Đề xuất liên thông bảo hiểm xã hội giữa 5 nước ASEAN
Cần có sự liên thông bảo hiểm xã hội giữa 5 nước: Campuchia, Lào, Myanma, Thái Lan, Việt Nam. Đề xuất này đã đưa ra tại tại Hội nghị quan chức cấp cao về hợp tác lao động Campuchia-Lào-Myanma-Thailand và Việt Nam (CLMTV) lần thứ 4 với chủ đề "An sinh xã hội: Tính liên thông của bảo hiểm xã hội cho người lao động di cư trong CLMTV" do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam đăng cai tổ chức ngày 20/8 - 21/8 tại Hà Nội.
Liên thông bảo hiểm xã hội đảm bảo quyền lợi lao động di cư.
|
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, trong những năm vừa qua, hợp tác giữa các nước CLMTV không ngừng được mở rộng thông qua các diễn đàn mở đã, đang và sẽ nhanh chóng giúp 5 nước đạt được mục tiêu trên, đồng thời nâng cao vai trò của 5 nước với tư cách là các thành viên tích cực, có trách nhiệm của một mái nhà chung ASEAN. Không chỉ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống như kinh tế, du lịch, các nước CLMTV không ngừng tăng cường hợp tác trong lĩnh vực lao động - việc làm.
Với đặc điểm địa lý chung đường biên giới, di cư lao động qua biên giới là một trong những ưu tiên lớn trong hợp tác CLMTV, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế giữa các nước đã thúc đẩy người dân tại các tỉnh dọc biên giới không ngừng di cư sang quốc gia lân cận tìm kiếm việc làm và đa phần trong số họ là lao động phổ thông.
Để quản lý tốt và đảm bảo quyền lợi cho lao động di cư, đặc biệt lao động di cư qua biên giới giữa các nước CLMTV, 5 quốc gia thanh viên đã cùng họp bàn về việc liên thông các chính sách bảo hiểm xã hội.
"Chủ đề lần này của hội nghị cũng phù hợp với ưu tiên đảm bảo an sinh xã hội trong đó có đảm bảo việc đóng và hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động di cư trước bối cảnh lao động di cư đang ngày càng gia tăng giữa 5 nước", ông Diệp nhấn mạnh.
Nói về tình hình lao động di cư trong khu vực cũng như việc phê chuẩn các Công ước và Khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế liên quan tới an sinh xã hội bao gồm bảo hiểm xã hội cho người lao động di cư thông qua phần trình bày của chuyên gia khu vực của ILO, ông Markus Ruck, chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhận định, mặc dù tác động kinh tế của di cư lao động là đáng kể, vấn đề an sinh xã hội cho người lao động di cư nói chung còn ít được quan tâm, một phần là do các quy định lỏng lẻo trong hệ thống. Ngoài ra, nguyên nhân còn do thiết các hợp tác song phương về an sinh xã hội.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, mặc dù không có số liệu lao động Việt Nam di cư hàng năm nhưng ước tính có hơn 76.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại các quốc gia trong CLMTV. Ông Trần Hải Nam, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện có khoảng 50.000 người Việt đang làm việc tại Thái Lan, 20.000 người làm việc tại Lào, 6.000 người làm việc tại Campuchia.
"Lao động di cư đi làm việc sang Thái Lan, Campuchia, Lào chủ yếu là đi tự do theo hình thức cá nhân. Số còn lại đi theo các công trình nhận thầu, trúng thầu, đầu tư," ông Trần Hải Nam nói.
Hiện nay tại Việt Nam, lao động nhập cư từ CLMTV có khoảng hơn 1.000 người, trong đó chủ yếu là lao động Thái Lan với 950 người, Myanmar 25 người, Campuchia 25 người, Lào 9 người. Số lao động này hầu hết đã được cấp giấy phép lao động, chủ yếu làm việc tại các vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật.
Trước đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có dự thảo về thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, mới chỉ ở Dự thảo, quy định này đã khiến cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài lo ngại doanh nghiệp bị tăng chi phí và người lao động phải đóng loại phí này hai lần. Kiến nghị của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) trong cuốn Sách Trắng 2018 đã cho rằng: Việt Nam chưa ký kết bất cứ hiệp định song phương nào với các quốc gia khác liên quan đến việc thừa nhận đóng bảo hiểm xã hội. Nếu không có những hiệp định song phương này, người lao động nước ngoài tại Việt Nam có thể bị đánh thuế bảo hiểm xã hội hai lần.
Trên thực tế, quy định mức đóng bảo hiểm xã hội hiện nay quá cao, sẽ làm tăng chi phí lớn đối với những doanh nghiệp sử dụng hàng trăm hoặc hàng nghìn lao động nước ngoài tại Việt Nam. Do đó, Eurocham cũng kiến nghị giảm mức đóng bảo hiểm xã hội cho đối tượng doanh nghiệp này.
Ngoài ra, cần đánh giá tác động của thủ tục hành chính khi áp dụng từng chế độ bảo hiểm xã hội để tạo điều kiện thực hiện cho cơ quan thi hành, người lao động nước ngoài và sử dụng lao động. Không chỉ Eurocham, trước đó, nhiều hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cũng kiến nghị về quy định này và cho đây là quy định sẽ làm tăng chi phí kinh doanh của họ tại Việt Nam.
Khẳng định, để đảm người lao động không phải đóng 2 lần bảo hiểm xã hội, ông Trần Hải Nam cho hay, Việt Nam tăng cường ký kết các Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa các nước, tiến tới ký kết các Hiệp dịnh đa phương; mở rộng các hình thức toán toán để người lao động có thể nhận được lợi ích từ các chế độ an sinh xã hội. Hiện Việt Nam đã kết thúc đàm phán Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội với Đức và Hàn Quốc; chuẩn bị xúc tiến đàm phán cấp cao với Nhật Bản.
Dũng Hiếu
VNEconomy
|