Quỹ Kingsmead từ bỏ cổ phiếu Trung Quốc để đầu tư vào TTCK Việt Nam
John Foo – Chuyên gia quản lý các quỹ đầu cơ chỉ tập trung vào chiến lược long-only trong 20 năm qua – đã bán sạch cổ phiếu Trung Quốc lần đầu tiên trong sự nghiệp quản lý quỹ.
Long-only là chiến lược đầu tư vào các cổ phiếu bị định giá thấp và né tránh các cổ phiếu bị định giá cao.
Quỹ Kingsmead Asset Management của ông Foo đã không còn đầu tư giá lên và giá xuống vào thị trường chứng khoán Trung Quốc từ 2 tháng trước, khi căng thẳng thương mại và chiến dịch thắt chặt tín dụng nội địa gia tăng, ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn. Quỹ Kingsmead quản lý khoảng 60 triệu USD trong một quỹ đầu cơ chỉ tập trung vào châu Á và còn kiểm soát tiền khách hàng trong những tài khoản riêng.
Quyết định rời bỏ thị trường chứng khoán Trung Quốc của ông Foo cũng không khó hiểu khi làn sóng bán tháo 2 ngàn tỷ USD ở thị trường nước này ngày càng mạnh hơn trong tuần qua. Nhà đầu tư lo ngại rằng xung đột thương mại với Mỹ sẽ gây tổn thương tới một nền kinh tế vốn đang chịu tác động nặng nề từ chiến dịch giảm bớt đòn bẩy trong nước (deleveraging drive). Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc chạm mức thấp nhất kể từ tháng 1/2016 trong cơn bán tháo hoảng loạn.
Trước đó, cổ phiếu Trung Quốc, chủ yếu những cổ phiếu niêm yết ở Hồng Kông và Mỹ, chiếm tới 40% tỷ trọng ròng tại quỹ Kingsmead Asset Management.
Ông Foo – người trước đó quản lý tài sản tại Frontpoint Partners – cho hay, để thu hút ông trở lại thị trường này, thì tỷ giá đồng Nhân dân tệ phải vượt ngưỡng 7.5 đổi 1 USD, đòn bẩy giảm bớt đáng kể và mức định giá phải giảm 30%. Hôm thứ Ba (03/07), đồng Nhân dân tệ rơi xuống mức thấp nhất trong 11 tháng so với đồng bạc xanh, sau khi chứng kiến mức giảm mạnh nhất trong 14 năm trong quý 2/2018. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite lội ngược dòng thành công trong ngày thứ Ba (03/07), khởi sắc trở lại sau khi giảm tới 1.9%.
Quỹ Kingsmead gia nhập vào nhóm các quỹ đã giảm tỷ trọng cổ phiếu Trung Quốc, như FengHe Fund Management và Pinpoint Asset Management.
Quỹ đầu cơ của Kingsmead đã rớt 7% trong năm 2018, vì họ không phòng hộ rủi ro tiền tệ, ông Foo chia sẻ, đồng thời nói thêm phần lớn các đồng tiền châu Á đều suy giảm so với đồng USD. Quỹ châu Á của Kingsmead đã tăng vọt 22% trong năm ngoái (2017).
Trong số những cổ phiếu mà ông Foo bán ra là cổ phiếu của những công ty đại lý xe hơi. Đây được cho là những cổ phiếu bị tác động nặng nề khi Trung Quốc áp thuế đáp trả 25% lên các xe hơi được sản xuất tại Mỹ. Trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc cố gắng giải quyết khoản nợ chồng chất của hộ gia đình, việc thắt chặt tín dụng có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các công ty đại lý xe hơi, ông Foo cho hay.
Ngoài ra, ông cũng bán các cổ phiếu tài chính Trung Quốc và cổ phiếu của các công ty có liên quan tới xuất khẩu.
Khi Trung Quốc không còn được ưa chuộng, quỹ Kingsmead lại gia tăng đầu tư vào Việt Nam, như CTCP Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG) và CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) – công ty sản xuất thép niêm yết lớn nhất của Việt Nam và hưởng lợi rất nhiều từ sự gia tăng của nhu cầu bất động sản và cơ sở hạ tầng.
Ông Foo cho rằng xung đột thương mại kéo dài sẽ tạo động lực cho các công ty chuyển nhà máy tới khu vực Đông Nam Á.
“Điểm mạnh của những cổ phiếu này là chúng đều có P/E ở mức 1 con số, với tốc độ tăng trưởng hơn 20% trong vòng 2 năm tới hoặc hơn”, ông nhận định.
Quỹ Kingsmead cũng ưa thích các công ty Thái Lan có đầu tư vào khu vực Sông Mekong – vốn trải dài sang Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, những khu vực ít bị tác động trước xung đột thương mại Mỹ - Trung, ông Foo nói thêm.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|