tục, trên màn hình điện tử các mã chứng khoán đều màu xanh lục tươi roi rói thì rồi cũng đến ngày cả màn hình tràn ngập màu đỏ, tôi lập tức giải ngân. Tôi mua gần như cả sàn, mỗi mã mua 10 cổ phiếu. Thế mà lại lãi. Thật buồn cười cho “nhà đầu tư gà mờ” là sau bận ấy mọi người gọi tôi là “đại gia cổ phiếu” vì ai cũng phân tích rồi chọn cổ phiếu bluechips thanh khoản cao và lợi nhuận nhiều, trong khi tôi cứ cổ phiếu nào giá rẻ là mua.

Sau bận ấy, tôi lại quan sát thấy hiện tượng các cổ phiếu sau khi chia cổ tức hoặc phát hành cổ phiếu thì đều tăng giá rất nhiều. Tôi cho đấy là “phát hiện mới thiên tài”, tôi đem quan sát ấy bảo với anh cùng cơ quan. Vậy là sau khi cổ phiếu TLC trên sàn HASTC (Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, nay là Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội - HNX) chia tách, giá giảm đi còn một nửa. Tôi mua vào thật nhiều để đợi tăng giá. Nhưng chẳng như mong đợi của tôi, TLC càng ngày càng giảm nhanh và nhiều kinh khủng. Không chỉ tôi mà anh bạn tôi cũng mua theo và cùng “chết chìm”, nhưng chẳng dám cắt lỗ vì nghĩ chỉ ít bữa là nó tăng trở lại và thế là lỗ càng nặng hơn.

Không chỉ tôi mà anh bạn tôi cũng mua theo và cùng “chết chìm”, nhưng chẳng dám cắt lỗ vì nghĩ chỉ ít bữa là nó tăng trở lại và thế là lỗ càng nặng hơn.

Những nuối tiếc!

Rồi tôi còn tham gia đấu giá cổ phiếu. Hồi đó, tôi nhớ các công ty thuộc “họ Sông Đà” được “dân chơi chứng” rất thích vì giá tăng đều và mạnh. Nghe nói các đại gia “Sông Đà” làm ăn tốt nên giá được thổi lên vù vù. Các công ty này lại đua nhau bán đấu giá cổ phiếu. Chẳng biết có phải vì được ưa chuộng hay vì đội ngũ “làm giá” đông đảo, cứ sau mỗi đợt chuẩn bị bán đấu thì cổ phiếu cứ “leo cao chót vót”. Đoán được xu thế các “đại gia” đang nắm giữ cổ phiếu này sẽ bán giá cao trên sàn rồi mua lại cổ phiếu đấu giá với giá thấp hơn nên anh bạn tôi hùn tiền để đấu giá cổ phiếu. Sau khi đấu giá trúng hoặc mua gom lại của người khác với giá cao hơn một chút, chúng tôi lại rao bán. Thế là lãi to.

Có lần vì thấy sếp chơi chứng khoán lãi nhiều nên chúng tôi hùn hạp, mỗi người mấy chục triệu vào được vài trăm triệu và nhờ sếp đầu tư giúp. Sếp đã lên danh sách các cổ phiếu bluechips và đổ tiền vào mua. Chỉ khổ là chiến lược đầu tư của sếp là “chọn cổ phiếu ngon và đầu tư chiến lược lâu dài” còn chúng tôi thì toàn là “ăn xổi, ở thì” nên luôn luôn dõi theo trên bảng điện. Ngày các cổ phiếu đó tăng thì không sao, nhưng hôm nào giảm hoặc đứng yên thì chúng tôi lại “chất vấn” sếp: “Anh ơi, sao nó cứ giảm mãi chẳng tăng”, “Anh ơi, con này hôm nay lại giảm ạ”… Sếp tôi bực mình bán hết portfolio (danh mục đầu tư) và giải tán nhóm “mua chung chứng” của chúng tôi. Bây giờ nhớ lại danh mục ngày xưa mà để đến bây giờ chắc chúng tôi giàu to, nhưng chúng tôi đã không đủ kiên nhẫn để “đợi tới ngày mai tươi sáng” của những bluechip ấy. Thật là tiếc!

Rồi thị trường chứng khoán cũng chẳng “nóng” mãi được. Đến thời kỳ giảm giá, thị trường mua bán ảm đạm. Sàn giao dịch thất bát, thị trường thứ cấp cũng giảm theo. Chẳng còn ai hào hứng đấu giá nữa nên có lần tôi “trót dại” đặt cọc đấu giá cổ phiếu bia Sabeco (SAB) vì nghĩ Công ty này làm ăn tốt thế thì chắc sẽ rất “hot” với nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, tôi đã không bán lại được quyền mua cổ phiếu trước khi đến hạn nộp tiền trúng đấu giá để mua. Và vì thế tôi đành ngậm ngùi mất tiền cọc.

Tuy vậy, vì tính hay thích thử nghiệm nên tôi vẫn chưa từ bỏ thị trường chứng khoán, nhưng chỉ là mua vài cổ phiếu để chơi cho vui. Có lần, thị trường giảm liên tục, giảm điên đảo. Tôi đã mua 10 cổ phiếu của Tribeco (TRI) vào thời điểm có tin đồn xấu khiến giá tụt dốc không phanh khi chỉ còn vài nghìn đồng/cp. Điều thú vị là kể từ ngày tôi mua thì giá của TRI không còn giảm nhiều nữa. Rồi bắt đầu tăng vọt từ vài nghìn lên tới hơn 10,000 đồng/cp nhờ tin đang được nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm. Nhưng tôi vẫn không bán, chỉ có 10 cổ phiếu mà, lời lãi chả bao nhiêu mà bán! Rồi một hôm tôi nhận được cuộc điện thoại thông báo: Công ty đã trở thành công ty nước ngoài và không niêm yết trên thị trường chứng khoán nữa. Họ hỏi tôi số tài khoản để chuyển tiền mua 10 cổ phiếu của tôi. Nhưng tôi kiên quyết không bán. Cuối cùng thì 10 cổ phiếu TRI của tôi không nhận được tiền mà cũng chẳng được sở hữu. Thật là một kỷ niệm ngớ ngẩn của tôi!

Sau thời gian thị trường quá ảm đạm, tôi bắt đầu chuyển việc và từ đó cũng không còn thời gian để chơi chứng khoán nữa nhưng những kỷ niệm nho nhỏ về công việc đầu tiên và những lần mua mua bán bán cổ phiếu đó vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi nhắc nhở tôi về một thời tuổi trẻ với những ký ức không thể nào quên.

Hồng Chiêu Phương

Fili

 

Kính mời bạn đọc tham gia Cuộc thi viết: SẮC MÀU CHỨNG KHOÁN

Chi tiết xem tại:

>> Khởi động cuộc thi viết: SẮC MÀU CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Tôi đã bị đội lái “úp bô” như thế nào? (19/03/2019)

>   Giấc mơ đổi đời (28/11/2018)

>   Bùng học bám sàn, tốt hay xấu? (26/11/2018)

>   Chứng khoán với cuộc sống người nghỉ hưu (21/11/2018)

>   Góc nhìn tuần 19/11-23/11: Hồi trong xu hướng giảm? (18/11/2018)

>   Mua theo tin đồn, bán theo... tin vịt (19/11/2018)

>   Chứng khoán biến ước mơ của tôi thành sự thật! (16/11/2018)

>   Chứng khoán: Đầu tư hay chơi bạc? (14/11/2018)

>   Nắm giữ cổ phiếu (kỳ 2): Lời khuyên của bậc thầy liệu có thể áp dụng? (19/11/2018)

>   Một lần “lướt sóng giả” (12/11/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật