Thứ Bảy, 30/06/2018 09:05

Nhờ đâu giá dầu nhảy vọt hơn 13% trong 1 tuần?

Thị trường dầu lại tăng vọt một lần nữa. Trong ngày thứ Sáu (29/06), hợp đồng dầu WTI tương lai đã vượt ngưỡng 74 USD/thùng lần đầu tiên kể từ cuối năm 2014.

Mức tăng vọt 13% trong tuần qua xuất phát từ nhiều yếu tố như:

  • Thế giới không còn công suất dư thừa để đối phó với những tình trạng gián đoạn nguồn cung trong tương lai.
  • Một cơ sở sản xuất dầu lớn ở Canada bị mất điện, qua đó làm gián đoạn dòng chảy dầu thô tới Mỹ.
  • Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng cường kiểm soát chặt chẽ lên Iran, quốc gia sản xuất dầu lớn thứ 5 trên thế giới.

“Bạn không thể tweet về giá dầu cao, rồi sau đó áp đặt lệnh trừng phạt lên Iran, nhưng lại không muốn giá tăng cao hơn”, ông Ben Cook, Chuyên gia quản lý danh mục tại BP Capital Fund Advisors, cho hay.

Đây là chuỗi leo dốc dài dẳng đối với giá dầu thô. Thật vậy, giá dầu đã bắt đầu tăng mạnh vào mùa xuân, thời điểm sản lượng dầu của Venezuela giảm mạnh vì khủng hoảng và các chuyên viên giao dịch dự đoán ông Trump sẽ rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên, giá dầu quay đầu sụt giảm vào cuối tháng 5/2018, sau khi Ả-rập Xê-út cam kết bơm nhiều dầu hơn.

Nỗ lực từ Ả-rập Xê-út

OPEC và các đồng minh đã tiến tới một thỏa thuận sản lượng vào ngày thứ Sáu tuần trước (22/06) ở Vienna. Nhóm OPEC+ đồng ý bơm thêm tổng cộng 1 triệu thùng/ngày, thấp hơn mức dự báo của một số chuyên gia. Vì thế, giá dầu nhảy vọt sau khi thông tin về thỏa thuận được công bố.

Cuối tuần trước, Ả-rập Xê-út đã đứng ra giải thích rõ hơn về thỏa thuận sản lượng này. Quốc gia có sức ảnh hưởng lớn nhất của OPEC này dự định bơm dầu ở mức kỷ lục 11 triệu thùng/ngày vào tháng 7/2018.

Những lời cam kết táo bạo như thế này từ phía Ả-rập Xê-út thường sẽ tác động tiêu cực tới giá dầu. Nhưng những chuyên gia đầu tư giá lên vẫn thấy được một yếu tố tích cực.

“Ả-rập Xê-út dự định mở cửa ‘xã lũ’”, ông Bob McNally, từng là quan chức Nhà Trắng và giờ là Chủ tịch của công ty tư vấn Rapidan Energy Group, cho hay. “Điều này có nghĩa là sẽ không còn công suất dư thừa trên thị trường dầu trong lúc căng thẳng địa chính trị đang dâng cao”.

Hãy xem xét tới đà tụt dốc về sản lượng của hai thành viên OPEC, Libya và Venezuela, như là một yếu tố hỗ trợ giá dầu.

Mức tăng trưởng giới hạn ở khu vực sản xuất dầu Bắc Mỹ

Mỹ đã và đang bơm dầu ở mức cao kỷ lục nhờ có sự bùng nổ của khu vực dầu Permian Basin ở phía Tây Texas. Tuy nhiên, mức tăng trưởng cũng có giới hạn của nó. Permian Basin đang chật vật với việc thiếu hụt nhân lực, đường ống dẫn dầu và vật tư.

Tình trạng dư cung toàn cầu, vốn đã ám ảnh thị trường dầu trong 3 năm qua, đã biến mất. Hôm thứ Tư (27/06), Bộ Năng lượng Mỹ cho biết nhu cầu dầu cao đã khiến dự trữ dầu thô tụt 9.9 triệu thùng/ngày trong tuần trước, gấp 4 lần so với dự báo của các chuyên gia phân tích.

Canada – một cường quốc dầu mỏ khác – cũng đang gặp phải những rắc rối của riêng mình. Tình trạng mất điện tuần trước đã làm cơ sở sản xuất dầu Syncrude ở Alberta phải tạm ngưng hoạt động. Được biết, cơ sở này sản xuất tới 360,000 thùng/ngày.

Suncor Energy, công ty quản lý cơ sở Syncrude, cho rằng hoạt động sản xuất sẽ bị tạm ngưng cho tới ít nhất là tháng 7/2018, nguồn tin Reuters ghi nhận.

Phát ngôn viên của Suncor xác nhận rằng Syncrude không vận chuyển bất kỳ thùng dầu nào tại thời điểm này và cơ sở sản xuất này đang thực hiện đánh giá toàn diện để xác định xem khi nào có thể hoạt động trở lại.

Lo ngại về Iran

Chính quyền Donald Trump đã khiến thị trường bất ngờ với lập trường về Iran. Hôm thứ Ba (26/07), một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, các công ty mua dầu thô từ Mỹ phải cắt giảm toàn bộ lượng dầu nhập khẩu từ Iran vào đầu tháng 11/2018 hoặc họ sẽ bị Mỹ áp lệnh trừng phạt.

“Chúng tôi xem đây là một trong những ưu tiên hàng đầu về an ninh quốc gia”, vị quan chức này nói với các phóng viên.

“Đây là yếu tố hỗ trợ cực nhiều tới giá dầu”, Mike Wittner, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu dầu toàn cầu tại Societe Generale, cho hay.

Ông nói thêm rằng điều này là do thế giới không có đủ công suất dư thừa để ngay lập tức bù đắp cho lượng dầu xuất khẩu của Iran.

Dĩ nhiên, vẫn chưa rõ là liệu tất cả khách hàng của Iran sẽ làm theo yêu cầu của Washington hay không.

Một quan chức từ Bộ Dầu mỏ Ấn Độ cho biết trong cuộc phỏng vấn với CNNMoney rằng Ấn Độ có thể ngó lơ yêu cầu của Mỹ. Và Trung Quốc có thể cũng không muốn làm theo ý ông Trump khi đang xung đột thương mại như hiện nay.

Dẫu vậy, ông Trump đưa ra lập trường cứng rắn lên Iran vào thời điểm đầy khó khăn. Mặc dù giá xăng đã giảm bớt trong tháng vừa qua, nhưng vẫn dao động ở mức 2.84 USD/gallon, cao hơn 27% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu của AAA.

“Việc yêu cầu các quốc gia không nhập khẩu dầu từ Iran của Chính quyền ông Trump có thể đẩy giá xăng lên cao và gây khó khăn cho người tiêu dùng Mỹ”, McNally cho hay.

Vũ Hạo (Theo CNNMoney)

FiLi

Các tin tức khác

>   Vượt ngưỡng 74 USD, dầu WTI bứt phá hơn 20% trong nửa đầu năm 2018 (30/06/2018)

>   Dầu WTI gần như đi ngang tại mức cao nhất kể từ năm 2014 (29/06/2018)

>   BoAML: Lệnh trừng phạt lên Iran có thể đẩy giá dầu vượt ngưỡng 90 USD (28/06/2018)

>   Dầu WTI tăng hơn 3% lên cao nhất từ năm 2014 khi nguồn cung tại Mỹ giảm mạnh (28/06/2018)

>   Vọt gần 3%, dầu WTI vượt ngưỡng 72 USD (27/06/2018)

>   Bộ Ngoại giao Mỹ: Các quốc gia phải giảm toàn bộ lượng dầu nhập khẩu từ Iran vào tháng 11/2018 (27/06/2018)

>   Vọt hơn 3.5%, dầu WTI vượt mốc 70 USD/thùng lần đầu tiên từ tháng 5/2018 (27/06/2018)

>   Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Công thương về giá xăng dầu, điện (26/06/2018)

>   Dầu lùi bước sau cuộc họp của OPEC (26/06/2018)

>   Ả-rập Xê-út giải thích về thỏa thuận nâng sản lượng (25/06/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật