Myanmar: Vốn FDI có thể đạt 5.8 tỷ USD trong năm tài chính 2018 - 2019
Kỳ vọng Myanmar sẽ thu hút được 5.8 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm tài chính 2018 – 2019 (bắt đầu từ ngày 01/10/2018), Phó tổng giám đốc U Than Aung Kyaw của Cục Quản lý Đầu tư và Doanh nghiệp (DICA) cho biết, The Myanmar Times đưa tin.
Như vậy, kỳ vọng vốn FDI rót vào Myanmar trong năm tài chính tới sẽ không thay đổi nhiều so với năm tài chính 2017 – 2018 (kết thúc vào ngày 31/03/2018). Được biết, trong năm tài chính vừa qua, Myanmar đã thu hút được tổng cộng 5.7 tỷ USD từ 222 dự án. Trong khi đó, trong năm tài chính 2016 - 2017, Myanmar đã thu hút được 6.6 tỷ USD vốn FDI từ 135 dự án.
Ước tính về vốn FDI chảy vào Myanmar cho năm tài chính 2018 – 2019 của DICA được đưa ra trong bối cảnh xu hướng dòng vốn rót vào Myanmar đang giảm dần. Trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 8, Myanmar chỉ thu hút được tổng cộng 1.4 tỷ USD vốn FDI. Trong khi đó, DICA đã dự đoán vốn FDI trong 6 tháng cho giai đoạn chuyển giao giữa tài khóa 2017 – 2018 và 2018 – 2019 (tính từ tháng 4 đến tháng 9/2018) là 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông Than Aung Kyaw cho biết, vốn đầu tư từ các nước châu Á, như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan vẫn không thay đổi. Ông nói: “Bên cạnh đó, với Luật Doanh nghiệp mới chính thức có hiệu lực trong năm tài chính tới, chúng tôi kỳ vọng sẽ chứng kiến xu hướng gia tăng vốn FDI trong các lĩnh vực đang mở cửa là giáo dục và bán lẻ”.
Được biết, dự đoán về vốn FDI cho năm tài chính 2018 – 2019 của Myanmar đã loại trừ dòng vốn từ các nước phương Tây. Hồi tháng 1, Thư ký U Aung Naing Oo của Ủy ban Đầu tư Myanmar từng nói rằng: “Myanmar không mong đợi nhiều khối lượng lớn vốn FDI từ các nước phương Tây trong vòng 2 đến 3 năm tới do ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nhân quyền tại bang Rakhine”.
Đề cập đến vấn đề này, Phó chủ tịch U Maung Maung Lay của Phòng Thương mại và Công nghiệp Myanmar (UMFCCI) nói: “Các nhà đầu tư phương Tây vẫn đang rút vốn khi họ chứng kiến cuộc khủng hoảng nhân quyền đang diễn ra tại phía bắc bang Rakhine. Tính đến nay, chỉ còn các nước châu Á như Nhật Bản và Trung Quốc, vẫn quan tâm thực hiện đầu tư vào Myanmar mà thôi”.
Tuy vậy, UMFCCI sẽ không ngừng nỗ lực để thu hút nhiều vốn FDI hơn vào Myanmar. Bên cạnh đó, ngoài Yangon - nơi thu hút nhiều vốn FDI nhất vào Myanmar hiện nay - UMFCCI cũng nhắm đến việc gia tăng sự quan tâm vào các bang và khu vực khác của Myanmar.
UMFCCI cũng cho biết, họ sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh về đầu tư tại Myanmar vào tháng 1 năm tới với mục đích hướng đến các nhà đầu tư từ 9 quốc gia là Mỹ, Anh, Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Singapore và Thái Lan.
Bên cạnh đó, UMFCCI cũng sẽ xúc tiến đầu tư vào 8 lĩnh vực, gồm sản xuất, may mặc, điện và năng lượng, thực phẩm, du lịch, giáo dục, ý tế và phát triển đất.
Theo Ủy ban Đầu tư Myanmar (MIC), Trong năm tài chính 2017 – 2018, tổng cộng có 28 quốc gia được phê duyệt đầu tư vào Myanmar, tăng so với con số 25 quốc gia trong năm tài chính 2016 – 2017. Trong số đó, Trung Quốc, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh và Mỹ là những nhà đầu tư đứng đầu tại Myanmar.
Khoảng 1/3 vốn đầu tư đã được thực hiện vào lĩnh vực công nghiệp trong khi bất động sản và xây dụng đã thu hút khoảng 22% trong mỗi lĩnh vực.
Đỗ Thảo (Theo The Myanmar Times)
FILI
|