Chứng khoán Mỹ đỏ lửa: Dow Jones rớt hơn 400 điểm, Nasdaq lao dốc hơn 2%
Thị trường chứng khoán Mỹ rớt mạnh trong ngày thứ Tư (10/10), dẫn đầu là nhóm cổ phiếu công nghệ khi làn sóng bán tháo trong tháng 10 tiếp tục.
Tính tới lúc 10h23 ngày thứ Tư (10/10 – giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones lao dốc 412.26 điểm (tương ứng 1.56%) khi hai cổ phiếu Intel và Microsoft rớt hơn 2.5%. Chỉ số Nasdaq Composite sụt 178.6 điểm (tương ứng 2.31%).
Chưa hết, chỉ số S&P 500 giảm 45.28 điểm (tương ứng 1.57%), trong đó nhóm cổ phiếu công nghệ và công nghiệp giảm mạnh nhất. Chỉ số này cũng chuẩn bị ghi nhận chuỗi 5 ngày giảm liên tiếp – chuỗi dài nhất kể từ cuối năm 2016 – và rớt ngưỡng trung bình động 50 ngày, một ngưỡng kỹ thuật được theo dõi rộng rãi.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán Mỹ vào lúc 10h26 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Các chỉ số chuẩn chính đã lao dốc mạnh trong tháng này. Tính trong tháng 10/2018, chỉ số S&P 500 và Dow Jones giảm tương ứng 2.5% và 1.5%. Đáng chú ý nhất, Nasdaq Composite đã rớt hơn 5.5%.
Nỗi lo sợ về lãi suất ngày càng tăng và việc nhà đầu tư bán đổ bán tháo những cổ phiếu công nghệ từng rất được ưa thích đã khiến thị trường chứng khoán lao đao trong vài ngày qua. Chỉ số S&P 500 đang giảm liền 5 ngày. Dow Jones giảm 4 trong 5 phiên vừa qua, mất khoảng 700 điểm trong khoảng thời gian đó.
Cổ phiếu Amazon sụt hơn 3%, trong khi Netflix lao dốc 5.8%. Ngoài ra, hai cổ phiếu Facebook và Apple sụt hơn 1.5%.
“Mọi người đang dần rút khỏi các cổ phiếu công nghệ đã bay cao trước đây”, Larry Benedict, CEO của The Opportunistic Trader, cho hay. “Tôi nghĩ mọi người đang phòng hộ chưa đủ; có thể còn nhiều nỗi đau ở phía trước”.
Lo lắng về đà tăng mạnh của lãi suất cũng đâng gây áp lực lên cổ phiếu. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm ở quanh mức 3.23% một ngày sau khi chạm mức cao nhất kể từ năm 2011. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm đạt mức cao nhất kể từ năm 2008.
“Các chuyên gia quản lý danh mục thường đứng bên ngoài vì nỗi lo sợ sẽ phải trải qua đà giảm nhanh và mạnh”, Jeremy Klein, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường tại FBN Securities, cho hay.
“Dù vậy, môi trường cơ bản hiện tại vẫn còn đang hỗ trợ cho đà tăng của cổ phiếu. Tôi cho rằng mối lo ngại về đà tăng của lãi suất phần lớn đã hơi quá trớn. Cụ thể hơn, tôi không kỳ vọng lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn dài sẽ tăng”, ông cho hay.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng leo dốc khi lợi suất tăng. Hai cổ phiếu Citigroup và Bank of America tăng tương ứng 0.5% và 0.1%. Ngoài ra, cổ phiếu Wells Fargo cộng 0.8%.
Lợi suất trái phiếu Mỹ gia tăng trong ngày thứ Tư (10/10) sau khi Chính phủ Mỹ công bố dữ liệu cho thấy sự phục hồi của chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng trước. Chỉ số PPI tiến 0.2% trong tháng 9/2018 và tăng 2.8% trong 12 tháng vừa qua. Chỉ số này là một thước đo về lạm phát được theo dõi rộng rãi.
Đà tăng gần đây của lợi suất diễn ra trước khi mùa báo cáo lợi nhuận quý 3 bắt đầu. Các ngân hàng như Citigroup và Wells Fargo dự kiến công bố báo cáo sau đó trong tuần này. Nhìn chung, các chuyên viên phân tích tham gia vào cuộc thăm dò của FactSet dự báo, lợi nhuận quý 3 sẽ tăng trưởng 19% so với cùng kỳ năm trước.
Thế nhưng, “có quá nhiều lo ngại về đà tăng của chi phí đầu vào”, Art Hogan, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường tại B. Riley FBR, cho hay. “Các mối lo ngại hiện nay về đồng USD mạnh hơn và thương mại đã được tính vào dự phóng của doanh nghiệp và điều đó không tốt”.
“Trở về giả định rằng thị trường đang nhận định sai lầm… rằng một khi chúng ta hoàn tất thỏa thuận NAFTA 2.0, chúng ta sẽ chuyển hướng sang Trung Quốc”, ông cho hay. Thế nhưng, “nhận định về Trung Quốc chỉ ngày càng tệ hơn chứ không tốt hơn”.
Cổ phiếu cũng giảm khi thị trường chứng khoán châu Âu lao dốc vì lo ngại về ngân sách Italy. Chỉ số Stoxx 600 giảm hơn 1%, còn German Dax sụt 1.9%. Trong khi đó, chỉ số CAC 40 của Pháp lùi hơn 1.5%.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|