Giá xăng tăng liên tục: Áp thuế kịch trần, nguy cơ khó lường
Giá xăng dầu tăng mạnh trong nửa năm 2018 đã đẩy giá cả hàng hóa trong nước tăng theo. Nếu tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, giá xăng dầu sẽ càng thêm áp lực tăng, làm lạm phát tăng vọt. Đây là một nguy cơ khó lường cần được cảnh báo. Đáng lưu ý là, lạm phát nửa đầu năm 2018 đã áp sát mục tiêu Quốc hội đề ra, nếu không kiểm soát hợp lý sẽ vượt trần.
Xăng dầu đẩy giá cả tăng
“Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng buộc phải điều chỉnh giá xăng trong nước. Để hạn chế áp lực tăng giá xăng dầu, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam kiến nghị chưa áp thuế môi trường kịch trần đối với xăng dầu”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khuyến nghị như vậy tại Hội thảo về giá cả 6 tháng đầu năm do Viện Kinh tế tài chính tổ chức.
Nếu tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu thìsẽ tạo áp lực lên lạm phát.
|
Thực tế, số liệu của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho thấy: Giá dầu thô và giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng cao trong nửa đầu năm đã làm ảnh hưởng đến giá xăng dầu trong nước. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, mặt hàng xăng dầu đã có 12 đợt điều hành. So với thời điểm cuối năm 2017, giá bán lẻ tối đa các mặt hàng xăng dầu trong nước đã tăng từ 7,5-17,9%.
Giá xăng dầu tăng cũng góp phần khiến giá cả 6 tháng đầu năm lên cao. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng tới 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2017, trong khi mục tiêu cả năm Quốc hội đặt ra là dưới 4%.
Tại dự thảo Nghị quyết gửi lấy ý kiến đề nghị điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít; dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít,...
|
Nếu như những lần tăng thuế bảo vệ môi trường trước đây (từ 1.000 lên 3.000 đồng/lít với xăng), dư địa để kiềm chế tác động tới giá xăng dầu trong nước là vẫn còn. Bởi khi đó, thuế nhập khẩu xăng dầu vẫn ở mức khá cao. Chẳng hạn, thời điểm đó xăng chủ yếu nhập từ ASEAN vẫn có thuế 20%.
Nhưng nay, xăng nhập khẩu chủ yếu lại được nhập từ thị trường Hàn Quốc - nơi mà thuế nhập chỉ có 10% do Việt Nam đã cam kết trong Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc.
Cho nên, nếu thuế bảo vệ môi trường xăng dầu tăng kịch trần, rất khó để không tác động đến giá xăng dầu trong nước vì dư địa để giảm thuế nhập khẩu gần như đã cạn.
Tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu sẽ làm giá trong nước tăng, ảnh hưởng đến lạm phát. Cách đây ít ngày, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) đã tính toán: Nếu thuế bảo vệ môi trường xăng dầu tăng thì sẽ tác động làm tăng CPI lên khoảng 0,27-0,29%.
Mới 6 tháng đầu năm, lạm phát đã áp sát mục tiêu dưới 4%.
|
Lạm phát có vượt trần?
TS Đỗ Đức Độ, Viện Kinh tế tài chính, cho rằng: Hai ẩn số đối với lạm phát cần tính tới trong những tháng cuối năm 2018 là giá xăng dầu và giá thịt lợn.
Đưa ra hai kịch bản, ông Đỗ Đức Độ nhận định: Kịch bản 1 nhiều khả năng sẽ xảy ra. Nếu giá dầu và giá thịt lợn không tiếp tục tăng mà chỉ neo ở mức cao như hiện nay và lạm phát tăng trung bình không quá 0,14%/tháng thì lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm xuống mức 3,1% vào cuối năm nay. Đồng thời, lạm phát trung bình của cả năm 2018 sẽ ở mức 3,4-3,5%.
“Kịch bản 2 ít khả năng xảy ra hơn, nếu giá dầu và giá thịt lợn tiếp tục tăng mạnh và lạm phát tổng thể tăng trung bình 0,37%/tháng thì lạm phát trung bình cả năm sẽ ở mức 3,8-3,9%. Kịch bản này cho thấy, mục tiêu lạm phát vẫn có thể đạt được nếu giá dầu tăng lên 80-90 USD/thùng và giá thịt lợn leo lên mức 50.000-60.000 đồng/kg”, ông Đỗ Đức Độ tính toán.
Vì thế, ông Độ khẳng định: Về tổng thể, mục tiêu kiềm chế lạm phát trung bình của cả năm 2018 ở mức dưới 4% vẫn đang nằm trong tầm tay của Chính phủ.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá: Rủi ro lớn nhất đối với kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm 2018 là giá dầu thế giới có xu hướng tăng vượt dự kiến, khiến CPI tổng thể sẽ lớn hơn so với năm 2017.
Ông Ngô Trí Long cũng nhắc đến đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên kịch trần của Bộ Tài chính cùng nhận định “giá xăng dầu trong nước vẫn có chiều hướng tăng”.
“Giá xăng dầu là yếu tố khó dự báo, là yếu tố rủi ro của 6 tháng cuối năm tác động tới lạm phát”, ông Ngô Trí Long lưu ý.
Dù vậy, vị chuyên gia này vẫn nhận định mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% là “có khả thi”.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: Lạm phát nửa đầu 2018 vẫn hoàn toàn nằm trong mục tiêu quản lý điều hành và là kết quả đáng ghi nhận. Dự báo lạm phát nửa cuối và cả năm 2018 sẽ lặp lại kịch bản tương tự 2017. Tuy có yếu tố giá nhiên liệu tăng cao hơn nhưng nếu rút được những bài học kinh nghiệm trong quản lý điều hành từ quá khứ thì mục tiêu lạm phát dưới 4% không phải là không thể.
Lương Bằng
Vietnamnet
|