BÀI DỰ THI: SẮC MÀU CHỨNG KHOÁN
Mua theo tin đồn, bán theo... tin vịt
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã đi được một chặng đường tuy chưa quá dài so với các nước phát triển nhưng cũng đã trải qua không ít thăng trầm, đủ để chứng kiến bao hỉ, nộ, ái, ố của giới đầu tư. Với một thị trường phần nhiều bị chi phối bởi tâm lý nhà đầu tư thì việc mua bán cổ phiếu hằng ngày cũng bị ảnh hưởng bởi tin đồn chứ không hẳn là do bản chất công ty niêm yết.
Trong nguyên tắc chơi chứng khoán của các nhà đầu cơ lão luyện, có một thứ gọi là "mua theo tin đồn, bán theo sự thật". Nguyên tắc đầu cơ nổi tiếng này khi áp dụng vào thị trường Việt Nam ít nhiều cũng thay đổi. Cơ bản, thị trường chúng ta vẫn có nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, đó là mảnh đất màu mỡ cho tin đồn tha hồ tung hứng.
Ai cũng biết, khi một tin tốt của một công ty nào đó được tung ra thì sẽ bắt đầu một chuyến tàu nhanh, kéo vô số nhà đầu tư nhỏ lên tàu theo. Đây là những người mà chúng ta gọi là "mua theo tin đồn", và dĩ nhiên, tin tốt đó có thể là thật, cũng có thể chỉ là suy đoán của một số "big boys", hoặc tệ hơn, đó là tin đồn được tung ra một cách cố ý của "market maker".
Khi hành khách đã lên tàu đông đủ, con tàu sẽ khởi hành băng băng trong một thời gian. Một màu tím rực rỡ sẽ làm hài lòng tất cả hành khách trên chuyến tàu ấy. Nói văn vẻ như vậy nhưng thực tế, thời gian "khởi động" của chuyến tàu đó rất nhanh, có khi thì vài phút. Về tin đồn, có muôn hình muôn vẻ như: Công ty này lãi to, công ty kia tăng vốn do làm ăn tốt, hay đơn giản chỉ là thành viên HĐQT có kế hoạch gom cổ phiếu. Chỉ vậy thôi, cộng với vài lệnh mua khủng đã có thể kéo nhiều hành khách lên tàu theo rồi.
Đã là thị trường, là nhà đầu tư thì phải có người lãi, người lỗ. Đa phần người lỗ ở đây là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, bởi họ chỉ nắm số ít cổ phiếu và chỉ có thể "bám càng" theo một chuyến tàu nào đó. Bản thân họ không có sức mạnh để dẫn dắt thị trường, điều đó làm cho ranh giới giữa đầu tư và đánh bạc nhiều khi quá mong manh. Biết vậy nhưng khi có tin đồn được tung ra thì chúng ta thường không đủ bình tĩnh để suy đoán đâu là đúng, đâu là sai, mà dễ bị chi phối bởi tâm lý đám đông, đó chính là “tiếng còi tàu” hú lên ma lực ghê gớm.
Trở lại nguyên tắc đầu cơ trên, trong phần lớn các "chuyến tàu nhanh", sẽ có rung lắc. Đó là lúc cổ phiếu bắt đầu xả ra, màu tím chuyển sang xanh, thậm chí đỏ trong giây lát rồi tím lại. Sức mua giảm so với trước nhưng vẫn đủ để giữ giá trần. Khi ấy, thường chúng ta sẽ có tin tốt thực sự được công khai về cổ phiếu đó, thậm chí có thể tốt hơn tin đồn đã nghe. Lúc đó xảy ra hai trường hợp: Một là, có thêm sức mua và giá tiếp tục đi lên; Hai là, lực bán mạnh khiến giá đi xuống. Nhưng dù gì đi nữa thì những người gom cổ phiếu đó từ trước đã có lãi do họ là người chủ động "lái tàu".
Và chuyến tàu nào cũng đến lúc kết thúc. Không giống như những đoàn tàu trong cuộc sống, tàu này là tàu có thể bị lùi lại, lao dốc. Với những cổ phiếu lớn, những chuyến tàu thường kéo dài và bám khá sát vĩ mô. Còn với penny, khi tin tốt ra cũng là lúc "cá mập" xả dần hàng. Nếu nhận thấy sức mua của thị trường vẫn tốt, "người lái tàu" sẽ nương theo mà cho tàu chạy tiếp, còn nếu cảm thấy đã đến lúc dừng lại, họ sẽ cho tàu chạy theo quán tính, sống chết mặc bay, ai nhảy được thì nhảy.
Cũng có trường hợp, đoàn tàu rung lắc mạnh, để lái tàu gom tiếp "tập 2" và đoàn tàu khởi hành tiếp. Đó là lúc khối người xuýt xoa vì tiếc, đến khi theo lên được tàu thì đã muộn. Cũng chỉ vì vài “tin vịt” hơi xấu được tung ra mà khối người bán vội, bán tháo, thậm chí bán lỗ.
Vẫn phải nhắc lại, với tất cả những gì đã diễn ra ở nước ta thì có thể khẳng định đây là một thị trường bị tâm lý chi phối khá cao. Không chỉ “mua theo tin đồn, bán theo tin vịt”, thậm chí không ít nhà đầu tư sẵn sàng vay nợ, margin cao ngất chỉ để đu theo một chuyến tàu mà không chắc có tai nạn hay không. Mức độ liều đó chắc chẳng khác đánh bạc là mấy, và mỗi nhà đầu tư dù là nhỏ cũng nên rèn luyện tâm lý tốt, biết bình tĩnh đúng lúc để không bước lên một con tàu “hết xăng”, không “mua theo tin đồn, bán theo... tin vịt” .
Trung Thành
FILI
|