Thứ Bảy, 23/06/2018 08:10

Bài cập nhật

Nhóm OPEC+ sẽ nâng sản lượng vào tháng 7

OPEC và đồng minh nhất trí nâng một mức sản lượng "danh nghĩa" là 1 triệu thùng/ngày

OPEC và các đồng minh, bao gồm cả Nga, sẽ nâng sản lượng kể từ tháng 7/2018, qua đó giảm bớt lo ngại cho những người tiêu dùng sau khi Ả-rập Xê-ut tiến tới thỏa thuận vào phút chót và vượt qua sự phản đối của Iran.

Thỏa thuận trên là một chiến thắng đối với Ả-rập Xê-út và Nga, hai quốc gia vốn dành cả tháng qua để kêu gọi nâng sản lượng với mục đích kìm hãm đà tăng của giá dầu. Ngoài ra, đây cũng là thành công của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã chỉ trích Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vì đã đẩy giá dầu lên cao một cách giả tạo.

“Mong là OPEC sẽ nâng sản lượng đáng kể”, ông Trump cho biết trên Twitter sau khi cuộc họp chấm dứt. “Cần phải kéo giá dầu xuống!”.

OPEC đồng ý nâng một mức sản lượng “danh nghĩa” là 1 triệu thùng/ngày, Bộ trưởng Dầu mỏ Ả-rập Xê-út, Khalid Al-Falih, nói với các phóng viên ở Vienna. Trên thực tế, một vài bộ trưởng cho biết thỏa thuận sẽ chỉ thêm một lượng dầu nhỏ vào thị trường (khoảng 700,000 thùng/ngày) vì có một số quốc gia không thể nâng sản lượng của họ.

Thông điệp của ông Trump

“OPEC đã nhận được thông điệp đó”, Abhishek Deshpande, Giám đốc điều hành tại JPMorgan Chase, cho hay. “Mục tiêu giá dầu ‘không quá cao cũng không quá thấp’ là chỉ gần 70 USD/thùng, mức này sẽ khiến người tiêu dùng không lên tiếng phàn nàn nữa”.

Hy vọng ở đây là thỏa thuận này đủ để giữ giá dầu dưới mốc 70 USD/thùng, mặc dù Ả-rập Xê-út và các thành viên khác đang tập trung vào nguồn cung và nhu cầu thay vì là mục tiêu giá, một đại diện của OPEC cho hay.

Ngôn ngữ mơ hồ trong thông cáo và thiếu mục tiêu thực tế có thể cho phép Ả-rập Xê-út và những nước khác tùy ý điều chỉnh sản lượng để giữ thị trường trong tầm kiểm soát. Tài liệu công bố cũng không hề đề cập tới mức nâng sản lượng cụ thể từ ông Al-Falih, thay vào đó lại cam kết nhóm sản xuất dầu sẽ tập trung vào việc khôi phục thỏa thuận cắt giảm sản lượng về lại mức đã nhất trí lúc đầu trong năm 2016.

OPEC và các đồng minh đã cắt giảm nhiều hơn 1.8 triệu thùng/ngày (mức trong thỏa thuân cắt giảm sản lượng) khoảng 47% trong tháng trước (tức mức độ tuân thủ là 147%), theo nhận định từ Bộ trưởng Năng lượng Nga, Alexander Novak. Điều này có nghĩa là khoảng 850,000 thùng dầu/ngày bị mất đi, phần lớn không phải là chủ ý của họ. Đó là do sự sụp đổ của ngành dầu Venezuela và đà sụt giảm dài hạn của sản lượng Mexico.

Ả-rập Xê-út có đủ khả năng sản xuất dư thừa để bù đắp cho sự mất mát về sản lượng và kìm hãm đà tăng của giá dầu, nhưng ông Al-Falih thừa nhận rằng động thái này khiến các thành viên OPEC cảm thấy không vui về khía cạnh chính trị.

Phân bổ không đều

Nhóm OPEC+ nhất trí bơm thêm 1 triệu thùng/ngày, nhưng chỉ một vài thành viên có thể nâng sản lượng.

Thông cáo cuối cùng không đề cập liệu Ả-rập Xê-út hay một thành viên nào khác có thể bù đắp cho sự mất mát sản lượng ở những quốc gia khác hay không. Tuy nhiên, cả nhóm OPEC+ sẽ cố gắng đạt được sự “hòa hợp tổng thể” là 100%. Trên thực tế, điều này chỉ có thể đạt được khi các quốc gia có công suất dư thừa nhảy vào và khỏa lấp khoảng trống mà các quốc gia khác để lại.

“Sự thiếu cụ thể về sản lượng chính là yếu tố thúc đẩy giá”, Joe McMonigle, Chuyên gia phân tích năng lượng cấp cao tại Hedgeye Risk Management, cho hay. “Đây là một mức nâng sản lượng dầu bí ẩn, vì chúng ta không thực sự biết được những con số cuối cùng”.

Giá dầu thực sự leo dốc sau thỏa thuận của OPEC, trong đó hợp đồng dầu WTI tương lai nhảy vọt tới 4.6% lên 68.43 USD/thùng.

Giữ gìn sự đoàn kết

Ngôn ngữ mù mờ có thể giúp bảo vệ sự gắn kết khó khăn lắm mới đạt được giữa nhóm 24 nhà sản xuất dầu. Chính sự hợp tác của 24 nhà sản xuất này đã chấm dứt đà lao dốc 3 năm của giá dầu. Nó đã cứu vớt một thỏa thuận vốn đã bị hoài nghi rất nhiều vào đêm ngày thứ Năm (21/06) sau khi Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, Bijan Namdar Zanganeh, rời khỏi cuộc họp, đồng thời dự báo rằng không ai có thể thuyết phục ông thay đổi quan điểm về phương án nâng sản lượng.

“Điều này không hề dễ dàng, nhưng mọi người đã tìm ra cách để vượt qua các rào cản”, một vị bộ trưởng cho biết. “Sự kháng cự của Iran khá mạnh và thông cáo trên là nghệ thuật của việc tìm ra tiếng nói chung giữa các nhà sản xuất dầu”.

Iran đã tỏ ra bực mình vì sự can thiệp của ông Trump. Ông Zanganeh cho biết vị Tổng thống Mỹ chính là lý do dẫn tới giá dầu cao, chính quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế và việc tái áp đặt lệnh trừng phạt vốn tác động nặng nề tới hoạt động xuất khẩu dầu của Iran.

Thỏa thuận trên góp phần củng cố thêm liên minh dầu mỏ giữa Vladimir Putin, Tổng thống Nga, và Mohammed bin Salman, Thái tử Ả-rập Xê-út và cũng là người thừa kế đầy quyền lực với ngôi vương. Hai quốc gia này đang dần thay thế OPEC trở thành yếu tố tác động chính tới thị trường dầu. Mối liên minh này đã thành công ngay cả khi Riyadh và Moscow đưa ra những quan điểm chính trị khác nhau về Syria và Iran.

OPEC sẽ hợp mặt một lần nữa vào ngày thứ Bảy (23/06) với các thành viên bên ngoài (bao gồm cả Nga) để phê chuẩn cho thỏa thuận ngày thứ Sáu (22/06).

Sau cuộc tranh cãi nội bộ khiến giá dầu trồi sụt trong vài tuần qua, Chủ tịch của nhóm này cho biết thỏa thuận ngày thứ Sáu (22/06) xét cho cùng là về nhu cầu của những người sử dụng dầu.

“Thỏa thuận mà chúng ta đã tiến tới là một bằng chứng cho thấy chúng ta quan tâm về các quốc gia tiêu thụ dầu”, Bộ trưởng Năng lượng của các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) và cũng là Chủ tịch của OPEC, Suhail Al Mazrouei, nói với các phóng viên. “Chúng tôi lắng nghe khi họ nói họ có lo ngại”.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi

Các tin tức khác

>   Dầu WTI vọt gần 6%/tuần sau quyết định nâng sản lượng của OPEC (23/06/2018)

>   Đồng loạt giảm giá các mặt hàng xăng dầu (22/06/2018)

>   Giá dầu tăng gần 1.5% trước thềm cuộc họp OPEC (22/06/2018)

>   Ả-rập Xê-út hướng OPEC tới thỏa thuận nâng sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày (22/06/2018)

>   Dầu Brent sụt hơn 2% xuống thấp nhất từ giữa tháng 4/2018 (22/06/2018)

>   Giá xăng có thể giảm mạnh ngày mai (21/06/2018)

>   Dầu WTI vọt gần 2% khi nguồn cung tại Mỹ giảm mạnh nhất từ tháng 1/2018 (21/06/2018)

>   Bộ trưởng Năng lượng Iran kêu gọi OPEC không nên bị tác động bởi ông Trump (20/06/2018)

>   Dầu suy giảm trước dự báo sản lượng OPEC gia tăng (20/06/2018)

>   Xăng A95 tại cửa hàng Petrolimex chỉ là 'thiếu cục bộ' (19/06/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật