Shanghai Composite tụt 2% sau tuần nghỉ lễ
Thị trường chứng khoán châu Á nhuốm sắc đỏ vào buổi sáng ngày thứ Hai (08/10), trong đó chỉ số chứng khoán Trung Quốc lao dốc hơn 2% sau tuần nghỉ lễ.
Tính tới lúc 9h ngày thứ Hai (08/10 – giờ Việt Nam), chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc lao dốc 57.61 điểm (tương ứng 2.04%), còn Hang Seng của Hồng Kông lùi 22.15 điểm (tương ứng 0.08%).
Thị trường Trung Quốc chuyển biến xấu sau khi PBoC quyết định hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ tư trong năm 2018, khi các nhà hoạch định chính sách tìm cách ổn định tăng trưởng kinh tế.
Theo tuyên bố trên trang web chính thức của PBoC, tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với một số tổ chức cho vay sẽ được giảm 1% và có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2018. Lượng vốn được giải phóng từ quyết định giảm bớt tỷ lệ RRR sẽ được sử dụng để trả lại các khoản vay thông qua công cụ cho vay trung hạn (MLF) 450 tỷ Nhân dân tệ (tương ứng 65.5 tỷ USD) đến hạn vào ngày 15/10/2018, và có thể giải phóng thêm lượng vốn là 750 tỷ Nhân dân tệ.
Trong báo cáo buổi sáng, Mizuho Bank cho biết, quyết định của PBoC làm gia tăng khả năng tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng của các ngân hàng, qua đó hỗ trợ tăng trưởng ngay cả khi các lĩnh vực theo định hướng xuất khẩu chật vật vì các hàng rào thuế quan mới của Mỹ.
Ông Lu Zhengwei, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Industrial Bank Co. Ltd ở Thượng Hải, nhận định, việc sử dụng các đợt cắt giảm tỷ lệ RRR để chi trả lại các khoản vay trung hạn phản ánh lập trường thận trọng và trung lập của Ngân hàng Trung ương. Các đợt cắt giảm này rồi sẽ giúp cải thiện tâm lý thị trường, siết chặt chênh lệch tín dụng (credit spreads) và đẩy mạnh tài trợ cho các doanh nghiệp tư nhân, ông nói thêm.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 9h giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Trên thị trường Australia, chỉ số ASX 200 hạ 51.9 điểm (tương ứng 0.84%), trong đó cổ phiếu Australia & New Zealand Banking Group (ANZ) rớt 2.24% và cổ phiếu Commonwealth Bank (Australia) giảm 0.76%. Cổ phiếu ANZ mất giá sau khi Ngân hàng này cho biết lợi nhuận tiền mặt trong cả năm 2018 “sẽ bị tác động bởi các khoản phí bổ sung để bồi thường cho khách hàng, các khoản khấu hao phần mềm và các khoản đáng chú ý khác”.
Đi ngược với xu hướng chung của thị trường là chỉ số Kospi của Hàn Quốc với mức tăng nhẹ 2.63 điểm (tương ứng 0.12%), với cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao là Samsung Electronics tiến 1%.
Thị trường Nhật Bản tạm ngưng giao dịch trong ngày thứ Hai (08/10) nhân dịp lễ.
Cuối tuần trước, chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên thứ 2 liên tiếp, chịu sức ép bởi đà leo dốc của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ sau báo cáo việc làm tích cực.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu (05/10), chỉ số Dow Jones lùi 180.43 điểm (tương đương 0.68%) xuống 26,447.05 điểm, chỉ số S&P 500 mất 16.04 điểm (tương đương 0.55%) còn 2,885.57 điểm và Nasdaq Composite giảm 91.06 điểm (tương đương 1.16%) xuống 7,788.45 điểm.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc lên tới 3.24%, cao nhất kể từ năm 2011.
Phố Wall giảm mạnh sau khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ tạo ra thêm 134,000 việc làm trong tháng 9/2018, thấp hơn nhiều con số dự báo 185,000 việc làm. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp Mỹ rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/1969 là 3.7%. Tin tốt ở đây là mức tăng số lượng việc làm của tháng 7 và tháng 8/2018 được điều chỉnh tăng thêm 87,000 việc làm, qua đó đẩy mức trung bình tháng của 12 tháng vừa qua lên 211,400 việc làm. Trong khi đó, tiền lương tăng trưởng khớp với dự báo ở mức 2.8% trong tháng 9/2018.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – ở mức 95.617 vào lúc 8h22 giờ HK/SIN.
Ở thị trường năng lượng, hợp đồng dầu Brent tương lai giảm 0.68% xuống 83.59 USD/thùng, còn hợp đồng dầu WTI tương lai lùi 0.48% xuống 73.98 USD/thùng.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|