Thứ Ba, 04/12/2018 09:00

Thế hệ 9x và quan điểm về đầu tư chứng khoán

Thế hệ 9X chúng tôi là một thế hệ đặc biệt, rất nhiều người trong số chúng tôi đang cống hiến trong ngành tài chính. Chúng tôi là thế hệ được rèn giũa qua những biến cố của một chu kỳ kinh tế điển hình, đó là một thiệt thòi, nhưng xét trên khía cạnh khách quan, nó cũng là may mắn.

Thế hệ 9X, chu kỳ kinh tế và đầu tư chứng khoán

Thế hệ 9X hiện nay đang dần trở thành nguồn nhân lực chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng ở Việt Nam, với số lượng lớn và phần lớn có trình độ cao từ đại học trở lên. Riêng trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán, chưa có thế hệ nào trước đó tại Việt Nam có tỷ lệ theo học ngành tài chính cao như thế hệ 9X. Chính vì điều này đã tạo ra một lớp “nhà đầu tư 9X” mặc dù còn khá trẻ nhưng là đội ngũ đông đảo, có kiến thức, trình độ và cũng đã có vốn kinh nghiệm nhất định - 5 năm tham gia thị trường. Điểm yếu duy nhất so với lớp các nhà đầu tư cá nhân khác có lẽ là vốn. Quan điểm của thế hệ 9X về đầu tư ngày càng có sức ảnh hưởng mang tính định hướng lên thị trường ở Việt Nam.

Để hiểu hơn về quan điểm đầu tư của thế hệ 9X, cần nhìn lại bối cảnh mà thế hệ này được sinh ra và cách mà thế hệ này trưởng thành trong sự nghiệp của họ. Có thể nói rằng, giai đoạn mà thế hệ 9X lớn lên và trưởng thành chứng kiến trọn vẹn sự chuyển mình của đất nước theo cơ chế kinh tế thị trường với sự nở rộ của các ngành như bất động sản, ngân hàng, tài chính, chứng khoán. Sự phát triển nhanh tới mức ở một góc độ nào đó mà cơ chế quản lý đã không theo kịp. Các đại án trong lĩnh vực đất đai, ngân hàng gần đây liên quan tới các ngân hàng ACB, OceanBank, Đại Tín,… là những minh chứng hùng hồn.

So với thế hệ trước, thế hệ 9X cũng khát khao hy vọng được cống hiến cho nền kinh tế Việt Nam thông qua các công cụ của thị trường tài chính, làm giàu cho đất nước cũng như làm giàu cho chính bản thân mình. Tuy nhiên, khác với những thế hệ trước, chúng tôi hay nói đùa với nhau, “có lẽ mình sinh nhầm thời”. Khi thị trường đang trong giai đoạn manh nha hình thành, sau đó là nở rộ, đôi khi trở thành bong bóng, có rất nhiều cơ hội cho những ai biết chớp thời cơ. Thế hệ 7X, 8X – trong giai đoạn ấy có thể nói rằng “kinh doanh gì cũng ra tiền”, “đầu tư cổ phiếu nào cũng thắng” - có rất nhiều người đã tích lũy vốn và trở nên giàu có khi họ biết dừng lại đúng lúc. Còn thế hệ 9X chúng tôi, khi ra đời là một mớ hỗn độn phải đối mặt: Khủng hoảng kinh tế thế giới và tác động tới Việt Nam; trong nước là vấn đề nợ xấu ngân hàng, kinh doanh yếu kém của các tổng công ty nhà nước, sự thiếu minh bạch của thị trường và những sản phẩm tài chính trên thị trường, sự siết chặt của cơ quan quản lý như một dạng “thắt lưng buộc bụng”. Chúng tôi ra trường, thậm chí vấn đề làm đúng ngành đúng nghề cũng là một thách thức không nhỏ và vấn đề ấy trở thành sự khủng hoảng tâm lý đầu đời của cả một thế hệ.

Cũng là điều đặc biệt so với thế hệ trước, thế hệ 9X dường như không được kế thừa nhiều vốn hay tài sản của cha mẹ, có lẽ là do khó khăn chung của nền kinh tế. Hầu hết những bạn bè tôi quen đều tự lập, tự đi trên đôi chân của chính mình suốt 5 năm sau khi ra trường để tích lũy vốn liếng cho bản thân. Đặc biệt là thế hệ sinh viên tỉnh lẻ khi ra trường phải đối mặt với những vấn đề hết sức cơ bản về cơm áo gạo tiền, nhà ở, những nhu cầu thiết yếu. Có lẽ, đây cũng là điều chúng tôi tự hào nhất so với các thế hệ trước. Chúng tôi phải chi tiêu nhiều cho cuộc sống hiện đại nhưng chúng tôi cũng sẵn sàng tiết kiệm và đầu tư khi có cơ hội vì đã được học và hiểu rằng nguồn gốc của sự thịnh vượng là đầu tư.

Kinh nghiệm “chứng trường” của một 9X

Để hiểu hơn cách mà một 9X bước chân vào nghiệp đầu tư chứng khoán, tôi xin kể câu chuyện của chính mình.

Năm 2015, lần đầu tiên tôi tiếp cận với thị trường chứng khoán một cách dè dặt, bởi tôi vẫn còn ám ảnh với những câu chuyện thị trường của giai đoạn trước. Tôi may mắn khi vừa bước vào nghiệp này đã tìm được niềm tin và cảm hứng từ một người trên một diễn đàn chứng khoán, một tiền bối của tôi. Người đó tham gia thị trường cũng với một sự say mê và hứng khởi như tôi lúc này, tôi có thể tưởng tượng ra được điều đó trong từng trang viết. Sự sôi động của các diễn đàn chứng khoán những năm 2004 cũng giống hệt như sự sôi động các diễn đàn mà thế hệ tôi và các bạn tham gia bây giờ.

Tôi thầm cám ơn người này, họ đã cho tôi những kinh nghiệm bổ ích. Tôi tự hỏi, tại sao với những kinh nghiệm như thế này, họ không thể tồn tại và phát triển cho tới giờ nhỉ? Tôi đã thử áp dụng chúng và quả thực, theo một cách nào đó, chúng khá hiệu quả.

Những kinh nghiệm được tiền bối ấy đúc kết lại và tạm gọi là “cửu âm chân kinh” trong chứng khoán, tôi thấy khá đúng cho giai đoạn 2015-2017, cho cả dân phân tích kỹ thuật cũng như phân tích cơ bản.

Mối quan hệ giữa lượng và giá: Có một mối quan hệ giữa lượng và giá, sự biến đổi về lượng (giá trị và cách thức mà lượng biến đổi) bao hàm bên trong nó sự chuyển động về giá – bao hàm bên trong nó bản chất của giao dịch kinh tế, nó thể hiện trong kinh nghiệm giao dịch của từng người:

+ Khi thị trường giảm không mạnh, thanh khoản thấp, cuối phiên sáng (khoảng 11h) chưa có dấu hiệu phục hồi thì sẽ xả mạnh vào phiên chiều.

+ Khi giá cổ phiếu vẫn lên nhưng thanh khoản thấp dần thì khả năng chuẩn bị đảo chiều tương lai gần.

+ Khi thị trường ngày một giảm, thanh khoản thấp dần là khả năng tạo đáy ngắn hạn.

+ Khi thị trường tăng nhờ các mã VN30, hầu hết các mã giảm thì rủi ro bong bóng có thể vỡ bất kỳ lúc nào.

+ Trong một phiên giao dịch đối với cổ phiếu lên một giá nhất định, nếu không lên được nữa, cộng với thanh khoản đột ngột giảm kể từ khi lập được giá đó, thì cũng là lúc chuẩn bị có một đợt xả hàng mạnh.

+ Khi thị trường đi ngang và thanh khoản thấp trong một thời gian dài là lúc thị trường đang tạo đáy.

Cách “vào hàng”: Khi một cổ phiếu đến vùng giá hấp dẫn, bạn nên gom từ từ, giá càng giảm, gom nhiều hơn.

Cách “ra hàng” bao gồm cả chốt lãi và xử lý lỗ:

+ Biến rủi ro thành cơ hội: Đối với cổ phiểu tốt, nếu bạn lỡ tay ôm phải đỉnh ngắn hạn thì không nên cắt lỗ kiểu vĩnh viễn không quay lại vì thực tế nó sẽ vượt qua giá đỉnh ngắn hạn trong khoảng thời gian 1 quý. Hãy bán đi rồi “chuộc lại” với giá rẻ hơn. Làm đi làm lại sao cho quay càng nhiều vòng càng tốt. Tất nhiên, là bạn phải tỉnh không khéo mắc phải bẫy gom hàng của “bác tài”.

+ Khi đang có cổ phiếu, nếu gặp tin xấu tác động đến toàn thị trường thì dù lỗ cũng phải tống hàng đi để rồi mua lại giá rẻ hơn. Thà mang tiếng bầy đàn còn hơn được phong danh hiệu "Anh hùng lỗ vốn".

+ Cổ phiếu đầu cơ tăng trần hoặc cận trần 2 phiên liên tiếp, đó là lúc bạn nên bán đi ở phiên thứ 3.

+ Khi giá cổ phiếu mỗi ngày một giảm, đến một lúc nào đó, bạn cảm thấy chán nản đến tột cùng thì lúc đó, bạn không nên bán ra để đổi cổ phiếu khác vì nếu bạn hành động như vậy bạn sẽ mất hàng cơ bản tốt. “Cá mập” chỉ chờ như vậy để cướp hàng giá rẻ.

Cách sử dụng đòn bẩy:

+ Hạn chế sử dụng margin. Chúng ta chỉ nên sử dụng margin trong trường hợp mua bán trong phiên, sóng to đầu cơ và rút ra thật nhanh khi có tín hiệu đảo chiều.

Cũng có không ít các kinh nghiệm cho những nhà đầu tư đích thực, cho dù chỉ là đầu tư ngắn hạn:

+ Một năm có 4 quý, theo đó, chúng ta sẽ có 4 đợt BCTC (Tháng 4,7,11,1) nên chọn doanh nghiệp penny có truyền thống làm ăn được hoặc kết quả lũy kế tốt để ôm, sẽ thành công hơn cả 1 năm bạn gửi tiết kiệm.

Những kinh nghiệm cho thấy bản chất của thị trường, bản chất của đầu tư:

+ Chờ đợi cũng là đầu tư: Đầu tư về cơ bản là biến thời gian thành tiền.

+ Thông tin vốn không có tính chất tốt xấu. Nó đơn giản là cái cớ để biện minh cho diễn biến của thị trường.

+ Khi thị trường xảy xa bán tháo, dù một cổ phiếu tốt đến mấy cũng bị cuốn đi.

+ Thị trường không quy luật mới là quy luật. Chiến thắng chỉ thuộc về người có bản lĩnh.

Với những kinh nghiệm học được từ vị tiền bối này, tôi đã khá thành công trong giai đoạn 2015-2017 khi luôn có tỷ suất lợi nhuận cao hơn thị trường. Tuy nhiên, điều mà tôi chưa bao giờ học được chính là sự tự tin thái quá, kỹ năng cắt lỗ và quan điểm về đầu tư đích thực, đầu tư giá trị.

Và “ngài thị trường” đã dạy tôi những điều ấy và còn nhiều bài học khác nữa chắc hẳn ai trong số những nhà đầu tư hay đầu cơ giai đoạn tháng 4 – tháng 10/2018 đều ít nhiều học được. Khi thất bại ở một lĩnh vực nào đó, chúng ta nên dừng lại, bình tĩnh để suy xét mọi thứ một cách duy lí, hợp lý nhất – đó cũng là bài học cuối cùng mà tôi học được từ vị tiền bối kia. Khi thất bại, tôi có cơ hội nhìn lại chính mình trong dòng chảy của cuộc sống, công việc, sự nghiệp, tiền bạc, quan điểm đầu tư mà mình đang theo đuổi.

Và cuối cùng thì tôi cũng nhận ra rằng, trong uptrend, ai cũng có thể là chuyên gia, nhưng “khi thủy triều xuống mới biết ai không mặc quần”.

Tôi nhận ra những gì tôi áp dụng, cách đầu tư tôi theo đuổi chỉ thích hợp trong giai đoạn bùng nổ của thị trường, nó không phải là đầu tư mà là đầu cơ và hầu hết những nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua là đầu cơ, và theo trường phái kỹ thuật hoặc đôi khi là không theo trường phái gì cả, hay “trường phái bầy đàn”, tôi cũng chẳng giỏi giang hơn họ nhưng may mắn là tôi nhận ra điều đó.

Bài học rút ra

Khi thị trường cho bạn cơ hội đầu cơ thì hãy đầu cơ, khi thị trường cho bạn cơ hội đầu tư thì hãy nắm bắt. Cơ hội để đầu cơ thì luôn luôn có nhưng cơ hội để đầu tư không phải lúc nào cũng sẵn có cho bạn.

Thế hệ 9X chúng tôi là một thế hệ đặc biệt, rất nhiều người trong số chúng tôi đang cống hiến trong ngành tài chính. Chúng tôi là thế hệ được rèn rũa qua những biến cố của một chu kỳ kinh tế điển hình, đó là một thiệt thòi, nhưng xét trên khía cạnh khách quan, nó cũng là may mắn. May mắn, so với những thế hệ trước, thế hệ của chúng tôi được thử thách trong khó khăn và đã vươn lên mạnh mẽ ở giai đoạn sau này, rất nhiều người trẻ trong số chúng tôi khẳng định được chỗ đứng trong thị trường việc làm trong ngành tài chính và đạt được những thành công rực rỡ. Tôi tin là thế hệ chúng tôi là một thế hệ có sức đề kháng tốt đối với những biến động bất lợi của nền kinh tế.

Vậy, đối mặt với những thử thách tiếp theo, những người trẻ 9X như chúng tôi đang nghĩ gì và sẽ làm gì? Tôi tin rằng sẽ rất nhiều người cùng trang lứa sẽ đồng tình với quan điểm của tôi. Khi thị trường cho bạn cơ hội đầu cơ thì hãy đầu cơ, khi thị trường cho bạn cơ hội đầu tư thì hãy nắm bắt, tuy nhiên bản chất của thịnh vượng luôn là đầu tư. Tôi đã từng đọc ở đâu đó một bài viết về quản lý tài chính cá nhân có nói rằng để một người trẻ đạt được sự độc lập, tự chủ về tài chính thì người đó phải trải qua 4 giai đoạn: làm thuê – tự doanh – điều hành – nhà đầu tư. Phần lớn những người trẻ 9X hiện nay đang ở giai đoạn làm thuê và tự doanh, tuy nhiên, bằng cách tích lũy vốn và nắm bắt cơ hội đầu tư, chúng ta hoàn toàn có thể rút ngắn/đi tắt trên con đường để đạt được sự tự chủ về tài chính.

Nếu bạn giỏi quản lý, có kỹ năng và kiến thức về một lĩnh vực nào đó, hãy tự kinh doanh hay mở công ty riêng (start-up); nếu không có thời gian, không biết đầu tư vào đâu, hãy tìm đến thị trường chứng khoán và trường phái đầu tư giá trị đích thực. Ngoài ra, đừng quên rằng, đầu tư cho chính bản thân mình, đầu tư cho giáo dục để trang bị thêm kiến thức và kinh nghiệm chính là khoản đầu tư có tỷ suất sinh lời cao và đạt được lợi ích lâu dài nhất.

Hà Văn Luật

FILI

Các tin tức khác

>   Kịch bản của các “tay to” và bài học kinh nghiệm (06/12/2018)

>   TTCK: Nơi những bài học chóng quên (05/12/2018)

>   Startup trên thị trường chứng khoán (03/12/2018)

>   Chứng khoán và nụ cười bà tôi (30/11/2018)

>   Tôi đã trưởng thành từ thị trường chứng khoán như thế! (23/11/2018)

>   Tôi đã bị đội lái “úp bô” như thế nào? (19/03/2019)

>   Giấc mơ đổi đời (28/11/2018)

>   Bùng học bám sàn, tốt hay xấu? (26/11/2018)

>   Chứng khoán với cuộc sống người nghỉ hưu (21/11/2018)

>   Góc nhìn tuần 19/11-23/11: Hồi trong xu hướng giảm? (18/11/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật