Đâu là kẻ thắng, người thua từ cuộc chiến thương mại?
Khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, tình trạng gián đoạn trong ngắn hạn là điều có thể diễn ra ở châu Á – nhưng cũng có các quốc gia hưởng lợi trong dài hạn. Đây là nhận định từ Nick Marro của The Economist Intelligence Unit.
Lý giải về nhận định trên, ông Marro, Chuyên gia phân tích tại The Economist Intelligence Unit (EIU), cho hay nguyên nhân chủ yếu là do chuỗi cung ứng ở châu Á “gắn kết quá chặt chẽ”. Ông nói thêm: “Là kết quả của cuộc chiến thương mại, chúng tôi kỳ vọng sẽ có sự thay đổi sâu rộng trong ngắn hạn ở khu vực này”.
Marro cũng xác định 3 ngành chính mà ông cho là “chiến trường” cho cuộc chiến thương mại: Công nghệ, xe hơi và nông nghiệp.
Các quốc gia như Việt Nam, Malaysia và Thái Lan có thể hưởng lợi trong dài hạn ở một vài lĩnh vực, bao gồm công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cũng như xe hơi, ông Marro nhận định.
Những quốc gia hưởng lợi trong lĩnh vực công nghệ
Việt Nam và Malaysia có thể hưởng lợi nhiều nhất từ sự leo thang căng thương thương mại, nhất là trong các ngành sản xuất các sản phẩm công nghệ cấp thấp, như “các linh kiện trung gian và các hàng hóa tiêu dùng như điện thoại di động và máy tính xách tay (laptop)”, theo một báo cáo từ EIU.
Lĩnh vực giữ vai trò vô cùng trung tâm trong cuộc chiến thương mại là công nghệ, ông Marro cho hay.
“Phần lớn hàng rào thuế quan được áp lên các linh kiện điện tử và máy móc, chúng tôi dự báo cuộc chiến thuế quan sẽ tiếp tục leo thang và cuối cùng sẽ bao gồm cả các thành phẩm cuối cùng – như điện thoại di động và laptop”, ông nói.
Lĩnh vực công nghệ đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến thương mại vì các linh kiện điện tử và các hàng hóa liên quan là “nhóm sản phẩm được Mỹ nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc” và Washington muốn kìm hãm chương trình “Sản xuất ở Trung Quốc 2025” – một sáng kiến tập trung vào thúc đẩy các lĩnh vực công nghệ cao.
Những quốc gia hưởng lợi trong lĩnh vực xe hơi
Việc Mỹ áp hàng rào thuế quan lên các phụ tùng xe hơi Trung Quốc sẽ dẫn tới sự điều chỉnh trong chuỗi cung ứng và các khoản đầu tư, qua đó tạo lợi ích cho một số quốc gia như Thái Lan và Malaysia.
“Mỹ là quốc gia sử dụng nhiều phụ tùng xe hơi nhất trên thế giới và họ đã áp hàng rào thuế quan lên phụ tùng xe hơi – một yếu tố sẽ tác động nặng nề tới các công ty sản xuất Trung Quốc”, Marro lý giải.
Kết quả là dẫn tới “việc tái đa dạng hóa đầu tư, điều chỉnh chuỗi cung ứng ở một số quốc gia láng giềng của Trung Quốc”, ông nhận định.
Ngành xe hơi Thái Lan có thể hưởng lợi nhờ mối liên kết thương mại đa dạng với Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia khác thuộc khối ASEAN. Nhờ đó, các nhà sản xuất phụ tùng xe hơi trong nước có khả năng chiếm thêm thị phần từ các đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc, theo báo cáo của EIU.
Malaysia có hơn 800 công ty sản xuất phụ tùng xe hơi và một mạng lưới xuất khẩu phụ tùng xe hơi đa dạng – đây sẽ là một lợi thế khổng lồ cho nước này.
Những quốc gia châu Á bị thua thiệt
Sự gián đoạn ở châu Á xuất phát từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là không thể tránh khỏi, ông Marro cho hay.
Các quốc gia trong khu vực – vốn phụ thuộc nhiều vào việc xuất khẩu hàng hóa tới Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore – có thể bị thua thiệt một chút trong ngắn hạn, ông nói thêm.
Báo cáo từ EIU có đoạn: “Trung Quốc là điểm đến chính của các sản phẩm ICT trung gian và cuối cùng của tất cả 4 quốc gia trên, điều này có nghĩa là các quốc gia trong lĩnh vực này sẽ bị tác động mạnh bởi hàng rào thuế quan”.
Ngoài ra, còn có những hậu quả trong dài hạn khi các công ty có thể quyết định đa dạng hóa và không còn phụ thuộc vào Trung Quốc nữa, ông Marro cho biết.
Tuy nhiên, Đài Loan và Hàn Quốc có thể được bảo vệ phần nào trước tác động của hàng rào thuế quan, khi hai quốc gia này có vị trí an toàn trong chuỗi cung ứng vì họ chuyên môn hóa về các thiết bị có độ chính xác cao.
Mỹ và Trung Quốc hiện đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại, trong đó cả hai quốc gia đã áp thêm thuế lên hàng hóa lẫn nhau trong vài tháng qua. Cụ thể, Mỹ đã áp thêm thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và thậm chí, Tổng thống Mỹ còn đe dọa áp thuế lên toàn bộ lượng hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc. Đáp trả lại, Bắc Kinh áp thêm thuế lên 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Cuối tháng này, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình, sẽ gặp gỡ tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina và đây sẽ là một sự kiện rất quan trọng, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Wang Yi, cho biết trong ngày thứ Năm (08/11).
“Bên Trung Quốc sẵn sàng bàn luận với Mỹ về các vấn đề của nhau và tìm kiếm một giải pháp thương mại có thể chấp nhận được đối với cả đôi bên”, ông Wang Qishan, Phó Chủ tịch Trung Quốc, nói với hơn 400 nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị gia tại Diễn đàn Kinh tế Mới của Bloomberg. “Trung Quốc sẽ vẫn giữ bình tĩnh, đầu óc tỉnh táo và tăng độ mở để đạt được lợi ích và kết quả mà cả hai cùng có lợi”.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|