EU từ chối kế hoạch ngân sách của Italy cho năm 2019
Ủy ban châu Âu (EC) – cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu (EU) – nói với các nhà làm luật thuộc Đảng Dân túy ở Italy rằng, họ phải điều chỉnh đề xuất ngân sách dự thảo của mình.
Hiềm khích giữa Rome và Brussels ngày càng tăng trong vài tuần gần đây, sau một đề xuất ngân sách dự thảo đầy tranh cãi của Italy cho năm 2019 (trong đó đề xuất một mức thâm hụt bằng 2.4% GDP Italy). Trong khi, Chính quyền Italy trước đó đã cam kết mục tiêu thâm hụt chỉ là 0.8% GDP.
Trong một tuên bố báo chí ở Strasbourg, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách về Euro và Đối thoại Xã hội, Valdis Dombrovskis, cho biết, không còn cách nào khác ngoài việc từ chối đề xuất hiện tại của Italy. Sau đó, ông nói thêm rằng chính quyền Italy hiện có 3 tuần để nghĩ ra kế hoạch khác.
“Không may là những lời giải thích chưa đủ thuyết phục để thay đổi các kết luận trước đó của chúng tôi về những vấn đề không tuân thủ cực kỳ nghiêm trọng”, ông Dombrovskis cho biết, đồng thời nói thêm: “Chính quyền Italy nhận thức được và sẵn lòng đi ngược lại với những cam kết đã đưa ra”.
Ủy ban châu Âu cũng cho biết, Italy có nguy cơ bị dính vào bẫy nợ.
“Việc phá vỡ luật lệ có thể đầy cám dỗ ngay lúc đầu, nó có thể đem lại ảo tưởng về sự giải thoát. Sẽ có cám dỗ khi trả nợ này bằng nợ khác, nhưng tại một số thời điểm, gánh nặng về nợ quá lớn”, ông
Đây là lần đầu tiên Ủy ban châu Âu từ chối một đề xuất ngân sách dự thảo của một quốc gia thành viên.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Italy kỳ hạn 10 năm tăng lên mức đỉnh trong phiên sau khi quyết định chính thức được công bố. Lợi suất trái phiếu dịch chuyển ngược chiều với giá trái phiếu. Trao đổi với Joumanna Bercetche của đài CNBC sau tuyên bố của EC, ông Dombrovskis nhấn mạnh tới mức tăng mạnh của tỷ lệ vay nợ Italy, cho rằng đây là một dấu hiệu cho thấy các nhà làm luật nên điều chỉnh lộ trình tài khóa.
Các cổ phiếu thuộc FTSE MIB cũng bị bán tháo và chỉ số này giảm 0.8% vào chiều ngày thứ Ba (23/10). Trong vài tháng gần đây, nỗi lo ngại về Italy cũng khiến thị trường Mỹ nhiều phen chao đảo.
Ngoài ra, cũng có nỗi lo sợ rằng kế hoạch tài khóa của Italy sẽ phá hoại việc giảm bớt núi nợ của quốc gia này – vốn đang ở mức cao thứ hai tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) với tổng cộng 2.3 ngàn tỷ Euro (tương ứng 2.6 ngàn tỷ USD). Tại châu Âu, các quốc gia không được có thâm hụt hàng năm cao hơn 3% GDP. Tuy nhiên, trong trường hợp của Italy, mức nợ nước này đã khiến Brussels lo ngại và yêu cầu Italy phải cân bằng lại sổ sách.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|