Myanmar: Biến động tỷ giá hối đoái khiến lạm phát ngày một gia tăng
Người dân Myanmar đang bắt đầu bị ảnh hưởng trước tình trạng suy yếu của đồng nội tệ. Hơn 2 tháng qua, tại thị trường nội địa của Myanmar, giá thực phẩm và hàng hóa, đặc biệt là giá cả các mặt hàng nhiên liệu, hàng điện tử, thiết bị kỹ thuật và hàng nhập khẩu, đã tăng đáng kể do xu hướng tăng trưởng của USD so với đồng Kyat (MMK), The Myanmar Times đưa tin.
Kể từ 02/07 đến 11/09, tỷ giá tham chiếu do Ngân hàng Trung ương Myanmar (CBM) công bố đã tăng hơn 9% lên mức 1,542 Kyat và dẫn đến hậu quả là giá xăng, mặt hàng đa phần được nhập khẩu, đã tăng thêm từ 10-15%.
Nhận xét về xu hướng tăng giá cả này, nhà kinh tế Dr Aung Ko Ko cho rằng: “Giá trị của đồng Kyat đang giảm hơn mức bình thường, vì thế giá cả của các mặt hàng nhập khẩu chính như nhiên liệu và thuốc đều trở nên đắc đỏ hơn. Điều đó cũng có nghĩa rằng, giá cả của các mặt hàng trong nước cũng tăng theo”.
U Nay Lin Zin, một thương nhân trong nước cho rằng: “Tình trạng này đang diễn ra trên toàn cầu do giá trị của đồng USD ngày một gia tăng. Thế nhưng, đối với các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu như Myanmar, thì sự tác động này càng trở nên tệ hại hơn. Cần phải có một giải pháp cho vấn đề này, nếu không, nhiều vấn đề khác nữa sẽ phát sinh khi giao dịch diễn ra”.
Lạm phát tăng dần
Thực tế, tỷ lệ lạm phát tại Myanmar đã leo dốc kể từ hồi tháng 6, khoảng 1 tháng sau khi USD bắt đầu tăng. Theo báo cáo của Tổ chức Thống kê Trung ương (CSO), tỷ lệ lạm phát hàng năm đã tăng từ mức 6.45% hồi tháng 6 lên 7.56% trong tháng 7.
Các chỉ số giá tiêu dùng lõi của CSO chủ yếu dựa vào giá cả nhiên liệu và sản phẩm thực phẩm. Theo báo cáo của CSO, giá cả của những thực phẩm cơ bản như gạo, thịt, cá, dầu ăn và rau củ trong tháng 7 đã tăng 1.69% so với giá của tháng 6. Ngoài ra, giá xăng dầu và cước taxi cũng như cước dịch vụ vận tải cũng đã tăng theo kể từ đó.
CSO lưu ý, nguyên nhân chính khiến lạm phát gia tăng là do tỷ giá USD cao thúc đẩy giá cả các mặt hàng nhập khẩu.
Bên cạnh đó, hồi tháng 4, Chính phủ Myanmar cũng đã quyết định nâng thêm 20% lương cho người lao động. Nguồn tiền tăng thêm này rót vào nền kinh tế cũng là một yếu tố thúc đẩy lạm phát cao hơn. Đề cập đến vấn đề này, Dr Naing Ko Ko cho rằng: “Nếu như có quá nhiều tiền được lưu thông trong nền kinh tế trong nước thì sẽ dẫn đến tình trạng lạm phát”.
Tuy nhiên, Chính phủ đòi hỏi phải theo dõi tình trạng lạm phát ít nhất 3 tháng trước khi đưa ra chính sách để kiểm soát chúng. Ông Dr Naing Ko Ko nói: “Các nhà làm chính sách cần có chút thời gian để theo dõi và nghiên cứu trước khi áp dụng các chính sách, thế nên lạm phát không thể giải quyết ngay tức thời được”.
Giải pháp của CBM
Được xem như một giải pháp ngắn hạn trước tình trạng biến động tỷ giá, kể từ tháng 7, CBM đã bơm hàng triệu USD vào nền kinh tế. Ngoài ra, họ cũng đã phân bổ các khoản cho vay bằng USD trong khi sử dụng Kyat làm tài sản đảm bảo.
Bên cạnh đó, hôm 19/08, CBM cũng đã đưa ra cơ sở hoán đổi đầu tiên để thực hiện giao dịch hoán đổi giữa CBM và các ngân hàng trong nước. Theo cơ sở hoán đổi mới này, các ngân hàng tư nhân sẽ ký gửi đồng nội tệ tại Ngân hàng Trung ương để đổi lấy giá trị tương đương bằng USD sau 14 ngày hoặc sau một tháng tại một mức lãi suất được thỏa thuận trước.
Tuy nhiên, theo ông Dr Aung Ko Ko, vấn đề tỷ giá không thể được giải quyết đơn giản bằng phương pháp hoán đổi này mà cần phải làm nhiều thứ hơn nữa mới có thể bình ổn được đồng Kyat và kiểm soát lạm phát.
Trong chuỗi các giải pháp được thực hiện để bình ổn tỷ giá, CBM cũng đã gỡ bỏ biên độ giao dịch tỷ giá +/ - 0.8% so với tỷ giá tham chiếu của mình (biên độ tỷ giá mà theo đó các ngân hàng cũng như các đơn vị quy đổi tiền tệ được phép thực hiện các giao dịch ngoại tệ), chủ yếu nhằm cho phép tỷ giá ngoại hối được xác định dựa trên lực cung – cầu của thị trường.
Trong khi các nhà chức trách đang vội vàng để thực hiện các giải pháp mà họ cho là hợp lý để quản lý nền kinh tế thì người dân Myanmar chắc chắn sẽ phải đối mặt với chi phí sinh hoạt cao hơn trong vài tháng tới.
Đỗ Thảo (Theo The Myanmar Times)
FILI
|