Kinh tế Pháp thiệt hại nặng vì phong trào biểu tình "áo vàng"
Biểu tình diễn ra vào đúng mùa nghỉ lễ và mua sắm cuối năm có thể sẽ trở thành một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Pháp...
Biểu tình dưới chân Khải hoàn môn ở Paris hôm 1/12 - Ảnh: Reuters.
|
Mới diễn ra trong 3 tuần nhưng phong trào biểu tình mang tên "áo vàng" đã gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế Pháp.
Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Bruno Le Maire phát biểu đầu tuần này cho biết doanh thu của các cửa hàng, khách sạn và nhà hàng ở nước này, đặc biệt là ở thủ đô Paris, đã sụt giảm mạnh.
Sau một cuộc gặp với các hiệp hội kinh doanh, ông Le Maire cho hay các ngành kinh doanh nhà hàng, khách sạn và bán lẻ ở Pháp thiệt hại doanh thu khoảng 15-50% trong 3 tuần qua.
Trong đó, doanh thu của các nhà bán lẻ nhỏ giảm 20-40%, còn ngành khách sạn chứng kiến lượng đặt phòng giảm 15-25%. Các nhà hàng chịu mức doanh thu sụt giảm 20-50% tùy theo địa điểm.
Bắt đầu vào hôm 17/11 nhằm phản đối chính sách tăng thuế xăng dầu của chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron, phong trào biểu tình trên đã phát triển và lan rộng thành một phong trào phản đối ông Macron. Đối mặt với làn sóng biểu tình này, Chính phủ Pháp ngày 4/12 đã tuyên bố hoãn 6 tháng kế hoạch tăng thuế xăng dầu.
Hiện Bộ Tài chính Pháp chưa đưa ra con số về mức độ ảnh hưởng của biểu tình đối với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, việc biểu tình diễn ra vào đúng mùa nghỉ lễ và mua sắm cuối năm có thể sẽ trở thành một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Pháp.
Một số hãng bán lẻ như Casino cho biết lượng khách truy cập vào trang web của họ để mua hàng hóa đã tăng mạnh vì người tiêu dùng không muốn ra đường khi có biểu tình hoặc do các nhóm biểu tình đứng chắn ngoài cửa hiệu.
Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Niesel, trong ba đợt cuối tuần có biểu tình kể từ ngày 17/11, doanh thu của các siêu thị Pháp đều sụt mạnh. Trong đó, doanh thu hôm 17/11 sụt 35%, còn doanh thu hôm 24/11 sụt 18%. Điều đáng nói là sau khi sụt giảm, mức doanh thu của các siêu thị không phục hồi được là bao.
Trong dịp cuối tuần vừa rồi, khi "kinh đô ánh sáng" Paris rơi vào tình trạng hỗn loạn, du khách cảm thấy bị sốc và nhiều người quyết định rút ngắn chuyến thăm. Nhiều cửa hiệu trên đại lộ Champs Elysees và khu trung tâm của Paris, gồm Apple Store và các cửa hiệu xa xỉ như Dior và Chanel, bị đập vỡ cửa kính. Một số cửa hiệu thậm chí còn bị cướp hàng hóa.
Các hãng đồ hiệu như SMCP, Hermes và LVMH vốn phụ thuộc nhiều vào du khách nước ngoài thăm Paris trong mùa Giáng sinh nhiều khả năng sẽ chịu thiệt hại lớn - một báo cáo của Berenberg nhận định.
Ảnh hưởng kinh tế của phong trào biểu tình có thể kéo dài qua mùa nghỉ lễ cuối năm nay.
UMIH, một tổ chức của ngành khách sạn Pháp, cho biết một số khách sạn ở Paris đang chứng kiến tỷ lệ hủy đặt phòng từ 20-50%, trong khi tỷ lệ đặt phòng giảm 10-15%.
Làn sóng biểu tình cũng đã nhằm vào hạ tầng đường xá của nước Pháp, đặt ra nguy cơ ảnh hưởng nữa đến nền kinh tế.
Vinci Autoroute, công ty quản lý đường bộ lớn nhất của Pháp, cho biết người biểu tình đã dựng lên hàng chục hàng rào chắn đường và ép mở cửa các trạm thu phí. Hãng dầu lửa Total nói 75 trong số 2.200 trạm xăng của nước này ở Pháp đã hết xăng để bán vì người biểu tình chặn việc tiếp xăng dầu cho các trạm.
BÌNH MINH
VNECONOMY
|