Thứ Tư, 04/07/2018 13:31

Nhà đầu tư giá lên rời bỏ chứng khoán Hồng Kông trong tiếc nuối

Mức định giá giảm mạnh, ước tính lợi nhuận suy giảm và các chuyên gia dự báo đang hạ mục tiêu đối với thị trường chứng khoán Hồng Kông – từng được xem là nơi được nhiều nhà đầu tư ưa thích, nhưng nay mọi thứ đã khác.

Nhà đầu tư trên thế giới đang “đứng ngồi không yên” vì đà lao dốc của đồng Nhân dân tệ và lộ trình nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tác động của hai yếu tố này đang được thể hiện rất rõ ở Hồng Kông vì các công ty ở đây phụ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc và đồng nội tệ được neo theo đồng USD.

Chỉ số Hang Seng mất 1.4% khi thị trường hoạt động trở lại trong ngày thứ Ba (03/07), vì một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc có thể giảm tốc mạnh hơn dự báo đang thúc đẩy thêm cho làn sóng bán tháo và đưa mức định giá trở về đáy 2 năm. Tính tới lúc 13h15 ngày thứ Tư (04/07 – giờ Việt Nam), chỉ số này lại giảm thêm 336.85 điểm (tương ứng 1.18%).

Chuỗi leo dốc mạnh nhất kể từ năm 1996 của chỉ số Hang Seng đã chấm dứt, chủ yếu là do các công ty ở đây quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc để kiếm lợi nhuận, Hồng Kông có mối tương quan cao với chính sách tiền tệ Mỹ và nhà đầu tư “ngoảnh mặt” với những cổ phiếu từng rất được yêu thích trước đây như Tencent Holdings. Sau 5 quý tăng liên tiếp và chạm mức kỷ lục hồi tháng 1/2018, chỉ số Hang Seng ghi nhận mức giảm mạnh trong quý 2 năm nay.

“Mọi thứ trở nên quá tệ”, Stephen Innes, Trưởng Bộ phận Giao dịch châu Á-Thái Bình Dương tại Oanda Corp. ở Singapore và từng là người rất lạc quan về cổ phiếu Hồng Kông cho tới tháng 3/2018, nhận định. “Số liệu kinh tế Trung Quốc chỉ tiếp tục tồi tệ hơn và đồng Nhân dân tệ đang gợi nhớ lại ký ức về làn sóng bán tháo năm 2015. Liệu chúng ta có chứng kiến sự tháo chạy của dòng vốn hay không là câu hỏi mà không ai nghĩ tới trước đây. Giữ tiền mặt là cách duy nhất hiện nay”.

Những nhà đầu tư giá lên (bull) đã đánh mất niềm tin vào một thị trường từng đem lại tỷ suất sinh lợi rất cao trong tháng 1/2018, thời điểm mà ngay cả những người bi quan cũng nhận định thị trường chỉ có những đợt suy giảm tạm thời mà thôi. Nhà đầu tư quốc tế từng rót vốn vào các quỹ chuyên đầu tư cổ phiếu Trung Quốc niêm yết ở Hồng Kông hoặc nước ngoài trong 17 tuần liền. Nhưng kể từ đầu tháng 6/2018, họ phải đành lòng rút gần 4 tỷ USD ra khỏi các quỹ này, theo hai chuyên gia Hanfeng Wang và Yingqi Lin của China International Corp.

Việc xuất hiện quá nhiều đợt IPO lớn cũng đe dọa tới các cổ phiếu hiện tại khi các cổ phiếu mới thu hút vốn thanh khoản từ thị trường. Tập đoàn Xiaomi dự kiến bắt đầu giao dịch vào ngày 09/07/2018. Meituan Dianping cũng tính chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Hồng Kông và có thể huy động tới 6 tỷ USD. Ngoài ra, đợt niêm yết của China Tower có thể là đợt IPO lớn nhất tại Hồng Kông kể từ năm 2010.

Cổ phiếu ở Hồng Kông dù sao còn khá hơn cổ phiếu ở Trung Quốc đại lục, duy trì được sắc xanh trong phần lớn khoảng thời gian của năm 2018 cho đến khi đà giảm của đồng Nhân dân tệ được đẩy nhanh từ giữa tháng 6/2018. Các chiến lược gia vẫn dự báo sẽ có sự phục hồi trong 6 tháng cuối năm 2018, mặc dù nhiều tổ chức như Nomura Holdings Inc. và Morgan Stanley đã giảm bớt mục tiêu đối với chỉ số Hang Seng.

“Tôi ước là tôi đã tỏ ra bi quan hơn trong tháng 1/2018, khi thị trường chứng khoán Hồng Kông rõ ràng có dấu hiệu bong bóng”, Wendy Liu, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu cổ phiếu Trung Quốc tại Nomura, cho hay. “Câu hỏi ở đây là liệu nền kinh tế Trung Quốc có chuẩn bị giảm tốc mạnh hay không – chúng tôi cần thêm dữ liệu để đo lường vấn đề này”.

Hệ số P/E của chỉ số Hang Seng đang là thấp hơn 11 lần, thấp hơn khoảng 5% so với mức bình quân 10 năm. Morgan Stanley cho biết các công ty thành phần của chỉ số Hang Seng tạo ra trung bình 60% lợi nhuận bằng đồng Nhân dân tệ – hiện đang là đồng tiền giảm mạnh nhất trên thế giới trong tháng vừa qua.

Góp phần gia tăng căng thẳng là làn sóng bán tháo từ Thượng Hải – nơi nhà đầu tư đã trở thành nhà bán róng cổ phiếu Hồng Kông trong 3 tháng liên tiếp thông qua mối liên kết giao dịch với thành phố này. Ngoài ra, việc neo đồng nội tệ theo USD cũng làm gia tăng chi phí đi vay: Lãi suất vay liên ngân hàng kỳ hạn 1 tháng tại Hồng Kông đã vượt 2% lần đầu tiên kể từ năm 2008.

Với mục tiêu tháng 6/2019 của Hang Seng là 27,200 điểm, tức giảm thêm 4.7% so với mức đóng cửa ngày thứ Ba (03/07), Morgan Stanley tin rằng đà bán tháo trên Hồng Kông vẫn chưa dừng lại.

“Đây là kết hợp của nhiều yếu tố: Đà suy yếu của đồng Nhân dân tệ, sự bất ổn thương mại, khả năng Fed nâng lãi suất 4 lần và chiến dịch thắt chặt đòn bẩy ở Trung Quốc”, Laura Wang, Chiến lược gia cổ phiếu của Morgan Stanley, nhận định trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. “Chúng tôi không kỳ vọng sẽ có sự thay đổi lập tức đối với những yếu tố trên. Ngay cả dòng chảy từ phía nam cũng đã chuyển hướng”.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi

Các tin tức khác

>   Quỹ Kingsmead từ bỏ cổ phiếu Trung Quốc để đầu tư vào TTCK Việt Nam (04/07/2018)

>   Sắc đỏ vẫn chưa chịu buông tha chứng khoán châu Á (04/07/2018)

>   Mỹ cho phép ZTE tạm thời hoạt động trở lại, giá cổ phiếu vụt tăng (04/07/2018)

>   Đà sụt giảm của cổ phiếu Apple và Facebook khiến Phố Wall lùi bước (04/07/2018)

>   Shanghai lội ngược dòng thành công, Hang Seng vẫn còn giảm hơn 400 điểm (03/07/2018)

>   TTCK châu Á gượng dậy, Hang Seng chỉ còn giảm hơn 600 điểm (03/07/2018)

>   TTCK Philippines bị bán tháo 55 tỷ USD, nhà đầu tư trong nước nhận thấy cơ hội mua vào (03/07/2018)

>   Bán tháo liên tục, truyền thông Trung Quốc lại lên tiếng trấn an nhà đầu tư (03/07/2018)

>   Hang Seng “bay” hơn 950 điểm, Shanghai sụt gần 2% (03/07/2018)

>   Phố Wall khởi đầu quý 3 với sắc xanh (03/07/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật