Myanmar cần ít nhất hơn 5 năm để trở thành một nền kinh tế phi tiền mặt
Nền kinh tế phụ thuộc vào tiền mặt của Myanmar đã trở thành một gánh nặng cho các két sắt của Chính phủ trong những năm gần đây, điều đó đòi hỏi có một sự thừa nhận rộng rãi về một hệ thống thanh toán điện tử trong nền kinh tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phải cần ít nhất hơn 5 năm để Myanmar có được một xã hội không tiền mặt, theo The Myanmar Times.
U Zaw Lin Htut, CEO của Hiệp hội Thanh toán Myanmar (MPU), cho rằng: “Chính phủ Myanmar phải tốn kém chi phí để in tiền giấy, sản xuất ra các đồng tiền xu và đây là một số lượng khá lớn. Bên cạnh đó, Myanmar cũng gánh thêm các khoản chi phí khác liên quan đến việc chuyển tiền giữa các ngân hàng khác nhau trong khắp cả nước”.
Trong khi đó, ngày càng phát sinh thêm nhiều khó khăn cho Chính phủ trong việc theo dõi khối lượng dòng tiền mặt ngày một gia tăng liên quan đến các vấn đề về thuế và phí cấp phép diễn ra tại các cơ quan nhà nước. U Zaw Lin Htut nói: “Tất cả điều đó dẫn đến những trường hợp không cần thiết liên quan đến tham nhũng. Đối với người dân, tiền giả và tiền rách cũng là một vấn đề mà họ phải đối mặt”.
Vì lẽ đó, theo nhà kinh tế Dr Naing Koko, việc quan trọng đối với Myanmar là cần có một hệ thống thanh toán điện tử. Ông nói: “Phụ thuộc vào việc chúng ta có thể hiện thực hóa điều đó sớm ra sao, đó sẽ là một bước khởi đầu cho một làn sóng phát triển và tăng trưởng trong nền kinh tế. Đây là những gì diễn ra ở nhiều nước khác mà chúng ta đã chứng kiến.
Áp dụng phương thức thanh toán không tiền mặt
Dù quá trình tiến triển chậm nhưng không có nghĩa rằng Myanmar “thờ ơ” với cánh cửa cửa công nghệ. Những việc đầu tiên đã bắt đầu diễn ra vào năm 2012, khi các ngân hàng trong nước được phép phân phối thẻ ATM MPU cho khách hàng của họ.
Kể từ đó, các ngân hàng đó cũng đã tung ra các dịch vụ thanh toán điện tử khác như CB Pay, KBZ Pay, AGD Pay và Ngân hàng di động MAB để giúp hoạt động thanh toán diễn ra thuận lợi và hiệu quả hơn. Trong khi đó, khá nhiều nhà hoạt động tiền di động như Wave Money, M-Pitesan, TrueMoney và OK Dollar cũng đã xuất hiện.
Tuy nhiên, tỷ lệ thừa nhận hệ thống thanh toán điện tử ngoài khu vực Yangon còn khá thấp. Hiện nay, chỉ có những cơ sở giao dịch với khách du lịch đã áp dụng phương thức thanh toán điện tử, đó là những khách sạn 5 sao, các trung tâm thương mại, các chuỗi siêu thị như City Mart, các nhà hàng và các cơ quan du lịch. Được biết, có đến 90% các cửa hàng tại chợ Bogyoke của Yangon cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử.
Gần đây hơn, các cơ quan nhà nước cũng bắt đầu áp dụng hình thức thanh toán điện tử. Chẳng hạn, hồi đầu tháng 8, Cục Quản lý Doanh nghiệp và Đầu tư (DICA) đã giới thiệu hệ thống đăng ký doanh nghiệp trực tuyến có tên gọi “MyCo” để các doanh nghiệp thực hiện đăng ký và trả phí trên đó. Được biết, thông qua hệ thống MyCo này, DICA đã thu được hơn 100 triệu Kyat phí đăng ký trong tháng 8 vừa qua.
Hiện nay, Bộ Lao động, Nhập cư và Dân Số đang chuẩn bị triển khai một hệ thống để tiến hành cấp thẻ chứng minh nhân dân bằng hình thức trực tuyến. Trong khi đó, Cục Doanh thu Nội địa cũng dự kiến triển khai một hệ thống điện tử để người đóng thuế nộp thuế qua mạng.
Ngoài được triển khai tại các tổ chức, cơ quan, hệ thống thanh toán qua thẻ cũng được cơ quan quản lý khu vực Yangon áp dụng để thu tiền vé xe buýt kể từ đầu năm nay.
Cần ít nhất hơn 5 năm nữa
Tuy các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đã và đang dần được triển khai và đưa vào áp dụng tại Myanmar, song đây chỉ là bề nổi của tảng băng mà thôi. Hiện vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được triển khai trong khắp cả nước.
Daw Khin Ma Ma Moe, Phó chủ tịch Phòng tiếp thị của Ngân hàng Nông nghiệp Myanmar cho rằng: “Người dân ở đây thích giữ tiền mặt và họ không tin tưởng vào công nghệ. Đây là một truyền thống khó thay đổi. Chúng ta cần thay đổi quan niệm này và thuyết phục người dân rằng công nghệ sẽ giúp hoạt động thanh toán thuận lợi hơn”.
Và theo ông U Zayar Aung, Trưởng phòng phát hành thẻ của Ngân hàng CB, trên thực tế, Myanmar phải cần ít nhất hơn 5 năm nữa để khái niệm thanh toán điện tử được chấp nhận rộng rãi. Ông nói: “Cần phải có thời gian để xây dựng được niềm tin của người dân”.
Ngoài khó khăn do nhận thức truyền thống của người dân thì các ngân hàng tại Myanmar còn vướng phải thách thức trong việc triển khai các dịch vụ thanh toán điện tử, chẳng hạn việc đầu tư vào công nghệ hợp lý. U Than Lwin, Cố vấn cấp cao của KBZ Bank cho rằng: “Phải tốn kém rất nhiều chi phí để hỗ trợ cho những nhu cầu công nghệ đó và không giống với các quốc gia khác, các ngân hàng trong nước không thể chi ra hàng triệu USD để đầu tư vào phần mềm. Còn có rất nhiều những yếu tố khác như các dịch vụ mạng lan và nguồn cung điện. Tất cả các ngân hàng đều phụ thuộc vào các nhà máy phát điện do điện không có sẵn. Vì thế, thật sự sẽ tốn kém rất nhiều chi phí để thực hiện hệ thống thanh toán điện tử ở đây. Các ngân hàng trong nước đã và đang làm việc trước rất nhiều thách thức, nên quá trình này sẽ diễn ra khá chậm chạp”.
Tuy nhiên, ông U Zayar Aung của Ngân hàng CB cho rằng, quá trình này có thể sẽ diễn ra nhanh hơn nếu như Chính phủ quyết tâm. Ông nói: “Chẳng hạn như ở Ấn Độ, Chính phủ đã cho dừng hẳn việc lưu thông một lượng lớn tiền giấy và chúng đã được chuyển vào thẻ ngân hàng. Do chỉ có một lượng nhỏ tiền giấy được chấp nhận nên cuối cùng người dân phải ngưng sử dụng tiền giấy để giao dịch và chuyển sang áp dụng một hệ thống không tiền mặt”.
U Zaw Lin Htut của MPU nói thêm: “Để thực hiện một nền văn hóa không tiền mặt, mọi người, kể cả người dân ở các vùng nông thôn, phải đồng lòng. Vì thế, Chính phủ cần có chính sách hợp lý. Ví dụ, nếu có các quy tắc quy định rằng phương thức thanh toán thẻ được chấp nhận trong quá trình phê duyệt cấp phép kinh doanh, thì việc dịch chuyển từ sử dụng tiền mặt có thể đạt được mục đích nhanh hơn nhiều”.
Nhìn chung, việc giảm sử dụng tiền mặt có lợi cho cả Chính phủ và người dân đồng thời cũng giúp phát triển các doanh nghiệp. Thế nhưng, sự tin tưởng của người dân, hỗ trợ từ phía Chính phủ cũng như sự tiếp cận nguồn điện và internet tốt hơn là rất cần thiết để duy trì sự thúc đẩy Myanmar trở thành một nền kinh tế không tiền mặt.
Đỗ Thảo
FiLi
|