Ả-rập Xê-út giải thích về thỏa thuận nâng sản lượng
Ả-rập Xê-út cam kết hành động quyết liệt để giữ giá dầu trong tầm kiểm soát, qua đó thể hiện sự quyết tâm về đợt nâng sản lượng lên tới 1 triệu thùng/ngày.
“Chúng tôi sẽ làm bất kỳ điều gì cần thiết để giữ cân bằng trên thị trường dầu”, Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út, Khalid Al-Falih, nói với các phóng viên hôm thứ Bảy (23/06), trong lúc đang ngồi cạnh với người đồng cấp ở Nga, Alexander Novak, tại trụ sở của OPEC ở Vienna. Các quốc gia tiêu thụ dầu có thể an tâm khi “nguồn cung năng lượng của họ là sẵn có và được quản lý bởi một nhóm nhà sản xuất có trách nhiệm”.
Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út, Khalid Al-Falih
|
Ông Al-Falih đã cố gắng giải thích chi tiết về cách thức hoạt động của thỏa thuận sản lượng đã ký kết trong ngày thứ Bảy (23/06), làm rõ lại các ngôn từ còn mù mờ trong thỏa thuận và các tuyên bố đầy mâu thuẫn từ các vị bộ trưởng khác. Vị Bộ trưởng Dầu mỏ Ả-rập Xê-út cho rằng sẽ là rắc rối nếu đà tăng của giá dầu trở thành một xu hướng. Bên cạnh đó, ông Al-Falih nói thêm các nhà sản xuất có công suất dư thừa, như Ả-rập Xê-út, có thể khỏa lấp khoảng trống sản lượng mà các nhà sản xuất khác để lại.
“Quốc gia duy nhất có khả năng nâng sản lượng là Ả-rập Xê-út, vì vậy cách nhìn nhận của nước này về thỏa thuận sản lượng là quan trọng nhất”, Ann-Louise Hittle, Chuyên gia quan sát OPEC tại consultant Wood Mackenzie, cho hay.
Sự quả quyết của ông Al-Falih đưa ra sau những áp lực từ các dòng tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như cuộc vận động hành lang của các quốc gia mua dầu lớn. Những yếu tố này đã cho Ả-rập Xê-út và Nga thêm cơ hội để xoa dịu nỗi lo ngại của người tiêu dùng về giá dầu, nhưng lại phải đối mặt với sự phản đối từ Iran và Venezuela – những thành viên sáng lập của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và cũng là những quốc gia không có khả năng nâng sản lượng.
Một Đại diện của Iran ngay lập tức chỉ trích quan điểm của Ả-rập Xê-út, cho rằng thỏa thuận sản lượng trên không cho phép bất kỳ quốc gia thành viên nào cướp lấy thị phần của quốc gia khác. Các quốc gia làm như thế sẽ là gian lận, Đại diện của Iran. Bộ trưởng Năng lượng Venezuela, Manuel Quevedo, cũng đưa ra nhận định tương tự trên mạng xã hội Twitter.
Vị Đại diện Iran nói thêm Venezuela và những nước đang sản xuất dưới mức hạn ngạch hầu như chẳng có cách nào để củng cố thêm quan điểm của mình.
Thỏa thuận giữa các thành viên OPEC cam kết nâng một mức sản lượng “danh nghĩa” là 1 triệu thùng/ngày. Trên thực tế, một vài bộ trưởng cho biết thỏa thuận sẽ chỉ thêm một lượng dầu thấp hơn vào thị trường vì có một số quốc gia không thể nâng sản lượng của họ.
Những lời lẽ mù mờ của thỏa thuận trên đã dẫn tới nhiều cách thức nhìn nhận khác nhau, nhưng cũng giúp đạt được sự thỏa hiệp vào phút chót của Iran.
Danh nghĩa và thực tế
Thỏa thuận hôm thứ Bảy (23/06) đã bỏ lời cam kết rằng mức nâng sản lượng 1 triệu thùng/ngày phải được chia theo tỷ lệ tương ứng của từng thành viên. Nhờ đó, các quốc gia có thừa công suất có thể khỏa lấp khoảng trống của các quốc gia không có khả năng nâng sản lượng.
“Nếu chúng ta phân bổ dựa trên cơ sở tỷ lệ của 24 thành viên và xét trên công suất dư thừa của những quốc gia này, thì ước tính chỉ đạt được 60% của thỏa thuận”, ông Al-Falih cho hay. “Nhưng vì đã bỏ cách phân bổ dựa trên tỷ lệ nên chúng ta sẽ có gần 1 triệu thùng/ngày thay vì 600,000 thùng/ngày”.
Thông cáo của OPEC cũng cam kết tuân thủ 100% theo thỏa thuận gốc năm 2016 (chấm dứt một giai đoạn cắt giảm mạnh hơn dự tính), nhưng ông Al-Falih khăng khăng cho rằng không có quốc gia nào sẽ chịu mức giới hạn sản lượng nghiêm ngặt.
Ông Novak cũng hoàn toàn đồng quan điểm với ông Al-Falih, cho rằng Nga sẽ đóng góp nhiều nhất là 200,000 thùng/ngày cho thỏa thuận nâng sản lượng này.
“Mức nâng sản lượng thực sẽ gần bằng 1 triệu thùng/ngày”, ông Novak cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg Television. “Quyết định này rất đơn giản”. Bộ trưởng Năng lượng các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Suhail Al Mazrouei, cũng đưa ra quan điểm tương tự.
Ông Al-Falih cũng nói rõ Ủy ban Giám sát cấp Bộ trưởng Chung (JMMC) của nhóm OPEC và các đồng minh sẽ đóng vai trò then chốt trong việc quản lý nâng sản lượng. Được biết, cả Nga và Ả-rập Xê-út đều là thành viên của JMMC. Nhờ đó, khi tầm quan trọng của Ủy ban JMMC ngày càng gia tăng, sức ảnh hưởng của họ trong một liên minh bơm hơn 50% lượng dầu thô trên thế giới cũng tăng theo.
Công ty dầu quốc doanh Saudi Aramco đã dự báo trước về quyết định của tuần trước và đã nâng sản lượng trước đó, ông Al-Falij cho hay. Ông từ chối cho biết về sản lượng dầu mà Ả-rập Xê-út sẽ bơm vào tháng 7/2018, nhưng cam kết nâng sản lượng qua mỗi tháng và mỗi lượt là nâng hàng trăm ngàn thùng thay vì chục ngàn thùng.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|