Thứ Hai, 08/10/2018 15:58

Nhà đầu tư nước ngoài đổ xô tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc

Vừa hoạt động trở lại sau Tuần lễ Vàng (Golden Week), thị trường chứng khoán Trung Quốc đã lao dốc mạnh và ghi nhận một khởi đầu tháng 10 tồi tệ nhất trong 1 thập kỷ. Trước tình cảnh đó, những nhà đầu tư giá lên (bull) còn lại cũng tỏ ra hoảng sợ và rút vốn ra khỏi thị trường.

Trong ngày thứ Hai (08/10), nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 9.7 tỷ Nhân dân tệ (tương ứng 1.4 tỷ USD) cổ phiếu Trung Quốc loại A, gần đạt mức kỷ lục vừa xác lập từ 8 tháng trước. Chỉ số Shanghai Composite giảm tới 104.84 điểm (tương ứng 3.72%) xuống 2,716.51 điểm.

Đáng chú ý hơn, chỉ số FTSE China A50 Index – bao gồm các cổ phiếu Trung Quốc vốn hóa lớn và có nhiều cổ phiếu được các nhà đầu tư nước ngoài ưa thích – lao dốc gần 5% trong đợt bán tháo dữ dội nhất kể từ tháng 1/2016. Bên cạnh đó, đồng Nhân dân tệ có lúc giảm tới 0.5%.

Một số chuyên viên giao dịch (trader) cho biết, việc thiếu vắng sự can thiệp của nhóm National Team – các quỹ có sự hậu thuẫn của Chính phủ Trung Quốc – đã làm đà giảm trở nên trầm trọng hơn trong phiên chiều. Các biện pháp hỗ trợ từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cũng không thể “chữa lành” nỗi đau, sau quá nhiều thông tin tiêu cực, bao gồm số liệu sản xuất công nghiệp yếu và những lời cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ. Tuần trước, cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết ở Hồng Kông cũng giảm ở mức độ tương tự.

“Nhà đầu tư nước ngoài bỗng trở nên bi quan, không còn lạc quan khi mua cổ phiếu Trung Quốc loại A trước đó”, Steven Leung, Giám đốc điều hành của Uob Kay Hian (Hong Kong) Ltd., cho biết. “Đà bán tháo mạnh ở Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư ngày càng quan ngại về mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc”.

Nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu mua vào cổ phiếu Trung Quốc khi các nhà cung cấp chỉ số toàn cầu quyết định gia tăng tỷ trọng cổ phiếu định danh bằng Nhân dân tệ trong rổ chỉ số của họ. Ngoài ra, đà giảm của chứng khoán Trung Quốc trong năm nay cũng làm mức định giá trở nên hấp dẫn hơn so với các thị trường cùng cấp trên toàn cầu.

Thị trường Trung Quốc chuyển biến xấu sau khi PBoC quyết định hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ tư trong năm 2018, khi các nhà hoạch định chính sách tìm cách ổn định tăng trưởng kinh tế.

Theo tuyên bố trên trang web chính thức của PBoC, tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với một số tổ chức cho vay sẽ được giảm 1% và có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2018. Lượng vốn được giải phóng từ quyết định giảm bớt tỷ lệ RRR sẽ được sử dụng để trả lại các khoản vay thông qua công cụ cho vay trung hạn (MLF) 450 tỷ Nhân dân tệ (tương ứng 65.5 tỷ USD) đến hạn vào ngày 15/10/2018, và có thể giải phóng thêm lượng vốn là 750 tỷ Nhân dân tệ.

Trong báo cáo buổi sáng, Mizuho Bank cho biết, quyết định của PBoC làm gia tăng khả năng tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng của các ngân hàng, qua đó hỗ trợ tăng trưởng ngay cả khi các lĩnh vực theo định hướng xuất khẩu chật vật vì các hàng rào thuế quan mới của Mỹ.

Nhà đầu tư giá lên thay đổi quan điểm

Các công ty môi giới rút lại các lời khuyến nghị tích cực về cổ phiếu Trung Quốc. Cuối tuần trước, JPMorgan Chase thay đổi quan điểm sang thận trọng. Trước đó, Morgan Stanley, Nomura Holdings Inc. và Jefferies Group cũng tỏ ra bi quan về cổ phiếu Trung Quốc.

Những tổ chức đi ngược lại với xu hướng (contrarian) bao gồm có HSBC Holdings Plc. Các chuyên gia thuộc HSBC vẫn giữ lại khuyến nghị đầu tư mạnh vào cổ phiếu Trung Quốc trong suốt năm 2018.

Làn sóng bán tháo đã lan rộng ra thị trường chứng khoán Hồng Kông – một trong số những thị trường giảm mạnh nhất trên thế giới.

Thị trường Trung Quốc đại lục vẫn chưa tìm thấy đáy nếu như nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tháo chạy. Trong khi đó, nhà đầu tư trong nước khó có khả năng trở lại thị trường sau khi bị mắc kẹt trong làn sóng bán tháo của năm nay. Các nỗ lực kìm hãm đà giảm của chứng khoán từ các nhà hoạch định chính sách trong năm 2018 dường như không thể kéo dài.

“Quyết định cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đã nằm trong suy tính của thị trường và chưa đủ để chống lại các yếu tố tiêu cực về tất cả khía cạnh trong suốt dịp Tuần lễ Vàng”, Zhang Gang, Chiến lược gia tại Central China Securities ở Thượng Hải, cho hay. “Ngay cả các quỹ quốc gia Trung Quốc cũng không có khả năng vực dậy thị trường cho đến khi các rủi ro lan truyền đã được phản ánh vào giá”.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi

Các tin tức khác

>   Shanghai Composite rớt hơn 3% sau động thái mới nhất từ NHTW Trung Quốc (08/10/2018)

>   Thị trường chứng khoán Mỹ xuất hiện nhiều tín hiệu đáng báo động (08/10/2018)

>   Chứng khoán Trung Quốc đỏ lửa sau quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của PBoC (08/10/2018)

>   Shanghai Composite tụt 2% sau tuần nghỉ lễ (08/10/2018)

>   Tất cả ác mộng của “dân chứng” Mỹ đều bắt nguồn từ thị trường trái phiếu (06/10/2018)

>   Nasdaq Composite chứng kiến tuần giảm mạnh nhất từ tháng 3/2018 (06/10/2018)

>   Nhóm cổ phiếu công nghệ châu Á lao đao vì thông tin Trung Quốc dùng chip để xâm nhập các công ty Mỹ (05/10/2018)

>   Vì sao chứng khoán Mỹ leo dốc, còn chứng khoán Trung Quốc lại suy giảm? (05/10/2018)

>   Cổ phiếu Lenovo rớt 23% sau thông tin Trung Quốc dùng chip để xâm nhập vào các công ty Mỹ (05/10/2018)

>   JPMorgan: Cổ phiếu ở các thị trường mới nổi có thể tăng 15% trong 6 tháng tới (05/10/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật