Chứng khoán Trung Quốc phục hồi nhẹ sau ngày thứ Hai đen tối
Thị trường chứng khoán Trung Quốc phục hồi nhẹ trong ngày thứ Ba (09/10), sau đà giảm mạnh trong phiên trước vì Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng vào cuối tuần trước.
Khép lại phiên giao dịch ngày thứ Ba (09/10), chỉ số Shanghai Composite tiến 0.17% lên 2,721.02 điểm, trong khi Shenzhen Composite mất sạch đà tăng trước đó và gần như đi ngang ở mức 1,385.09 điểm.
Đằng sau diễn biến của thị trường Trung Quốc
Theo tuyên bố trên trang web chính thức của PBoC trong ngày Chủ nhật (07/10), tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với một số tổ chức cho vay sẽ được giảm 1% và có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2018.
Tỷ lệ RRR ở mức 15.5% đối với các ngân hàng thương mại lớn và 13.5% đối với các ngân hàng nhỏ hơn. PBoC đưa ra động thái này giữa lúc chiến tranh thương mại với Mỹ ngày càng leo thang.
Lượng vốn được giải phóng từ quyết định giảm bớt tỷ lệ RRR sẽ được sử dụng để trả lại các khoản vay thông qua công cụ cho vay trung hạn (MLF) 450 tỷ Nhân dân tệ (tương ứng 65.5 tỷ USD) đến hạn vào ngày 15/10/2018, và có thể giải phóng thêm lượng vốn là 750 tỷ Nhân dân tệ.
Mizuho Bank cho biết, quyết định của PBoC làm gia tăng khả năng tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng của các ngân hàng, qua đó hỗ trợ tăng trưởng ngay cả khi các lĩnh vực theo định hướng xuất khẩu chật vật vì các hàng rào thuế quan mới của Mỹ.
“Đợt giảm tỷ lệ RRR mới nhất của Trung Quốc trong năm nay không thể vực dậy niềm tin của nhà đầu tư”, Huani Zhu của Mizuho Bank viết trong báo cáo sáng thứ Ba (09/10). “Bất chấp một vài đợt giảm tỷ lệ RRR, điều kiện tín dụng tại Trung Quốc vẫn còn bị thắt chặt, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME)”.
Zhu lý giải rằng, so với các doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân và SME có khả năng bị tác động nặng nề nhất trước cuộc chiến thương mại với Mỹ, khi triển vọng xuất khẩu kém lạc quan hơn, chi phí tài trợ gia tăng và tâm lý bi quan hơn.
Nhận định về tác động của động thái hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của PBoC tới thị trường chứng khoán Trung Quốc trong ngày thứ Hai (08/10), Helen Zhu, Trưởng Bộ phận Cổ phiếu Trung Quốc, cho biết: “Tôi không nghĩ phản ứng này thực sự xuất phát từ động thái của PBoC”.
Thay vào đó, Zhu chỉ tới đà tăng bất ngờ của lợi suất trái phiếu Mỹ trong tuần trước. Chính đà tăng này đã làm dấy lên lo ngại đồng USD sẽ tiếp tục tăng giá, qua đó gây áp lực lên đồng Nhân dân tệ và các đồng tiền thị trường mới nổi. Ngoài ra, cô cũng cho biết, bài phát biểu từ Phó Tổng thống Mỹ, Mike Pence, hồi cuối tuần trước là “diều hâu” hơn những gì mọi người dự báo trước đó.
Tại Trung Quốc, đồng Nhân dân tệ được giao dịch ở mức 6.9203 đổi 1 USD vào lúc 15h06 (giờ địa phương), gần với mức giao dịch ở nước ngoài. Trước khi thị trường mở cửa, PBoC đã thiết lập tỷ giá trung tâm ở mức 6.9019 đổi 1 USD.
Các thị trường khác thì sao?
Phần lớn thị trường chứng khoán còn lại của châu Á cũng suy giảm, sau phiên giao dịch trái chiều trên Phố Wall.
Chỉ số ASX 200 của Australia lùi 0.97% xuống 6,041.1 điểm khi lĩnh vực tài chính giảm 0.87%. Các cổ phiếu của các ngân hàng lớn đồng loạt giảm, trong đó cổ phiếu Commonwealth Bank lùi 0.87%.
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 lùi 1.32% xuống 23,469.39 điểm và Topix hạ 1.76% xuống 1,761.12 điểm. Chỉ số Hang Seng khép lại phiên ngày thứ Ba với mức giảm 0.11% xuống 26,172.91 điểm.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc khép phiên ngày 09/10
Nguồn: CNBC
|
Thị trường Hàn Quốc tạm ngưng giao dịch trong ngày thứ Ba (09/10/2018) nhân dịp lễ.
Trong ngày thứ Hai (08/10), Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo, gặp gỡ Ngoại trưởng Trung Quốc và Ủy viên Hội đồng Nhà nước, Wang Yi, tại Bắc Kinh trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng về thương mại.
Mặc dù nhấn mạnh tới tầm quan trọng của sự hợp tác giữa đôi bên, nhưng cả hai nhà ngoại giao vẫn có một cuộc trao đổi khá căng thẳng, trong đó ông Wang cáo buộc Mỹ liên tục leo thang căng thẳng thương mại với Trung Quốc và đưa ra các lời chỉ trích không có căn cứ về chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|