Nikkei 225 giảm hơn 300 điểm
Thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục nhuốm sắc đỏ trong ngày thứ Ba (09/10), sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào cuối tuần trước.
Tính tới lúc 13h30 ngày thứ Ba (09/10 – giờ Việt Nam), chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 314.33 điểm (tương ứng 1.32%), còn chỉ số Topix lùi 1.61%. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tiến 12.4 điểm (tương ứng 0.05%) trong phiên chiều.
Trên thị trường Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite xóa sạch đà phục hồi đầu phiên và quay đầu giảm 3.26 điểm (tương ứng 0.12%). Trong phiên trước (08/10), chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc trượt dốc 104.84 điểm (tương ứng 3.72%), đồng thời đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 19/06/2018.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 13h30 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Theo tuyên bố trên trang web chính thức của PBoC, tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với một số tổ chức cho vay sẽ được giảm 1% và có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2018.
Tỷ lệ RRR ở mức 15.5% đối với các ngân hàng thương mại lớn và 13.5% đối với các ngân hàng nhỏ hơn. PBoC đưa ra động thái này giữa lúc chiến tranh thương mại với Mỹ ngày càng leo thang.
Lượng vốn được giải phóng từ quyết định giảm bớt tỷ lệ RRR sẽ được sử dụng để trả lại các khoản vay thông qua công cụ cho vay trung hạn (MLF) 450 tỷ Nhân dân tệ (tương ứng 65.5 tỷ USD) đến hạn vào ngày 15/10/2018, và có thể giải phóng thêm lượng vốn là 750 tỷ Nhân dân tệ.
Mizuho Bank cho biết, quyết định của PBoC làm gia tăng khả năng tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng của các ngân hàng, qua đó hỗ trợ tăng trưởng ngay cả khi các lĩnh vực theo định hướng xuất khẩu chật vật vì các hàng rào thuế quan mới của Mỹ.
“Đợt giảm tỷ lệ RRR mới nhất của Trung Quốc trong năm nay không thể vực dậy niềm tin của nhà đầu tư”, Huani Zhu của Mizuho Bank viết trong báo cáo sáng thứ Ba (09/10). “Bất chấp một vài đợt giảm tỷ lệ RRR, điều kiện tín dụng tại Trung Quốc vẫn còn bị thắt chặt, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME)”.
Zhu lý giải rằng, so với các doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân và SME có khả năng bị tác động nặng nề nhất trước cuộc chiến thương mại với Mỹ, khi triển vọng xuất khẩu kém lạc quan hơn, chi phí tài trợ gia tăng và tâm lý bi quan hơn.
Tại Trung Quốc, đồng Nhân dân tệ được giao dịch ở mức 6.9193 đổi 1 USD vào lúc 13h30 (giờ Việt Nam), gần với mức giao dịch ở nước ngoài. Trước khi thị trường mở cửa, PBoC đã thiết lập tỷ giá trung tâm ở mức 6.9019 đổi 1 USD.
Chỉ số ASX 200 của Australia giảm 59.2 điểm (tương ứng 0.97%) khi chỉ số tài chính – vốn có tỷ trọng cao trong chỉ số chung – hạ 0.98%. Các cổ phiếu của các ngân hàng lớn đồng loạt giảm, trong đó cổ phiếu Commonwealth Bank lùi 0.94%.
Thị trường Hàn Quốc tạm ngưng giao dịch trong ngày thứ Ba (09/10/2018) nhân dịp lễ.
Trong ngày thứ Hai (08/10), Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo, gặp gỡ Ngoại trưởng Trung Quốc và Ủy viên Hội đồng Nhà nước, Wang Yi, tại Bắc Kinh trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng về thương mại.
Mặc dù nhấn mạnh tới tầm quan trọng của sự hợp tác giữa đôi bên, nhưng cả hai nhà ngoại giao vẫn có một cuộc trao đổi khá căng thẳng, trong đó ông Wang cáo buộc Mỹ liên tục leo thang căng thẳng thương mại với Trung Quốc và đưa ra các lời chỉ trích không có căn cứ về chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – ở mức 95.757 vào lúc 11h57 giờ HK/SIN.
Giá dầu tăng nhẹ trong ngày thứ Ba (09/10), trong đó hợp đồng dầu WTI tương lai cộng 0.55% lên 74.7 USD/thùng, còn hợp đồng dầu Brent tương lai tiến 0.6% lên 84.41 USD/thùng.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|