Trung Quốc siết chặt kênh tài trợ, các doanh nghiệp tư nhân gặp khó
Việc siết chặt kênh tài trợ dành cho các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc được cho là sẽ còn tiếp diễn.
Các công ty phi Chính phủ giờ đây mang gánh nặng của chiến dịch giảm bớt đòn bẩy kéo dài hai năm do Chính phủ Trung Quốc khởi xướng, khi việc đóng cửa các kênh tài trợ làm gia tăng chi phí đi vay và số lượng vụ vỡ nợ cũng vì thế mà tăng lên mức kỷ lục.
Bị các ngân hàng chính thông từ chối cho vay vì thiếu đi sự hỗ trợ từ Chính phủ và thiếu đi vật thế chấp, khu vực tư nhân – chiếm phần lớn GDP của Trung Quốc – đã buộc phải tìm những cách khác để có được vốn. Những cách này bao gồm chuyển sang ngân hàng ngầm (shadow banking), phát hành trái phiếu và sử dụng cổ phiếu công ty làm vật thế chấp để đi vay. Tất cả những cách trên ngày càng khó tiếp cận hơn hoặc trở nên đắt đỏ hơn khi cuộc chiến thương mại với Mỹ đe dọa làm thu hẹp biên lợi nhuận của các công ty.
"Vì thị trường đang giảm mạnh, nhiều người nghĩ không có vật thế chấp nào đủ tốt để thực hiện cho vay tới các công ty tư nhân – đây là án tử dành cho những công ty này”, Xia Le, Trưởng Bộ phận Kinh tế châu Á ở Banco Bilbao Vizcaya Argentaria SA tại Hồng Kông, cho hay. “Nhiều công ty đang rơi vào khủng hoảng thanh khoản và điều này sẽ còn diễn ra trong ngắn hạn. Kết quả là nền kinh tế Trung Quốc sẽ trở nên tệ hơn vào năm tới”.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) dự định cung cấp 10 tỷ Nhân dân tệ (tương ứng 1.4 tỷ USD) cho công ty bảo hiểm có sự hậu thuẫn của Chính phủ để cung cấp hỗ trợ tín dụng cho các đợt bán trái phiếu của các công ty tư nhân, dựa trên nguồn thông tin thân cận trong ngày thứ Ba (23/10). Đây là một phần của kế hoạch mà NHTW đã công bố trong tuần này để hỗ trợ cho các công ty tư nhân.
Trước đó, trong ngày Chủ nhật (21/10), Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình, đã hứa sẽ liên tục hỗ trợ cho các công ty phi Chính phủ. Những công ty này chiếm hơn 60% GDP của nền kinh tế và 80% việc làm.
Ngân hàng ngầm
Trong tháng 9/2018, lượng vốn tài trợ ngầm, bao gồm các khoản vay ủy thác, vay tín chấp và thương phiếu ngân hàng, giảm 7 tháng liền xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2017. Các công ty tư nhân đã phụ thuộc vào kênh tài trợ này trong vài năm gần đây, khi ngân hàng không muốn cho vay tới các công ty không có sự hậu thuẫn của Chính phủ giữa lúc nền kinh tế đang trên đà giảm tốc.
Và ngày nay, việc vay vốn từ khu vực phi ngân hàng cũng ngày càng khó khăn hơn, khi các quan chức tăng cường kiểm soát chặt chẽ ngành ngân hàng ngầm – bằng cách phát hành nhiều chỉ thị về cách thức vay vốn và quản lý vốn vay – kể từ năm ngoái.
Trái phiếu doanh nghiệp
Các doanh nghiệp Trung Quốc với xếp hạng tín nhiệm AA hoặc thấp hơn có thể sẽ huy động được ít vốn nhất thông qua các đợt phát hành trái phiếukể từ năm 2010, dựa trên dữ liệu từ Bloomberg.
Và việc phát hành trái phiếu cũng khó hơn vì nhà đầu tư – vốn “tái mặt” vì số lượng vụ vỡ nợ trái phiếu kỷ lục – bỗng không còn muốn mua trái phiếu nữa. Cho tới thời điểm này trong năm nay 2018, các công ty tư nhân đã vỡ nợ khoảng 62 tỷ Nhân dân tệ trái phiếu, gấp 4 lần năm 2017.
Thế chấp cổ phiếu
Các khoản vay có thế chấp bằng cổ phiếu – thường do các công ty tư nhân vay – giảm 7 tháng liên tiếp xuống còn 1.46 ngàn Nhân dân tệ trong tháng 8/2018, theo Moody’s Investors Service. Các công ty môi giới chứng khoán ngày càng ít sẵn lòng cho vay hơn, vì giá trị của khoản thế chấp (cổ phiếu) giảm đi nhanh chóng, khi chỉ số Shanghai Composite đã tụt 30% so với mức đỉnh trong năm nay.
Các khoản vay ngân hàng
Các khoản vay tới các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tăng trưởng chỉ 1.9% trong quý 2/2018, mức tăng trưởng chậm nhất kể từ khi dữ liêu chính thức có từ năm 2015. PBoC đã 4 lần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong năm 2018.
“Trong quá khứ, các ngân hàng Trung Quốc tỏ ra do dự khi cho vay tới các tổ chức không có sự bảo lãnh của Chính phủ hoặc các tổ chức không có tài sản cố định làm vật thế chấp”, Logan Wright, Giám đốc tại công ty nghiên cứu Rhodium Group ở Hồng Kông, cho hay. “Rất khó để khuyến khích ngân hàng” cho vay tới các công ty phi Chính phủ.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|