Lao dốc 13%, đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ xuống thấp kỷ lục
Đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ có lúc rớt 13% so với đồng USD trong ngày thứ Sáu (10/08), qua đó khiến nhà đầu tư thêm phần lo ngại về sự ổn định kinh tế của quốc gia này.
Đà tụt dốc không phanh của đồng Lira phản ánh hàng loạt mối lo ngại, bao gồm căng thẳng với Mỹ và việc các cơ quan chức trách Thổ Nhĩ Kỳ không sẵn lòng nâng lãi suất. Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng đe dọa đáp trả lại, sau khi chính quyền Donald Trump áp lệnh trừng phạt lên các quan chức Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cấp cao vì vụ bắt giữ một mục sư người Mỹ.
Trong ngày thứ Tư (08/08), Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi một phái đoàn tới Washington nhằm giảm bớt căng thẳng đôi bên, nhưng vẫn chưa rõ là liệu họ có đạt được bước tiến nào không.
Góp phần làm gia tăng tâm lý tiêu cực trong ngày thứ Sáu (10/08), tờ Financial Times ghi nhận rằng, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang quan ngại về việc các ngân hàng thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang nắm giữ tài sản ở Thổ Nhĩ Kỳ vì đà lao dốc của đồng Lira. ECB từ chối bình luận về thông tin trên.
“Đây là một con dao hai lưỡi đối với đồng Lira”, Rodrigo Catril, Chiến lược gia tiền tệ cấp cao tại National Australia Bank ở Sydney, cho hay, ý muốn nói tới vụ căng thẳng với Mỹ và thông tin từ Financial Times.
Ông nói thêm, nhà đầu tư ngày càng lo ngại về đà tăng của lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ và khả năng của Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ trong việc kìm hãm lạm phát. Hiện nhà đầu tư tỏ ra lo ngại về tính độc lập của NHTW Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau khi rơi xuống mức thấp nhất mọi thời đại so với đồng USD vào ngày thứ Sáu (10/06), đồng Lira đã xóa bớt đà lao dốc và chỉ còn giảm 6%. So với thời điểm đầu năm nay, đồng Lira đã mất 40% so với đồng USD.
“Nhà đầu tư ngày càng lo ngại là có thể xảy ra khủng hoảng tiền tệ toàn diện trong thời gian tới”, David Cheetham, Trưởng Bộ phận Phân tích thị trường tại công ty giao dịch XTB, cho biết trong một báo cáo gửi tới các khách hàng.
So với năm 2017, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng trưởng nhanh chóng hơn trong năm 2018. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế trong vài năm gần đây bắt nguồn từ các dự án xây dựng – vốn được tài trợ chủ yếu từ nhà đầu tư nước ngoài.
Nhà đầu tư lo ngại về khả năng huy động vốn trong lúc khó khăn để trả hết nợ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan – người vừa tái đắc cử trong tháng 6/2018, lại là nguồn tạo ra bất ổn khác. Với hiến pháp mới của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan tự trao cho mình quyền lực lớn hơn trong quá trình hoạch định chính sách kinh tế, đồng thời kêu gọi chống lại việc nâng lãi suất.
“Dường như ít có khả năng là ông Erdogan sẽ thay đổi quan điểm 180 độ về lập trường chính sách tiền tệ”, Cheetham cho hay.
Vũ Hạo (Theo CNNMoney)
FiLi
|