Campuchia: Các ngân hàng phải đạt mức tối thiểu 10% cho vay bằng đồng Riel
Các ngân hàng thương mại Campuchia hiện đang ưu tiên hơn trong việc cho các tổ chức tài chính vi mô (MFI) vay bằng đồng Riel khi họ đang tăng tốc để nâng tỷ lệ cho vay bằng đồng Riel trong danh mục cho vay đạt mức tối thiểu 10% trước thời điểm kết thúc năm 2019, Phnom Penh Post cho hay.
Động thái này của các ngân hàng đồng thời cũng thể hiện sự tuân thủ của họ theo yêu cầu mới của Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC) đã được công bố hồi tháng 12/2016. Theo đó, hồi cuối năm 2016, NBC đã ban hành một chỉ chị yêu cầu tất cả các ngân hàng và các MFI phải đạt được mức tối thiểu là 10% tỷ lệ cho vay bằng đồng Riel trong danh mục cho vay của họ. Theo chỉ thị này, thời hạn để các ngân hàng thương mại đáp ứng tỷ lệ tối thiểu trên là đến cuối năm 2019.
Đối với các ngân hàng nước ngoài, một số ngân hàng được phỏng vấn gần đây cho biết, hiện họ mới đạt được tỷ lệ cho vay bằng đồng Riel trong danh mục cho vay của họ ở mức dưới 5% mà thôi.
Tuy nhiên, các ngân hàng này vẫn tỏ ra lạc quan về khả năng đáp ứng quy định của Ngân hàng Trung ương trong năm tới khi họ xem các MFI chính là những kháxch hàng mục tiêu của mình để gia tăng tỷ lệ cho vay bằng đồng Riel.
Theo Tổng Giám đốc Han Peng Kwang của Phillip Bank, từ điểm xuất phát là 0, ngân hàng này đã xây dựng được 1% tỷ lệ cho vay bằng đồng Riel trong danh mục cho vay của mình kể từ khi NBC ban hành chỉ thị. Ông Han Peng Kwang cho biết, Phillip Bank sẽ đáp ứng được yêu của của NBC vào tháng 12 năm tới và đối với ngân hàng này, khách hàng tiềm năng chính là những khách hàng vay thuộc lĩnh vực MFI, như các tổ chức tài chính vi mô nhận tiền gửi (MDI), các MFI và các nhà điều hành tín dụng nông thôn.
Ông nói: “Chúng tôi hiểu rằng giao dịch bằng đồng Riel khá phổ biến và dễ được người dân ở các tỉnh và các vùng nông thôn chấp nhận và họ cũng chuộng các khoản vay bằng đồng Riel hơn”.
Riêng đối với Phnom Phenh, theo ông Han, đa số khách hàng vay ở đây vẫn thích vay USD hơn Riel dù rằng đã có một số người chấp nhận vay một phần trong khoản vay của họ bằng đồng Riel.
Tại phiên họp giữa ngành ngân hàng và đại diện của NBC diễn ra hồi cuối năm ngoái, các ngân hàng thương mại tại Campuchia, đa số là các ngân hàng nước ngoài, cho biết, yêu cầu đạt mức tối thiểu 10% tỷ lệ cho vay bằng đồng Riel trong danh mục cho vay là một thách thức đối với họ do đa số khách hàng của họ đều rất ưa chuộng gửi và vay tiền bằng ngoại tệ.
Cũng tại phiên họp này, những người trong ngành cho rằng, chỉ khoảng 2% danh mục cho vay trong lĩnh vực ngân hàng được thực hiện bằng đồng Riel, trong đó Ngân hàng Acleda và các MFI chiếm đa số trong các khoản cho vay bằng đồng nội tệ đó.
Đối với PPCBank, Chủ tịch Chang Moo Shin cho biết, các khoản cho vay được thực hiện bằng đồng Riel của ngân hàng này đạt không tới 5% trong số 570 triệu USD tổng dư nợ.
Khi đã đi được “nửa giữa chặng đường” này, thông qua việc thúc đẩy các khoản cho vay trực tiếp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và các khoản cho vay gián tiếp thông qua các MFI, ông Chang Moo Shin kỳ vọng PPCBank sẽ đạt được mức yêu cầu 10% vào cuối năm tới.
Giám đốc điều hành Yun Sovanna của Hiệp hội Tài chính vi mô Campuchia (CMA) gần đây cũng đã xác nhận, hiện ngày càng có nhiều MFI có thể tiếp cận các khoản cho vay bằng đồng Riel từ các ngân hàng hơn so với trước đây.
Ông nói: “Việc có nhiều các khoản cho vay bằng đồng Riel theo các thời hạn khá hơn là một bước tiến triển tích cực do Riel thường đắc đỏ hơn so với USD. Đồng Riel cũng thích hợp với đồng tiền thu nhập của khách hàng vay và chính vì thế nên thúc đẩy các giao dịch đồng nội tê.
Ông Yun Sovanna nói thêm, cần có nhiều ưu đãi dành cho những khách hàng vay đồng nội tệ, đặc biệt là những khách hàng là các SME và khách hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Đỗ Thảo (Theo Phnom Penh Post)
FILI
|