Dòng vốn FDI đổ xô vào Đông Nam Á vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Đông Nam Á đang chứng kiến sự bùng nổ về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi chiến tranh thương mại ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc buộc các công ty phải chuyển hoạt động sản xuất đến Đông Nam Á.
Đáng chú ý, Việt Nam chứng kiến dòng vốn chảy vào hoạt động sản xuất công nghiệp nhảy vọt 18% trong 9 tháng đầu năm 2018, nhờ các khoản đầu tư như dự án 1.2 tỷ USD của Tập đoàn Hàn Quốc Hyosung Corp., theo báo cáo của Maybank Kim Eng Research Pte. trong ngày thứ Hai (22/10).
Trong giai đoạn 1-7/2018, dòng vốn FDI ròng vào Thái Lan tăng 53% so với cùng kỳ năm trước và đạt mức 7.6 tỷ USD, trong đó dòng vốn vào hoạt động sản xuất công nghiệp tăng gần 5 lần, dựa trên dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT). Ở Philippines, dòng FDI vào hoạt động sản xuất nhảy vọt lên mức 861 triệu USD trong 7 tháng đầu năm, cao hơn rất nhiều so với mức 144 triệu USD của 1 năm trước đó.
“Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể thu hút nhiều công ty tới mở nhà máy ở Đông Nam Á để né tránh các hàng rào thuế quan”, hai chuyên gia kinh tế tại Maybank Kim Eng Research là Chua Hak Bin và Lee Ju Ye, cho biết trong báo cáo. “Các lĩnh vực như sản phẩm tiêu dùng, công nghiệp, phần cứng công nghệ và viễn thông, xe hơi và hóa chất đều rất hấp dẫn ở Đông Nam Á”.
Đông Nam Á có lẽ đang hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại, khi khu vực này trở thành cơ sở sản xuất thay thế cho các công ty muốn chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc để né tránh hàng rào thuế quan. Khoảng 1/3 của hơn 430 công ty Mỹ ở Trung Quốc đã hoặc đang xem xét chuyển nhà máy sản xuất ra nước ngoài giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung dâng cao, dựa trên kết quả khảo sát trong giai đoạn 29/08 – 05/09.
“Căng thẳng thương mại chỉ đẩy nhanh xu hướng trên”, Trinh Nguyen, Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Natixis Asia Ltd. ở Hồng Kông, cho hay. “Đông Nam Á vừa là thị trường tăng trưởng mạnh, một nơi để thuê ngoài nhờ có chi phí sản xuất thấp và tự do hóa thương mại, cũng như là nguồn để giảm thiểu rủi ro địa chính trị”.
Dù vậy, khu vực này chắc chắn không hoàn toàn miễn nhiễm trước những tác động của cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung. Một báo cáo công bố trong ngày thứ Hai (22/10) cho thấy, chiến tranh thương mại là một lý do để giải thích tại sao kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan bất ngờ suy giảm trong tháng 9/2018.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|