Chủ Nhật, 28/10/2018 15:30

Mỹ nên học hỏi những nước đang phát triển về... ngân hàng?

Trong nhiều thập niên, Mỹ đã dẫn đầu trong việc giúp đỡ các nước khác phát triển, cho dù đó là thông qua các chương trình của USAID như “Nông dân đến Nông dân”, chương trình giáo dục như học bổng Fulbright, hay những hoạt động tình nguyện như Peace Corps.

Tuy nhiên, “gió đã đổi chiều” - ít nhất là khi nói đến những tiến bộ trong vấn đề “tài chính toàn diện”. Các quốc gia như Kenya và Việt Nam đã vượt cả Mỹ. Trong khi hàng chục triệu người Mỹ vẫn chưa được ngân hàng phục vụ hoặc không được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng chính thống, thì các nước này đang nhanh chóng phát triển các hệ thống tài chính hiện đại, giới thiệu tới hàng triệu người những dịch vụ trước đây không có sẵn cho họ.

Tất nhiên, các môi trường thị trường mới nổi khác biệt đáng kể so với các thị trường trưởng thành như Mỹ, và các giải pháp không thể chỉ đơn giản là “sao chép và dán” từ thị trường này sang thị trường khác. Nhưng với tốc độ tiến bộ ở mỗi quốc gia này, thật đáng để xem họ đã làm thế nào và Mỹ có thể đang bị tụt lại ở đâu.

Câu "Nghèo còn gặp cái eo" tiếp tục đúng ở Mỹ. Trong khi khách hàng giàu có được những tổ chức tài chính thu hút với các ưu đãi đăng ký hấp dẫn, giảm giá và miễn phí chơi gôn, thì những người ở dưới cùng của kim tự tháp phải trả cho mọi dịch vụ cơ bản, bao gồm nhân viên, các tờ sao kê và phí duy trì tài khoản hàng tháng.

Đối với nhiều người, không có khả năng đến được một chi nhánh thật ngoài đời – vì các chi nhánh ngân hàng tập trung nhiều ở các khu vực đô thị - nghĩa là họ không có quyền tiếp cận những dịch vụ ngân hàng. Kết quả là, khoảng 6.5% hộ gia đình người Mỹ vẫn không có tài khoản ngân hàng, trong khi 18.7% khác không được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng chính thống - họ có tài khoản, nhưng cũng sử dụng dịch vụ đổi séc sang tiền mặt của một doanh nghiệp nào đó hoặc vay nặng lãi bên ngoài. Tổng cộng, hơn 60 triệu người trưởng thành không được ngân hàng phục vụ hoặc không được tiếp cận các dịch vụ chính thống của các ngân hàng ở đất nước này.

Không cần phải như vậy. Ví dụ, ở Kenya, 82% dân số có tài khoản tài chính, cao nhất ở vùng hạ Sahara, châu Phi, theo Ngân hàng Thế giới, và gần gấp đôi so với năm 2011.

Sở dĩ Kenya đã có thể tăng tốc trong khi Mỹ lại đứng yên, phần lớn là nhờ vào hệ thống ví di động M-Pesa. Sự sáng tạo “công nghệ thấp” này – vì nó được cung cấp trên những chiếc điện thoại di động thông thường, chứ không chỉ là điện thoại thông minh - đến với đất nước Kenya cách đây đã lâu, trước khi Venmo trở thành cơn sốt mới nhất với thế hệ Y.

Được nhà điều hành điện thoại di động Safaricom tung ra vào năm 2007, M-Pesa cho phép người dùng thanh toán mọi thứ: Từ hóa đơn các dịch vụ tiện ích cho đến đồ ăn tại các hàng quán trên đường phố. Hệ thống này rất đơn giản: Mọi người lưu trữ tiền trong ví kỹ thuật số trên điện thoại của họ và sử dụng chiếc ví đó để thanh toán cho các dịch vụ bằng cách gửi nó ngay lập tức qua tin nhắn văn bản tới những người dùng khác với mức phí rất thấp hoặc không mất phí.

Bị thuyết phục bởi những lợi ích của nó, đa số người dân Kenya đã chấp nhận công nghệ này. Không chỉ hầu như tất cả những người có tài khoản tài chính chấp nhận nền tảng M-Pesa, mà hàng triệu người trước đây không có bất kỳ tài khoản tài chính nào cũng chấp nhận nó. Thật vậy, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, năm 2018, hiện có 73% người Kenya sử dụng tài khoản tiền di động,.

Một sự tiến triển tương tự đã xảy ra ở Việt Nam. Sau nhiều thập niên chiến tranh và các chính sách kinh tế thất bại, biến quốc gia này thành một trong những nước nghèo nhất thế giới, Việt Nam đã trở thành một "tiểu Trung Quốc" về mặt kinh tế trong thập niên qua khi một cuộc cách mạng di động bắt đầu có hiệu quả. Điện thoại thông minh và phí thuê bao ở đây tương đối rẻ, giúp hàng triệu người Việt Nam được tiếp cận với Internet.

Kết quả là mọi chuyện đang đến với tốc độ cực nhanh. Ngân hàng Thế giới ghi nhận, tính đến năm 2014, chỉ có 1/3 người có tài khoản ngân hàng chính thức tại Việt Nam, chưa bằng phân nửa mức trung bình trên toàn cầu. Tuy nhiên, khi ví điện tử nổi lên như một giải pháp thay thế, thì có nhiều người tiếp cận với hệ thống tài chính hơn nhiều.

MoMo, một dịch vụ thanh toán trực tuyến tại Việt Nam, hiện đã có 5 triệu người dùng. Và chỉ trong tháng trước, Grab - Uber của Đông Nam Á - đã tung ra giải pháp thanh toán di động GrabPay, dự kiến ​​sẽ mang về thêm hàng triệu USD trong hệ thống tài chính.

Những sáng kiến ​​như vậy cũng tồn tại ở Mỹ. Nhiều người bây giờ sử dụng PayPal, Venmo, Zelle hoặc một số ứng dụng ngân hàng di động khác. Và một báo cáo gần đây của Bộ Tài chính Mỹ về công nghệ tài chính (fintech) đã nhấn mạnh rằng trong 7 năm qua, hơn 3,330 công ty fintech mới đã được thành lập. Họ cung cấp một loạt các dịch vụ tài chính, bao gồm cả việc cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ trước đây gặp khó khăn trong việc vay vốn, thanh toán kỹ thuật số và đầu tư.

Tuy vậy, việc chấp nhận đổi mới tài chính một cách nhanh chóng và với quy mô lớn ở Mỹ vẫn là một thách thức. Dù các thị trường mới nổi vẫn tụt hậu trong vấn đề “tài chính toàn diện” nói chung, nhưng họ thường ở vị thế sẵn sàng nhảy vọt vì không bị vướng bận những phong tục và cơ sở hạ tầng lỗi thời được thiết lập ở các nước phát triển.

Chẳng hạn, chẳng có người tiêu dùng nào ở Kenya mơ ước được viết một tấm séc bằng giấy. Trong khi đó, tại Mỹ, những tấm séc bằng giấy vẫn là một phần khó chịu, nhưng lại được chấp nhận, của đời sống tài chính.

Vậy, Mỹ cần làm gì?

Đầu tiên, hãy mở rộng phạm vi phủ sóng di động ở vùng nông thôn Mỹ. Ủy ban Truyền thông Liên bang ước tính 30% số người sống ở nông thôn Mỹ thiếu truy cập băng thông rộng. Nhiều người trong số khoảng 15 triệu người Mỹ sẽ vẫn bị cắt đứt khỏi Internet băng thông rộng cũng như những dịch vụ tài chính cơ bản nếu Chính phủ và các nhà mạng không hành động.

Trong những năm 1930 và 1940, Chính phủ liên bang đã thiết lập một hệ thống tài trợ và cho vay để đảm bảo toàn dân được tiếp cận dịch vụ điện và điện thoại. Các doanh nghiệp và khách hàng đô thị được tính phí bảo hiểm thấp để trợ cấp chi phí mở rộng kết nối nông thôn. Một phương pháp tương tự có thể là hiệu quả đối với việc mở rộng truy cập băng rộng ngày nay.

Thứ hai, hãy cải thiện khả năng hiểu biết về tài chính. Những nỗ lực để dạy cho học sinh trung học các kỹ năng tài chính cơ bản đã trở nên tốt hơn trong vài năm qua. Những nỗ lực này chủ yếu tập trung vào các cộng đồng có thu nhập thấp và có xu hướng mang lại quả ngọt.

Tuy nhiên, sự thiếu hiểu biết về tài chính ở Mỹ là nằm ở nhiều đối tượng hơn là ở các học sinh trung học. Đưa ra quyết định tài chính hợp lý đòi hỏi phải liên tục học lại. Ví dụ, môi trường lãi suất thấp trong thập niên qua, về cơ bản đã định hình lại cách nhân viên nên tiếp cận với tiết kiệm hưu trí. Vấn đề vay quá mức cũng tiếp tục tạo ra những thách thức đáng kể cho nhiều hộ gia đình người Mỹ.

Thứ ba, hãy cập nhật các quy tắc và quy định từ các nhà hoạch định chính sách và ngân hàng trung ương để chúng khuyến khích, chứ không phải là cản trở, sự đổi mới. Một sự chắp vá của các nhà quản lý nhà nước và sự không chắc chắn cao về định hướng tương lai sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc mở rộng quy mô kinh doanh và tạo ra những cơn đau đầu cho các nhà đầu tư muốn rót vốn cho họ hoặc các ngân hàng truyền thống đang xem xét hợp tác với họ.

Dù Mỹ vẫn là quê hương của một số tên tuổi lớn nhất trên thế giới, nhưng nhiều kỳ lân hơn đang xuất hiện ở những nơi khác, đặc biệt là trong các hệ sinh thái thân thiện với đổi mới ở châu Á. Một giải pháp nhanh mà nhà quản lý nên xem xét là: Giới thiệu các khu vực nơi mà cho phép thử nghiệm có trách nhiệm. Những nơi này sẽ cho phép các nhà cung cấp thử nghiệm các giải pháp mới trên một quy mô giới hạn trước khi đưa chúng ra các nhóm khách hàng lớn hơn.

Nếu Chính phủ và khu vực tư nhân có hành động đối với những điều này và ở các mặt trận khác thì một ngày nào đó, “tài chính toàn diện” có thể xảy ra tại Mỹ. Nhiều người Mỹ có thể chưa bao giờ nghĩ rằng họ có thể đạt được điều đó bằng cách học hỏi từ Kenya và Việt Nam, nhưng đó có thể chính xác là những gì mà Mỹ cần làm.

Nhã Thanh (Theo CNN)

FILI

Các tin tức khác

>   Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đáng lo ngại hơn Fed? (25/10/2018)

>   Châu Á dễ bị tổn thương hơn Mỹ trong tình hình hiện tại? (26/10/2018)

>   8 công ty lớn sẵn sàng rời Trung Quốc vì chiến tranh thương mại (25/10/2018)

>   Trung Quốc siết chặt kênh tài trợ, các doanh nghiệp tư nhân gặp khó (25/10/2018)

>   EU từ chối kế hoạch ngân sách của Italy cho năm 2019 (24/10/2018)

>   Ông Trump: "Có lẽ" tôi hối hận khi bổ nhiệm Jerome Powell (24/10/2018)

>   PBoC sắp cung cấp 1.4 tỷ USD để hỗ trợ các đợt bán trái phiếu tư nhân? (23/10/2018)

>   Quan chức Trung Quốc: Chúng tôi không sợ chiến tranh thương mại với Mỹ (23/10/2018)

>   Dòng vốn FDI đổ xô vào Đông Nam Á vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung (22/10/2018)

>   Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng cáo buộc Trung Quốc không làm gì để giảm bớt căng thẳng (22/10/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật