Hang Seng giảm hơn 400 điểm vào đầu phiên
Phần lớn thị trường chứng khoán châu Á nhuốm sắc đỏ vào buổi sáng ngày thứ Năm (04/10) sau phiên giao dịch khá yên ắng trên Phố Wall trong đêm qua.
Tính tới lúc 8h53 ngày thứ Năm (04/10 – giờ Việt Nam), chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 417.4 điểm (tương ứng 1.54%).
Trên thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi lùi 26.26 điểm (tương ứng 1.14%) vào phiên buổi sáng, sau khi xuất hiện thông tin cho biết Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK), Lee Ju-yeol, ám chỉ khả năng nâng lãi suất chính sách trong tháng 10/2018.
Chỉ số Nikkei 225 gần như đi ngang ở mức 24,110.06 điểm vào đầu phiên, còn chỉ số Topix cộng 0.78% khi hầu hết lĩnh vực đều tăng.
Trong ngày thứ Ba (02/10), Toyota và Softbank sẽ tổ chức cuộc họp báo chung. Nhờ thông tin trên, cổ phiếu Toyota tiến 1.97%, còn cổ phiếu Softbank vọt 2.13%.
Trong khi đó, chỉ số ASX 200 của Australia lại tăng 42.2 điểm (tương ứng 0.69%), nhờ vào đà leo dốc của lĩnh vực tài chính. Cổ phiếu Commonwealth Bank (Australia) cộng 0.88% và Australia & New Zealand Banking Group tiến 1.02%.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 8h53 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Thị trường chứng khoán Trung Quốc tạm ngưng giao dịch nhân dịp Tuần lễ Vàng (Golden Week).
Phố Wall tăng điểm trong ngày thứ Tư (03/10) và Dow Jones đóng cửa tại mức cao kỷ lục phiên thứ 2 liên tiếp, sau khi dữ liệu về nền kinh tế Mỹ thúc đẩy đà tăng của lợi suất trái phiếu, qua đó hỗ trợ nhóm cổ phiếu tài chính.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones tiến 54.45 điểm (tương đương 0.2%) lên 26,828.39 điểm, chỉ số S&P 500 nhích 2.08 điểm (tương đương 0.07%) lên 2,925.51 điểm và chỉ số Nasdaq Composite cộng 25.54 điểm (tương đương 0.32%) lên 8,025.09 điểm.
Trong ngày thứ Tư (03/10), Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell, cho biết Fed vẫn còn cách khá xa so với mức trung lập về lãi suất trong suốt phiên hỏi đáp với Judy Woodruff của Public Broadcasting Service.
Ngoài ra, báo cáo từ ADP và Moody's Analytics cho thấy, nền kinh tế Mỹ tạo thêm 230,000 việc làm – mức cao nhất trong 7 tháng và cao hơn nhiều so với dự báo tăng 185,000 việc làm của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Refinitiv (trước đây là Thomson Reuters). Báo cáo này thường được xem là bản xem trước của báo cáo việc làm từ Chính phủ Mỹ - dự kiến được công bố vào ngày thứ Sáu (05/10).
Tiền tệ và dầu
Tính tới lúc 9h44 (giờ HK/SIN), chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – ở mức 96.101, nới rộng đà tăng trong đêm qua.
Trên thị trường dầu, hợp đồng dầu Brent tương lai giảm 0.39% xuống 85.95 USD/thùng, còn hợp đồng dầu WTI tương lai lùi 0.3% xuống 76.18 USD/thùng.
Trong ngày hôm trước (03/10), các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu tăng mạnh, khi báo cáo cho thấy kim ngạch xuất khẩu tại Iran sụt giảm do các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với nước này, cùng với sự không chắc chắn xung quanh khả năng các nhà sản xuất dầu chủ chốt bù đắp sự thiếu hụt này, qua đó giúp nâng giá dầu WTI và dầu Brent đảo chiều vọt lên gần đỉnh 4 năm.
James Williams, Chuyên gia kinh tế năng lượng tại WTRG Economics, nhận định: “Thị trường đang gặp vấn đề trong việc điều chỉnh rủi ro nguồn cung từ Iran và đặt câu hỏi về việc Ả-rập Xê-út sẽ bơm thêm bao nhiều dầu cùng với một báo cáo nguồn cung tiêu cực. Tình huống này giống như các nhà đầu tư đang ở 2 bên đối lập của bàn hội nghị, với một nhóm nhìn vào báo cáo tiêu cực và một nhóm khác cho rằng đó chẳng qua chỉ là con số của một tuần, và sự không chắc chắn về sản lượng dầu tại Iran và Ả-rập Xê-út vẫn còn đó”.
Vào ngày thứ Tư, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nguồn cung dầu thô nội địa vọt 8 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 28/09/2018, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất từ đầu năm đến nay, cao hơn rất nhiều so với dự báo tăng 907,000 thùng của Viện Xăng dầu Mỹ (API) và dự báo tăng 2.76 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|