Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc vượt ngưỡng 3.2%
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 3.8 điểm cơ bản lên 3.196% – cao nhất trong 7 năm, sau khi có lúc lên tới mức 3.229% trong phiên. Còn lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng 2 điểm cơ bản lên 2.88%, cao nhất kể từ tháng 6/2008. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm cộng 4 điểm cơ bản lên 3.354% - cao nhất kể từ tháng 9/2014, sau khi ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 09/11/2016 trong ngày thứ Tư (03/10).
Được biết, giá trái phiếu dịch chuyển ngược chiều với lợi suất trái phiếu.
Phát biểu trong một cuộc thảo luận ở Washington vào ngày thứ Tư (03/10), ông Powell cho biết, nền kinh tế Mỹ vẫn còn cách khá xa với mức lãi suất trung lập (neutral). Mức lãi suất trung lập ý muốn nói tới mức lãi suất mà tại đó không thúc đẩy cũng không kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Trong năm 2018, Fed đã nâng lãi suất 3 lần và khả năng nâng thêm một lần nữa trong tháng 12/2018 là rất cao, khi các nhà hoạch định chính sách muốn bình thường hóa chính sách tiền tệ thoát khỏi mức của kỷ nguyên khủng hoảng tài chính năm 2008.
Mặc dù những nhận định của ông Powell không quá khác so với những lời ông đã nói tại buổi họp báo sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (Fed) trong tháng trước và lợi suất trái phiếu cũng đang trong xu hướng gia tăng (được thúc đẩy bởi dữ liệu kinh tế lạc quan), nhưng các chuyên viên phân tích cho rằng những nhận định của Chủ tịch Fed đã góp phần củng cố quan điểm là lãi suất có thể tăng nhanh hơn kỳ vọng của thị trường.
Làn sóng bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ trong ngày thứ Tư (03/10) và đà tăng của lợi suất kéo theo đó một phần là do báo cáo lạc quan từ Viện Quản lý Nguồn cung (ISM).
Ngoài ra, dữ liệu từ Automatic Data Processing (ADP) cho thấy nền kinh tế Mỹ tạo thêm 230,000 việc làm trong tháng 9/2018, cao hơn nhiều so với con số 163,000 hồi tháng 8/2018. Điều này càng góp phần thể hiện sức mạnh của nền kinh tế và ông Powell thường dẫn lại điều này như là một dấu hiệu cho thấy thị trường có thể hứng chịu thêm nhiều đợt nâng lãi suất. Báo cáo từ ADP thường được xem là bản xem trước của báo cáo việc làm vô cùng quan trọng do Chính phủ Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu (05/10). Câu hỏi lớn nhất ở đây là liệu mức tỷ lệ thất nghiệp thấp và tình trạng khan hiếm lao động sẽ gây áp lực lên tiền lương?
“Thị trường trái phiếu đang dần nhận ra rằng, tăng trưởng kinh tế là đủ mạnh để thúc đẩy lạm phát. Tiền lương tăng trưởng đủ để giúp người tiêu dùng mua thêm hàng hóa, cùng với đó là tỷ lệ thất nghiệp có thể chạm mức thấp nhất trong gần 50 năm. Do đó, lạm phát nên tiếp tục tăng trưởng cao hơn”, John Bredemus, Trưởng Bộ phận Thị trường vốn tại Allianz Investment Management, cho hay.
Đà tăng của lợi suất trái phiếu gây áp lực lên chứng khoán trong ngày thứ Năm (04/10), trong đó Dow Jones có lúc giảm tới 300 điểm trước khi xóa bớt đà lao dốc.
Dow Jones ghi nhận phiên giảm điểm đầu tiên trong 6 phiên, trong khi cả S&P 500 và Nasdaq Composite đều chứng kiến phiên tồi tệ nhất kể từ ngày 25/06/2018.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones lùi 200.91 điểm (tương đương 0.75%) xuống 26,627.48 điểm, chỉ số S&P 500 mất 23.9 điểm (tương đương 0.82%) còn 2,901.61 điểm và chỉ số Nasdaq Composite sụt 145.58 điểm (tương đương 1.81%) xuống 7,879.51 điểm.
Trong báo cáo ngày thứ Năm (04/10), Tom di Galoma, Giám đốc quản lý Bộ phận Giao dịch Trái phiếu Chính phủ Mỹ tại Seaport Global Securities, cho biết, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm có thể dao động quanh mốc 3.25% trong ngắn hạn. Tuy nhiên, ông cũng lo sợ rằng lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm có thể đạt mức 3.35%-3.37% trong quý 4/2018.
Vũ Hạo (Theo MarketWatch)
FiLi
|