Hang Seng tiếp tục xu hướng giảm
Thị trường chứng khoán châu Á khép phiên ngày thứ Tư (04/07) trong sắc đỏ, trong đó thị trường Trung Quốc không thể duy trì được sắc xanh trong phiên trước, khi nỗi lo ngại về thương mại tiếp tục nhen nhóm trước ngày 06/07 – thời điểm hàng rào thuế quan từ Washington và Bắc Kinh có hiệu lực.
Khép lại phiên giao dịch ngày thứ Tư (04/07), chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản lùi 68.5 điểm (tương ứng 0.31%) xuống 21,717.04 điểm, đánh dấu 3 phiên suy giảm liên tiếp. Lĩnh vực thiết bị điện tử là một trong những lĩnh vực giảm mạnh nhất, lao dốc 1.9% vào cuối phiên. Nhóm cổ phiếu thiết bị bán dẫn cũng suy giảm, trong đó cổ phiếu Tokyo Electron lao dốc 4.44%.
Trên thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi hạ 0.32% xuống 2,265.46 điểm, trong khi chỉ số ASX 200 của Australia lùi 0.43% xuống 6,183.40 điểm vì hầu hết lĩnh vực đều giảm.
Đáng chú ý nhất, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông với mức giảm 303.9 điểm (tương ứng 1.06%) xuống 28,241.67 điểm, nới rộng đà lao dốc trong phiên trước. Trong đó, lĩnh vực bất động sản và năng lượng giảm mạnh nhất.
Chỉ số Shanghai Composite cũng giảm 0.94% xuống 2,760.59 điểm sau phiên lội ngược dòng thành công trong ngày thứ Ba (03/07). Chỉ số Shenzhen Composite sụt 1.96%.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á
Nguồn: CNBC
|
Trong khi đó, nhà đầu tư Malaysia đang dõi mắt theo sát vụ bắt giữ cựu Thủ tướng Najib Razak trong vụ điều tra về quỹ đầu tư quốc gia 1Malaysia Development Berhad (1MDB). Vị cựu Thủ tướng Malaysia bị cáo buộc với 3 tội danh hình sự trong ngày thứ Tư (04/07), Reuters cho hay. Chỉ số KLCL của Malaysia tăng nhẹ 0.41%.
Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) hạ 0.32%.
Nỗi lo ngại của nhà đầu tư về vấn đề thương mại đã gia tăng trong tuần này, khi họ chờ đợi tới ngày 06/07 – thời điểm hàng rào thuế quan lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc của Mỹ chính thức có hiệu lực. Chính phủ Trung Quốc cũng tuyên bố áp thuế lên 34 tỷ USD hàng hóa Mỹ vào cùng ngày hôm đó.
Ngoài Trung Quốc, Mỹ cũng vướng vào các vụ xung đột thương mại với nhiều đối tác thương mại khác, bao gồm Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU). Các quốc gia này cũng bắt đầu áp thuế hoặc chuẩn bị áp thuế lên hàng hóa Mỹ sau quyết định áp thuế nhập khẩu lên thép và nhôm từ phía Washington.
Chứng khoán Mỹ suy yếu trong ngày thứ Ba (03/07), chịu sức ép từ đà sụt giảm của cổ phiếu Apple, Facebook và các cổ phiếu công nghệ khác, trong phiên giao dịch kết thúc sớm trước kỳ nghỉ lễ Độc lập ngày 04/07/2018.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones lùi 0.54% xuống 24,174.82 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 0.49% xuống 2,713.22 điểm và chỉ số Nasdaq Composite mất 0.86% còn 7,502.67 điểm.
“Tôi không trông mong thị trường Trung Quốc sẽ hồi phục mạnh, nhưng tôi cho là sẽ có sự dao động mạnh quanh mức hiện tại... Tôi nghĩ những gì chúng ta đang chứng kiến trên thị trường chứng khoán Trung Quốc phản ánh đà giảm tốc của nền kinh tế nhiều hơn là nỗi sợ về chiến tranh thương mại”, Kristina Hooper, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường toàn cầu tại Invesco, cho hay. Bà nói thêm thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể giảm thêm nếu xung đột thương mại Mỹ - Trung ngày càng tồi tệ.
Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ đã ổn định trở lại sau đà suy giảm liên tục trong thời gian gần đây. Đêm qua, tỷ giá đồng Nhân dân tệ rơi xuống mức thấp nhất trong 11 tháng so với đồng USD. Đồng Nhân dân tệ đã bắt đầu giảm từ giữa tháng 6/2018, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung dâng cao.
Tính tới lúc 15h09 giờ HK/SIN, đồng Nhân dân tệ ở mưc 6.6035 đổi 1 USD, cao hơn 0.5% so với mức đóng cửa ngày trước. Hôm thứ Ba (03/07), Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC), Yi Gang, cho biết Trung Quốc sẽ giữ tỷ giá đồng Nhân dân tệ ổn định ở mức cân bằng, và NHTW sẽ duy trì lập trường chính sách cẩn trọng và trung lập.
“Gần đây, thị trường ngoại hối cho thấy sự biến động mạnh và chúng tôi đang tập trung chú ý đến vấn đề này”, ông Yi cho biết trong một tuyên bố đăng trên trang web của NHTW Trung Quốc. Sự biến động này “chủ yếu là do các yếu tố như đồng USD mạnh hơn và những bất ổn từ bên ngoài, và còn có một số hành vi theo chu kỳ”, ông cho hay.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|