Vì sao IKEA thành công trên khắp thế giới còn những nhà bán lẻ khác thì không?
Vậy là IKEA sắp mở cửa hàng đầu tiên ở Ấn Độ. Đó là tin tức khá lớn trong chính công ty này khi các nhà bán lẻ phương Tây đã phải “vật lộn” để vượt qua nạn quan liêu trong môi trường kinh doanh ở Ấn Độ, đặc biệt là khi nói đến việc tạo dựng nên một cửa hàng thật sự ở đất nước này.
Tuy nhiên, điều hấp dẫn hơn là Ấn Độ sẽ đại diện cho quốc gia thứ 37 mà IKEA sẽ kinh doanh ở đó. Ngoài các nhà bán lẻ thức ăn nhanh và có lẽ là... Liên hiệp quốc, có thể không có một tổ chức nào trên hành tinh này lại hoạt động ở nhiều quốc gia như công ty này.
Mặc dù Ấn Độ là đặc biệt rắc rối, nhưng chúng ta hãy chấp nhận sự thật phũ phàng là: Hầu hết các công ty bán lẻ - và chắc chắn là các công ty bán lẻ Mỹ - đều có “thành tích” rất tệ khi hoạt động trên quy mô quốc tế.
“Đống phế liệu” các cửa hàng bị đóng cửa trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Trung Quốc và châu Á, hiện bao gồm một loạt tên tuổi các nhà bán lẻ, mà đáng chú ý là Home Depot và Best Buy chỉ là hai trong số đó.
Đây không chỉ là vấn đề của người Mỹ. Hai “tay chơi” lớn đến từ châu Âu - Carrefour và Marks & Spencer - đã bị “rớt đài” và phần lớn bị cháy túi trong quá trình theo đuổi nhiều mục đích toàn cầu của họ. Ở mảng siêu thị, Tesco đã “giương cờ trắng” trong quá trình mở rộng ở Mỹ, còn Lidl thì thấy rằng mọi chuyện không hề dễ dàng như họ nghĩ.
Và đừng quên nhà bán lẻ lớn nhất trong số họ: Walmart. Các chàng trai đến từ Bentonville đã thực hiện một cuộc đổ bộ ra toàn cầu theo nhiều hướng: Châu Âu, châu Á, Nam Mỹ, rồi cuối cùng phải quay trở lại Arkansas khi hầu hết những nỗ lực của họ thất bại. Chỉ có Walmart ở Mexico và Trung Quốc dường như là còn tồn tại, nhưng không nơi nào trong hai nơi này được xem là một trường hợp điển hình về thành công trong kinh doanh.
Đó là lý do tại sao bạn phải ngưỡng mộ IKEA vì những gì họ đã đạt được. Mặc dù trong tổng số các quốc gia mà IKEA có mặt, các cửa hàng do họ sở hữu và điều hành chỉ thật sự nằm ở 24 quốc gia (phần còn lại được nhượng quyền hoặc sở hữu bởi những người khác), nhưng thực tế đó không làm giảm đi thành tích của họ.
Vậy thì, IKEA đang làm điều gì mà những thương hiệu khác không làm? Đó là sự kết hợp của nhiều yếu tố, một vài điều trong số đó là hiển nhiên, một vài điều thì tinh tế hơn một chút.
- Trước tiên, đến từ một thị trường nội địa rất nhỏ ở Thụy Điển, các nhà quản lý của IKEA đã sớm hiểu rằng nếu họ phát triển, thì điều đó sẽ xảy ra bên ngoài biên giới quê hương của họ. Hầu như ngay từ đầu, mở rộng quốc tế là một phần của chiến lược, không phải suy nghĩ được nảy ra sau khi hành động, trong khi đối với một số nhà bán lẻ khác thì sau khi bị bão hòa ở quê hương, họ mới nhìn ra xung quanh để tìm xem phải những làm gì tiếp theo.
- Kiên nhẫn không chỉ là một đức tính tốt mà còn là nguyên tắc sáng lập trong việc mở rộng toàn cầu của công ty này. Cửa hàng IKEA đầu tiên được mở tại Mỹ vào năm 1985, nhưng phải mất một năm mới có cái thứ hai ra đời. Thậm chí, ngày nay, họ chỉ có khoảng 45 cửa hàng ở đây. Họ đã trì hoãn việc mở cửa hàng Ấn Độ đầu tiên nhiều lần vì muốn điều chỉnh mọi thứ để đảm bảo rằng mọi chuyện “đâu vào đấy” ngay từ đầu. Trong khi đó, đối với nhiều nhà bán lẻ khác thì cứ "mở trước, tìm hiểu sau".
- Nhà bán lẻ này trước giờ luôn giữ cho môi trường tổng thể và mô hình kinh doanh nhất quán, trong khi vẫn điều chỉnh để thích nghi với các mức độ sở thích và văn hóa địa phương. Các cửa hàng Ấn Độ sẽ cung cấp dịch vụ lắp ráp tại chỗ, một dịch vụ đầu tiên đối với IKEA nhưng hoàn toàn cần thiết ở một quốc gia không có truyền thống “tự làm”. Tại Mỹ, nhà bán lẻ này đã sớm thấy rằng nếu bán các sản phẩm như ga trải giường và bộ đồ giường, thì họ nên điều chỉnh theo những kích thước của Mỹ. Người mua sắm ở đây đơn giản là sẽ không mua những thứ không phù hợp.
- Thiết kế sản phẩm từ IKEA có độ trung lập đáng chú ý. Quá nhiều nhà bán lẻ đã cố gắng bán những “phong cách” đến từ địa phương của họ cho các quốc gia khác, và phần nhiều trong số đó đã trở nên lạc lõng. Tính thẩm mỹ trong thiết kế đơn giản, dễ hiểu của IKEA có hiệu quả ở hầu hết mọi nơi, với minh chứng là phần lớn sản phẩm của họ đều nhất quán trên khắp thế giới.
- Ngay cả những cái tên kỳ quặc của cửa hàng này cũng là một phần trong chiến lược toàn cầu. Bằng cách thỉnh thoảng lại chọn những cái tên khó hiểu và kỳ quặc cho các sản phẩm (chẳng hạn, có ai biết cách phát âm từ “Fyrkantig” không? Lại càng ít ai biết được nó nghĩa là “hình vuông” trong tiếng Thụy Điển!), công ty này tránh được các bản dịch ngôn ngữ gây phiền phức không ít cho những công ty toàn cầu trong những năm qua.
- Cuối cùng, đó là mô hình tìm nguồn cung ứng sản phẩm toàn cầu. Bằng cách mua hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới - không chỉ là những nơi thông thường như Trung Quốc và Ấn Độ - IKEA đã phát triển một hệ thống kịp thời và hiệu quả về mặt chi phí để mang sản phẩm của họ từ nhà máy đến nơi bán, bất kể nơi đó là ở đâu.
Khi cửa hàng Ấn Độ mở ra, chắc chắn sẽ có một số thứ không hiệu quả. Thịt viên Thụy Điển là sản phẩm khó bán ở một quốc gia mà mọi người không ăn thịt bò và chắc chắn một số sản phẩm sẽ không hấp dẫn đối với người mua sắm ở địa phương.
Tuy vậy, IKEA sẽ hiểu ra và sẽ làm được như thế nhanh hơn so với bất kỳ ai trong lĩnh vực bán lẻ. Tất cả chúng ta đôi khi có thể gặp rắc rối khi ráp một trong những chiếc kệ sách của họ, nhưng không có nhà bán lẻ nào có được một chiến lược toàn cầu tốt hơn so với IKEA.
Nhã Thanh (Theo Forbes)
FILI
|