TTCK Philippines bị bán tháo 55 tỷ USD, nhà đầu tư trong nước nhận thấy cơ hội mua vào
Không hề nao núng bởi làn sóng bán tháo do khối ngoại dẫn đầu – vốn đã cuốn bay 55 tỷ USD ra khỏi thị trường chứng khoán Philippines, một số nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn nhận thấy cơ hội để mua vào.
Rommel Songco (45 tuổi) – người rời vị trí tài chính cấp cao tại một công ty viễn thông và giờ là trader toàn thời gian – đang ngó lơ làn sóng bán tháo tồi tệ nhất trong 1 thập kỷ và mua vào cổ phiếu mà ông cho là bị bán quá mức.
“Tôi đã từng chứng kiến tình trạng này diễn ra trước đây”, Songco – người lần đầu tiên đầu tư vào TTCK Philippines trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính châu Á từ hai thập kỷ trước – cho hay. “Hiện nay cơ hội mua vào nhiều hơn so với thời điểm đầu năm 2018 khi giá đã tăng lên quá cao. Rủi ro rồi sẽ giảm xuống và cổ phiếu giá rẻ sẽ tăng lên”.
Ông Songco đã mua cổ phiếu trong hai tập đoàn đa ngành lớn nhất của Philippines là GT Capital Holdings Inc. và DMCI Holdings Inc. Cổ phiếu của hai tập đoàn này đều rớt hơn 20% trong năm nay.
Chỉ số Philippine Stock Exchange (PSE) rớt 9.9% trong quý 2/2018 vì đà suy yếu của đồng Peso, sự tăng trưởng nhanh hơn của lạm phát, nguy cơ chiến tranh thương mại đang nhen nhóm giữa Mỹ và Trung Quốc, và làn sóng bán tháo ở các thị trường mới nổi. Chỉ số chứng khoán chuẩn của nước này đã bước vào thị trường con gấu trong tháng 6/2018, trong đó định giá rơi xuống mức thấp nhất trong 29 tháng.
“Khi thị trường lao dốc, chúng tôi nhắc nhở các nhà đầu tư nhỏ lẻ rằng thời điểm thị trường giảm là cơ hội để mua vào”, Julian Tarrobago, Trưởng Bộ phận Cổ phiếu tại ATR Asset Management Inc., cho hay. “Những nhà đầu tư khôn ngoan và có hiểu biết sẽ nhảy vào, trong khi một số người trở nên quá lo sợ và rút khỏi thị trường vì sợ mất thêm nhiều tiền hơn”. Tất cả 7 công ty môi giới chứng khoán tham gia vào cuộc thăm dò của Bloomberg đều cho biết các nhà đầu tư liều mình bước vào thị trường chứng khoán Philippines với tâm lý lạc quan nhưng cũng có phần thận trọng.
Tính thời điểm này trong năm 2018, nhà đầu tư nước ngoài đã rút hơn 1.22 tỷ USD, đã là mức kỷ lục khi xét trên cơ sở hàng năm. Chỉ số PSE đã mất 16% trong năm 2018, đồng thời là một trong những chỉ số chứng khoán có thành quả tệ nhất trên thế giới.
“Sự đánh đổi rủi ro và phần thưởng đối với cổ phiếu Philippines có lẽ đang ở mức cao nhất trong 2 năm qua”, Tarrobago cho hay. Thị trường chứng khoán nước này có thể hồi phục mạnh và đẩy chỉ số chuẩn về lại mức hồi đầu năm nay, ông nói thêm.
Tarrobago – người quản lý quỹ chứng khoán có thành quả tốt nhất ở Philippines trong năm nay – cho rằng thị trường đang phản ảnh không đúng mức tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp khi Philippines vẫn còn là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế nhanh nhất châu Á. Ông kỳ vọng mức tăng trưởng lợi lợi nhuận lõi 9.5% của quý 1/2018 sẽ còn cao hơn khi lợi nhuận ngân hàng cải thiện nhờ lãi suất gia tăng, còn nhu cầu nhà ở và văn phòng cao giúp duy trì lợi nhuận của các công ty bất động sản.
Robert Ramos, Giám đốc đầu tư của East West Banking Corp., nhận định thị trường có thể tiếp tục biến động mạnh ngay cả khi lo ngại về lạm phát dịu bớt. Điều này là do một loạt các yếu tố tiêu cực ở nước ngoài, từ đà tăng của lãi suất toàn cầu cho tới khả năng xảy ra chiến tranh thương mại. Các yếu tố toàn cầu sẽ xác định thị trường chứng khoán Philippines sẽ ở lại trong thị trường con gấu trong bao lâu, chứ không phải là yếu tố nội địa, ông nói rõ.
“Mức hiện tại rất hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn, nhưng sẽ không diễn ra suôn sẽ”, Ramos cho hay. “Xuất hiện lo ngại về lạm phát và lợi nhuận trong nước, nhưng vấn đề lớn hơn vẫn nằm ở thị trường toàn cầu. Chúng ta sẽ phụ thuộc vào chính sách tiền tệ và thương mại ở những thị trường phát triển”.
Tuy nhiên, Carla Beltran (24 tuổi), một trợ lý marketing, lại không quá lo ngại. Cô cho rằng đà giảm của thị trường chứng khoán là thời điểm tốt nhất để đầu tư vào cổ phiếu. “Đây là khoảng thời gian tốt nhất để vào thị trường chứng khoán vì giá còn thấp, nhưng tôi vẫn sẽ tổng hợp các thông tin lại để có thể mua đúng cổ phiếu”, cô nói thêm.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|