Chủ Nhật, 01/07/2018 10:42

Donald Trump thuyết phục Ả-rập Xê-út nâng sản lượng tới mức tối đa để kìm hãm đà tăng của giá dầu

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã thuyết phục Ả-rập Xê-ut nâng mạnh sản lượng dầu lên mức công suất tối đa để kìm hãm đà tăng của giá dầu, một động thái có thể đe dọa phá vỡ thỏa thuận “mong manh” mà OPEC đã thống nhất hồi cuối tuần trước và châm ngòi cho sự đối đầu giữa Ả-rập Xê-út và Iran.

“Vừa trao đổi với Vua Salman của Ả-rập Xê-út và giải thích cho ông ấy hiểu rằng vì sự bất ổn và rối loạn ở Iran và Venezuela, tôi mong Ả-rập Xê-út nâng sản lượng dầu, có thể lên tới 2,000,000 thùng, để bù đắp cho khoảng trống mà những quốc gia kia để lại… Giá dầu quá cao! Ông ấy đã đồng ý”, ông Trump cho biết trên mạng xã hội Twitter trong ngày thứ Bảy (30/06/2018).

Trong cuộc gọi điện thoại hôm thứ Bảy (30/06), Vua Ả-rập Xê-út, Salman bin Abdulaziz, và ông Trump đã bàn luận về các nỗ lực của các nhà sản xuất dầu nhằm bù đắp khả năng thiếu hụt nguồn cung dầu trên thế giới, Cơ quan Báo chí của Ả-rập Xê-út ghi nhận. Cả hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc duy trì sự ổn định trên thị trường dầu, theo báo cáo trên. Tuy nhiên, Cơ quan này lại không hề cho biết các nhà lãnh đạo đã đồng ý hoặc đưa ra mức tham chiếu tới 2 triệu thùng dầu.

* Nhờ đâu giá dầu nhảy vọt hơn 13% trong 1 tuần?

Phản ứng của Iran

Cuộc trao đổi qua điện thoại trên là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa Mỹ và Ả-rập Xê-út đã cải thiện phần nào dưới thời ông Trump. Trong thời chính quyền Barack Obama, Mỹ đã trở nên xa lánh Vương quốc này khi tiến tới thỏa thuận hạt nhân với Iran. Trong năm ngoái (2017), ông Trump đã chọn Ả-rập Xê-út là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du của ông. Kể từ đó, hai Chính phủ này đã tuyên bố các thỏa thuận trị giá hàng trăm tỷ USD và ông Trump có lần công khai khoe mẽ về việc Ả-rập Xê-út đã giúp tạo thêm việc làm ở nước Mỹ.

Nếu Ả-rập Xê-út đồng ý theo yêu cầu của ông Trump thì điều này có nghĩa là ông ấy đang kêu gọi “ngoảnh mặt” lại với OPEC, Hossein Kazempour Ardebili, Thống đốc OPEC của Iran, cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Chẳng có cách nào mà một quốc gia có thể bơm tới 2 triệu thùng/ngày, vượt trên mức phân bổ sản lượng, trừ khi họ ra khỏi OPEC”, ông nhấn mạnh.

Tại cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ở Vienna vào cuối tuần trước, Ả-rập Xê-út – quốc gia có sức ảnh hưởng nhất trong OPEC – đã cùng với các thành viên khác đồng ý nới lỏng hạn ngạch sản lượng trong thỏa thuận đã được thực hiện từ đầu năm 2017. Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út, Khalid Al-Falih, báo hiệu rằng OPEC sẽ nâng sản lượng thêm tổng cộng 1 triệu thùng/ngày vào thị trường dầu.

Giá dầu Brent – tiêu chuẩn dầu toàn cầu – vượt ngưỡng 80 USD/thùng vào giữa tháng 5/2018, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014. Hôm thứ Sáu (29/06), hợp đồng dầu Brent tương lai khép phiên ở mức 79.44 USD/thùng, đã rất gần với ngưỡng 80 USD/thùng.

Giá xăng không chì bán lẻ ở Mỹ, đã bao gồm thuế, đạt mức trung bình 2.833 USD/gallon trong tuần kết thúc vào ngày 25/06/2018, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), cao hơn khoảng 55 xu so với cùng kỳ năm ngoái.

Công suất dư thừa

Nếu Ả-rập Xê-út đáp lại yêu cầu của ông Trump thì họ phải sử dụng hết công suất dư thừa. Tuy nhiên, nếu trong tương lai xuất hiện tình trạng gián đoạn nguồn cung thì họ sẽ không còn công suất dư thừa để đối phó với tình trạng đó, và do đó, sẽ tác động đáng kể tới giá dầu. Ngoài ra, điều này cũng có thể khiến các thành viên khác của OPEC, như Iran và Venezuela, nổi giận. Trước khi OPEC tiến tới thỏa thuận hồi cuối tuần trước, Iran và Venezuela đã vận động hành lang để ngăn chặn tổ chức này quyết định nâng sản lượng.

“Chúng ta sẽ bước vào phạm vi chưa biết tới”, Amrita Sen, Trưởng Bộ phận Phân tích dầu tại Energy Aspects Ltd. ở Luân Đôn, cho biết. “Mặc dù Ả-rập Xê-út có công suất dư thừa, nhưng theo lý thuyết thì cần phải có thời gian để nâng sản lượng, có thể mất tới 1 năm”, cô cho hay.

Ả-rập Xê-út có công suất tối đa là 12.04 triệu thùng/ngày, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Vương quốc này chỉ mới bơm hơn 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5/2018, qua đó còn thừa lại chính xác 2 triệu thùng/ngày – mức công suất mà ông Trump đã đòi hỏi Vua Ả-rập Xê-út sử dụng tại thời điểm này.

Các chuyên gia phân tích và tư vấn dầu nghĩ rằng Ả-rập Xê-út có thể sản xuất hơn 12 triệu thùng/ngày trong trường hợp khẩn cấp thông qua một sự đột biến trong quá trình sản xuất, trong đó các mỏ dầu sẽ được bơm vượt qua mức mà các kỹ sư gọi là tỷ lệ hợp lý. Bên cạnh đó, Ả-rập Xê-út còn có chung một khu vực trung lập với Kuwait – vốn chưa được sử dụng trong vài năm qua và có thể bơm thêm nhiều nhất là 500,000 thùng/ngày.

Bơm mạnh

“Ả-rập Xê-út có thể sử dụng một phần dự trữ của mình để đẩy mạnh xuất khẩu (để thể hiện rõ với vị Tổng thống Mỹ), trong lúc cần thời gian để nâng công suất hoạt động”, ông Olivier Jakob, Trưởng Bộ phận Tư vấn tại Petromatrix GmbH, cho hay.

Trước đó trong tháng này, ông Trump đã đổ lỗi cho OPEC vì đã đẩy giá dầu lên cao một cách giả tạo trong những dòng tweet hồi tháng 4/2018. Tại các cuộc họp ở Vienna trong hai ngày 22-23/06/2018, OPEC và các đồng minh cố gắng cùng nhau tạo ra một thỏa thuận khéo léo nhằm làm vừa lòng một số nhà sản xuất, như Iran và Venezuela – những quốc gia muốn giới hạn sản lượng, và những quốc gia muốn nới lỏng hạn ngạch sản lượng như Ả-rập Xê-út.

Thỏa thuận cắt giảm sản lượng năm 2016 được đề ra nhằm mục tiêu xóa bỏ tình trạng dư cung toàn cầu – một mục tiêu đã đạt được hồi tháng 4/2018. Tuy nhiên, vì tình trạng gián đoạn sản lượng xuất hiện ở nhiều quốc gia nên thị trường dầu đang gặp một nguy cơ mới: Thiếu hụt nguồn cung dầu. Venezuela đang chìm sâu trong một cuộc khủng hoảng kinh tế, qua đó khiến sản lượng nước này tụt dốc không phanh. Ở Libya – nơi xung đột về quyền kiểm soát các cảng biển quan trọng đã tác động tiêu cực tới sản lượng dầu, Arabian Gulf Oil Co. cho biết trong ngày thứ Bảy (30/06) rằng họ đã tạm ngưng hoạt động sản xuất dầu (khoảng 220,000 thùng/ngày), theo nguồn tin thân cận.

Hồi đầu tháng 5/2018, chính quyền ông Trump cho biết sẽ tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran và cố gắng kêu gọi các quốc gia khác không mua dầu từ Iran.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi

Các tin tức khác

>   Giá gas tăng 3 tháng liền (01/07/2018)

>   Nhờ đâu giá dầu nhảy vọt hơn 13% trong 1 tuần? (30/06/2018)

>   Vượt ngưỡng 74 USD, dầu WTI bứt phá hơn 20% trong nửa đầu năm 2018 (30/06/2018)

>   Dầu WTI gần như đi ngang tại mức cao nhất kể từ năm 2014 (29/06/2018)

>   BoAML: Lệnh trừng phạt lên Iran có thể đẩy giá dầu vượt ngưỡng 90 USD (28/06/2018)

>   Dầu WTI tăng hơn 3% lên cao nhất từ năm 2014 khi nguồn cung tại Mỹ giảm mạnh (28/06/2018)

>   Vọt gần 3%, dầu WTI vượt ngưỡng 72 USD (27/06/2018)

>   Bộ Ngoại giao Mỹ: Các quốc gia phải giảm toàn bộ lượng dầu nhập khẩu từ Iran vào tháng 11/2018 (27/06/2018)

>   Vọt hơn 3.5%, dầu WTI vượt mốc 70 USD/thùng lần đầu tiên từ tháng 5/2018 (27/06/2018)

>   Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Công thương về giá xăng dầu, điện (26/06/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật