Kinh tế Myanmar: Dù tăng trưởng nhưng vẫn còn bất ổn
Theo báo cáo khảo sát tình hình kinh tế Myanmar (MEM) của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố gần đây, dù xu hướng tăng trưởng mạnh và viễn cảnh kinh tế có thuận lợi nhưng nền kinh tế Myanmar vẫn đối mặt với một số mối nguy có khả năng tác động đến niềm tin thương mại và làm lệch đi xu hướng phát triển trong tương lai nếu như các mối nguy này không được giải quyết, The Myanmar Times đưa tin.
Báo cáo của WB cho biết, nền kinh tế Myarmar đã diễn biến khả quan hơn trong năm tài khóa 2017 – 2018 mặc dù bất ổn trong nước và trên thế giới đang gia tăng và phần nào bù đắp được xu hướng tăng trưởng chậm trong tài khóa 2016 – 2017. Theo ước tính, Myanmar đã đạt được xu hướng gia tăng về thu nhập quốc gia, lạm phát thấp hơn trong khi cán cân đối ngoại và cán cân tài chính có dấu hiệu cải thiện. Bên cạnh đó, đồng nội tệ của Myanmar (Kyat) tăng nhẹ trong suốt năm tài khóa 2017 – 2018 nhờ gia tăng xuất khẩu và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước tính tăng 6.4% trong tài khóa 2017 – 2018 từ mức 5.9% trong năm 2016 – 2017. Theo WB, xu hướng tăng trưởng này được thúc đẩy nhờ sự phục hồi trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là trồng trọt, sản xuất phát triển và tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực dịch vụ dù có dấu hiệu giảm nhẹ do tác động từ những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng và du lịch.
Theo báo cáo, viễn cảnh kinh tế khả quan với mức tăng trưởng được kỳ vọng đạt 6.8% trong năm 2018 – 2019. Lạm phát kỳ vọng sẽ giảm về mức 5.5% trong năm 2017 – 2018 từ mức 7% và tiếp tục giảm còn 4.9% trong năm 2018 – 2019.
Thành viên của WB, bà Ellen Goldstein nhận xét: “Xu hướng cải thiện và gia tăng về tình hình kinh tế vĩ mô của Myanmar là khá đáng khích lệ. Chính phủ cũng đang hoàn thiện Kế hoạch phát triển Mynamar bền vững và chúng tôi hy vọng kế hoạch này sẽ đóng vai trò như một nền tảng để gia tăng các cải cách kinh tế, hiện đại hóa lĩnh vực tài chính và đẩy mạnh quá trình giải quyết những xung đột có nguy cơ tác động đến tăng trưởng bền vững và toàn diện”.
Theo giải thích của ông Hans Anand Beck, kinh tế gia hàng đầu của WB tại Myanmar: “Để duy trì đà diễn biến tích cực đối với nền kinh tế Myanmar giữa bối cảnh các mối nguy ngày một gia tăng, cần có hoạt động đầu tư công được định hướng tốt và hoạt động của lĩnh vực tư nhân, được khuyến khích bởi môi trường kinh tế vĩ mô bền vững và sự ổn định về chính sách”.
Bên cạnh đánh giá, dự báo kinh tế thường xuyên, báo cáo của WB còn có nội dung liên quan đến phân tích thực tế sâu hơn về những cải cách để hỗ trợ tăng trưởng toàn diện. Một số giải pháp cũng được đề xuất nhằm để thúc đẩy đầu tư, trong đó bao gồm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Được biết, MEM của WB định kỳ phân tích tình hình phát triển kinh tế, các dự báo kinh tế và những ưu tiên về chính sách tại Myanmar. MEM này dựa trên các dữ liệu sẵn có mà cơ quan nhà nước đã báo cáo và các thông tin bổ sung thu thập được từ khảo sát kinh tế thường xuyên cũng như các buổi thảo luận về chính sách của WB về Myanmar.
Đỗ Thảo (Theo The Myanmar Times)
FILI
|